Thứ sáu, 03/01/2025 | 02:19 GMT+7

Tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp đóng vai trò quan trọng bảo tồn nguồn năng lượng quốc gia

21/08/2019

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng tại Diễn đàn Tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp Việt Nam phát triển bền vững do Báo Công Thương phối hợp với Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 21/8 tại Hà Nội.

Tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp đóng vai trò quan trọng bảo tồn nguồn năng lượng quốc gia. Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng tại Diễn đàn Tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp Việt Nam phát triển bền vững do Báo Công Thương phối hợp với Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 21/8 tại Hà Nội.

Tiết kiệm năng lượng - vấn đề cấp bách

Phát biểu khai mạc Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, năng lượng và an ninh năng lượng luôn là mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ. "Theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt ngày 18-3-2016 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh) thì từ nay đến năm 2030, năng lượng phải đáp ứng đủ nhu cầu điện cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7,0%/năm" - Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng khẳng định.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng phát biểu tại Diễn đàn

Cũng theo kịch bản này thì nhu cầu điện thương phẩm các năm 2020, 2025, 2030 sẽ tương ứng là 235 tỷ kWh, 352 tỷ kWh và 506 tỷ kWh (tổng sản lượng điện thương phẩm năm 2018 đạt 192,93 tỷ kWh). Tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện toàn quốc trong các giai đoạn tới mặc dù sẽ giảm đáng kể so với trước đây nhưng vẫn ở mức rất cao nếu so sánh với các nước trên thế giới, cụ thể là 10,6%/năm (giai đoạn 2016 - 2020), 8,5%/năm (giai đoạn 2021-2025) và 7,5%/năm (giai đoạn 2026 - 2030). Nếu tổng công suất đặt của toàn hệ thống hiện nay là khoảng 54.000 MW (bao gồm cả năng lượng tái tạo) thì đến năm 2020 sẽ đạt khoảng 60.000 MW và dự kiến lên đến 129.500 MW vào năm 2030. Đây là một thách thức lớn đặt ra với ngành năng lượng trong việc đảm bảo thu xếp và huy động nguồn vốn đầu tư rất lớn để mở rộng, nâng cấp lưới điện truyền tải, phân phối, đầu tư, phát triển nguồn điện mới cũng như cung ứng đủ các nguồn năng lượng sơ cấp cho các nhà máy điện.

Thứ trưởng nêu vấn đề, trong thời gian qua chúng ta cũng gặp khó khăn về đảm bảo cung ứng điện cho giai đoạn 2021- 2015 do nhiều dự án điện đáng nhẽ chúng ta đưa vào vận hành nhưng tại thời thời điểm này các dự án chậm tiến độ với nhiều lý do khác nhau. “Trong bối cảnh từ năm 2015, nước ta đã chuyển từ một nước xuất siêu sang nhập siêu về năng lượng và ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn năng lượng nhập khẩu, các nguồn năng lượng tái tạo có giá thành còn cao và gặp nhiều rào cản kỹ thuật và tài chính trong việc phát triển và vận hành các nguồn điện từ năng lượng tái tạo, ngành năng lượng nói chung và ngành điện nói riêng đang đứng trước những khó khăn, thách thức rất lớn trong việc đảm bảo cung ứng đủ năng lượng”- Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng bày tỏ.

Ông Nguyễn Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ - cho rằng, vấn đề nâng cao tiết kiệm năng lượng hiệu quả là vấn đề các quốc gia phải đặt ra

Đồng tình quan điểm trên, ông Nguyễn Quân- Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ- Chủ tịch Hội tự động hóa Việt Nam - nêu vấn đề, phát triển năng lượng, an ninh lượng là vấn đề sống còn của quốc gia trong phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhưng việc sử dụng thế nào để nâng cao tiết kiệm năng lượng hiệu quả là vấn đề các quốc gia phải đặt ra.

“Ở Việt Nam, trong những năm vừa qua điện và năng lượng được coi là tăng trưởng nóng cao hơn mức tăng trưởng GDP quốc gia. Đứng ở góc độ nào đó, sự tăng trưởng này đã đảm bảo tăng trưởng kinh tế đất nước. Nhưng đã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận lại việc tăng trưởng đó phải đi vào hiệu quả nhưng vẫn phải bảo đảm an ninh năng lương quốc gia”- ông Quân chỉ ra.

Ông Cao Đức Phát - Phó ban Kinh tế Trung ương - nhấn mạnh, tiết kiệm năng lượng phải được coi là giải pháp năng lượng hàng đầu

Ông Cao Đức Phát – Phó ban Kinh tế Trung ương thông tin thêm, Ban Kinh tế Trung ương được giao chủ trì cùng các bộ, ban ngành, trước hết là Bộ Công Thương tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 18 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược năng lượng quốc gia. Điều quan trọng là phải đề ra phương hướng, giải pháp cho giai đoạn tới. “Ban Kinh tế Trung ương đã tiến hành cùng Bộ Công Thương khảo sát trong nước và ngoài nước, cũng như trao đổi tại nhiều hội nghị, hội thảo, hiểu rằng trong Chiến lược quốc gia giai đoạn tới, tiết kiệm năng lượng phải được coi là giải pháp năng lượng hàng đầu”- ông Cao Đức Phát nhấn mạnh.

Tiến tới giảm cường độ năng lượng cho ngành công nghiệp

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cũng chỉ ra, an ninh năng lượng và phát triển ngành năng lượng bền vững luôn là mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ Việt Nam. Bộ Công Thương đảm nhận trọng trách điều hành, cung ứng đủ năng lượng cho quốc gia, đáp ứng nhu cầu cho phát triển đất nước. Song song với việc khai thác các nguồn năng lượng sơ cấp để đáp ứng nhu cầu về năng lượng của nền kinh tế và toàn xã hội, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất giúp giảm áp lực trong việc khai thác, chế biến và cung ứng các dạng năng lượng, đạt hiệu quả cao về mặt kinh tế. Đồng thời giúp bảo tồn nguồn năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp cho công cuộc giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu.

Báo cáo của Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho thấy, trong giai đoạn 2011-2015 đã đạt được mục tiêu tiết kiệm từ 5-8% tổng mức tiêu thụ năng lượng của cả nước, tương đương với việc tiết kiệm từ 11-17 triệu TOE (đơn vị tiêu thụ năng lượng). Trong đó, cường độ năng lượng của các ngành sản xuất công nghiệp, tiêu thụ nhiều năng lượng đều giảm dần trong giai đoạn 2011-2015, đáng kể như ngành Thép (giảm 8,09%); ngành Xi măng (giảm 6,33%); ngành Dệt sợi (giảm 7,32%).

Ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững - tham luận tại Diễn đàn

Chia sẻ thực tế tiết kiệm năng lượng từ khối các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, ông Trịnh Quốc Vũ- Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) - cho biết, tiêu thụ năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp chiếm tới hơn 47% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc. “Theo đánh giá, tiềm năng kỹ thuật để tiết kiệm năng lượng trong khu vực công nghiệp ở Việt Nam là từ 20 - 30%, thậm chí có những khu vực lên tới 40%” - ông Trịnh Quốc Vũ thông tin.

Đơn cử như với Tập đoàn Hoà Phát với đặc thù sản xuất công nghiệp đa ngành, đa lĩnh vực; trong đó sản xuất gang thép là lĩnh vực sử dụng lớn điện, than…. Thế nhưng, với việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất, nhiều nhà máy của Tập đoàn đã có thể chủ động nhu cầu sử dụng điện gần 50%, thậm chí lên đến 70%.

Nhiều ý kiến đóng góp về giải pháp tiết kiệm năng lượng

Ông Vũ Trung Dũng – Công ty CP Thép Hòa Phát Hải Dương - chia sẻ: Ngoài các giải pháp cơ bản nhằm tiết kiệm năng lượng như thay đổi công nghệ, đầu tư thiết bị tốt, đầu tư biến tần chạy cho các động cơ lớn có tải thay đổi nhiều…, Hòa Phát còn sử dụng một số giải pháp mới nhằm tiết kiệm năng lượng như: Tận dụng hơi quá nhiệt cho việc nấu ăn cho các bếp ăn. Việc tận dụng hơi này giúp an toàn trong quá trình vận hành, nấu nướng, không gây cháy nổ; trong khi đó đầu tư thiết bị ít; giảm chi phí cho việc sử dụng khí gas trong các bép ăn. Qua thống kê thì một tháng có thể tiết kiệm được khoảng 200 triệu đồng so với việc phải sử dụng khí gas. Ngoài ra, công ty còn sử dụng công nghệ tách ẩm gió lạnh trước khi vào lò cao và sử dụng khí nóng lò COKE chạy turbine máy phát. Hiện, Hòa Phát đã đầu tư và đưa vào vận hành 4 tổ máy phát điện nhiệt dư với tổng công suất thiết kế là 60MW, với cấp điện áp 6,3 KV. Lượng điện phát này được hòa cùng nguồn điện cung cấp cho Dự án Khu Liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát. Hiện, công ty vẫn đang tiếp tục cải tiến thiết bị, cập nhật và áp dụng các công nghệ mới… nhằm tiết kiệm điện năng.

Hay như Sở Công Thương Hà Nội được Bộ Công Thương đánh giá là một trong những địa phương đi đầu trong việc thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Cụ thể, giai đoạn 2016 -2018, tổng mức năng lượng tiết kiệm là 739,7 kTOE, trong đó, điện năng tiết kiệm 1.119,72 triệu kWh, tương đương 2.046 tỷ đồng. Hàng năm, thành phố thực hiện Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giúp tiết kiệm được 2 – 2,2% năng lượng so với dự báo nhu cầu.

Để đạt kết quả trên, Sở Công Thương Hà Nội đã tuyên truyền nâng cao nhận thức, vận động cộng đồng, thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, Sở còn phát triển mô hình sử dụng năng lượng xanh cho các cơ sở sử dụng năng lượng tọng điểm trong công nghiệp và công trình xây dựng theo tiêu chí của thành phố Hà Nội. Ngoài ra, còn thúc đẩy bảo tồn năng lượng trong các hoạt động công nghiệp và xanh hóa nguồn sản xuất, phân phối điện năng.

Bên cạnh đó, thành phố đã tiến hành hỗ trợ nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, thực hiện kiểm toán năng lượng cho 88 cơ sở, tư vấn 502 giải pháp, giúp tiết kiệm 2.941,88 TOE, tương đương 27,5 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng hệ thống quản lý năng lượng cho 20 cơ sở; xây dựng công cụ tính toán chỉ số hiệu quả năng lượng cho 3 nhóm ngành logistics, sản xuất giấy và sản xuất bia – rượu – nước giải khát…

Các doanh nghiệp trao đổi về tiết kiệm năng lượng tại bên lề Diễn đàn

Gợi mở những giải pháp tiết kiệm năng lượng trong các nhà máy điện, nâng cao hiệu quả vận hành các nhà máy điện và hệ thống truyền tải điện. Ông Võ Quang Lâm- Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Việt Nam (EVN) - cho hay, EVN đã ban hành quy trình kiểm toán năng lượng cho các loại hình nhà máy điện để thống nhất tiến hành đo đạc, lập hồ sơ, đánh giá và triển khai thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng trong các nhà máy điện. Phối hợp với các Hiệp hội, các đơn vị tư vấn trong và ngoài nước có chuyên môn sâu để hợp tác đào tạo chuyên gia, ứng dụng công nghệ cao cho công tác vận hành, sửa chữa nhà máy điện và hệ thống điện. Bên cạnh đó, EVN từng bước áp dụng biện pháp sửa chữa bảo dưỡng các thiết bị theo trọng tâm độ tin cậy (RCM), để nâng cao ổn định, an toàn trong vận hành nhà máy điện và lưới điện truyền tải, lưới điện phân phối. Mặt khác, cũng phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước khuyến khích, thúc đẩy đầu tư xây dựng điện mặt trời áp mái, năng lượng tái tạo tại chỗ nhằm bổ sung nguồn năng lượng cho hệ thống điện quốc gia.

Ngoài ra, ông Chu Bá Thi- Chuyên gia cao cấp về năng lượng- Ngân hàng thế giới (WB) cũng chia sẻ giải pháp tiết kiệm năng lượng. Theo đó, trong thời gian qua, Bộ Công Thương và WB cũng đã phối hợp thực hiện Dự án tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam (VEEIE), trong đó Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (IBRD) cung cấp một khoản tín dụng trị giá 100 triệu USD cho các tổ chức tài chính tham gia tiến hành cho vay các dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đang phối hợp với WB tiến hành đánh giá thực trạng và đưa ra các giải pháp về chính sách cũng như các phương án để thúc đẩy phát triển thị trường dịch vụ năng lượng ESCO (mô hình của một công ty cung cấp các giải pháp năng lượng toàn diện) tại Việt Nam.

Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy việc phát triển thị trường ESCO, với một môi trường chính sách thuận lợi có thể nhân rộng hiệu quả việc đầu tư vào các dự án tiết kiệm năng lượng. Sự tham gia của các ESCO vào thị trường tiết kiệm năng lượng sẽ giúp cung cấp các nguồn kĩ thuật, sắp xếp tài chính, chia sẻ rủi ro và tạo dựng niềm tin cho các doanh nghiệp công nghiệp và ngân hàng đầu tư vào các dự án TKNL. “Nếu tạo được cơ chế hỗ trợ phù hợp, mô hình ESCO sẽ là một mắt xích quan trọng trong việc triển khai các chương trình tiết kiệm năng lượng quốc gia thì trong tương lai gần, thị trường ESCO Việt Nam sẽ phát triển không thua kém các nước trong khu vực và thế giới”, ông Chu Bá Thi nhìn nhận.

Tích cực triển khai các giải pháp

Nhằm tiếp nối các kết quả thành công đạt được của Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 1 và giai đoạn 2, đồng thời đưa ra một kế hoạch và chiến lược dài hạn với định hướng rõ ràng cho các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại Việt Nam, Bộ Công Thương đã xây dựng “Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030".

Trong tháng 3/2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030. Chương trình đề ra mục tiêu đạt mức tiết kiệm năng lượng 5 - 7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2019 - 2025 và từ 8 - 10% trong giai đoạn 2019 - 2030.

 

Diễn đàn thu hút sự tham gia của các bộ, ngành, doanh nghiệp, sở công thương các tỉnh, thành phố trên cả nước

 

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nêu rõ, các chương trình, hoạt động về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nếu được tổ chức và thực hiện tốt sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn nguồn năng lượng của quốc gia, giúp cho nền kinh tế phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, giúp thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính để ứng phó với hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu.

Thực hiện mục tiêu của Chính phủ, Bộ Công Thương đã ban hành 6 Thông tư về tiêu hao năng lượng định mức/sản phẩm ở các ngành hóa chất, thép, bia, nước giải khát, nhựa và chế biến thủy sản. Cũng để giúp doanh nghiệp quen với tiết kiệm năng lượng, Chương trình mục tiêu quốc gia về tiết kiệm năng lượng hiệu quả đã có những hỗ trợ kỹ thuật về kiểm toán năng lượng, đào tạo hướng dẫn cán bộ của doanh nghiệp và triển khai các dự án trình diễn, quảng bá công nghiệp tiết kiệm năng lượng điển hình.

Kết luận tại Diễn đàn, ông Cao Đức Phát cho rằng, cần có sự đồng thuận cao giữa các bộ, ngành để thúc đẩy chủ trương sử dụng tiết kiệm năng lượng hiệu quả. “Ưu tiên hàng đầu về thực hiện chiến lược về năng lượng để góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước nhanh và bền vững hơn”- ông Cao Đức Phát nhấn mạnh.

Phó ban Kinh tế Trung ương cũng nêu quan điểm, qua các phát biểu tại Diễn đàn có thể nhận thấy dư địa năng lượng tại Việt Nam rất lớn, mật độ năng lượng cao so với nhiều nước trên thế giới. “Nhưng các doanh nghiệp ngành công nghiệp đã làm tốt chủ trương sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Thể hiện ở những giải pháp của Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Hòa Phát…”- ông Cao Đức Phát đánh giá.

Tuy nhiên, ông Cao Đức Phát cũng chỉ ra 4 yếu tố cần khắc phục trong sử dụng năng lượng tiết kiệm vào hiệu quả: Nhận thức, cơ chế chính sách, quản lý, khoa học công nghệ. Theo đó, cần nâng cao hiệu quả về sử dụng năng lượng, ông Phát cho rằng phải xử lý tồn tại tại 4 lĩnh vực đó.

Đối với Ban kinh tế Trung ương- cơ quan tham mưu cho Đảng sẽ cùng các bộ, ngành có các kiến nghị vĩ mô về 4 yếu tố cần khắc phục này. Về lâu dài chúng ta thiết lập hệ thống, dẫn dắt tiến tới chi phí năng lượng trong ngành năng lượng thấp dần xuống. “Phải nhanh chóng thiết lập thể chế, thị trường một cách đồng bộ. Đây là là yếu tố then chốt tạo động lực cho người sản xuất và người tiêu dùng sử dụng tiết kiệm năng lượng hiệu quả”- ông Cao Đức Phát nói.

Tiếp thu ý kiến của Phó ban Kinh tế trung ương Cao Đức Phát, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho rằng, thị trường tiết kiệm năng lượng hiện nay được đánh giá có dư địa rất lớn và hoàn toàn triển khai hiệu quả rất cao. Vì vậy, trong thời gian tới, giải pháp cần triển khai thực hiện đó là hoàn thiện, xây dựng, đồng bộ cơ chế thị trường năng lượng, trong đó, cơ chế vừa phải tạo ra động lực vừa là áp lực, để cả giai đoạn năm 2019 -2030 phải tiết kiệm 8-10% tổng năng lượng tiêu thụ tại Việt Nam.

"Trong khi đó, giai đoạn 2006 – 2015, giai đoạn này dư địa lớn hơn so với hiện nay, chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm mới chỉ tiết kiệm được 5,65%. Điều này, đòi hỏi sự nỗ lực lớn từ nhiều phía để nhằm đạt mục tiêu Chính phủ đề ra." - Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh thêm.

Nhóm Phóng viên