Thứ tư, 15/01/2025 | 15:45 GMT+7
Trong khuôn khổ Dự án “Tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn tại Việt Nam” do Ngân hàng thế giới (World Bank) và Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ, Bộ Công Thương chủ trì thực hiện, liên tục từ đầu năm 2017 đến nay, Tổng cục Năng lượng tổ chức hội thảo “Giới thiệu chương trình thỏa thuận tự nguyện thí điểm - VA về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và Mô hình công ty dịch vụ năng lượng - ESCO tại Việt Nam” tại các tỉnh Kiên Giang, Hà Nội và Cà Mau.
Chương trình VA và mô hình ESCO đều hướng tới mục đích thúc đẩy hoạt động tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp ở Việt Nam, hỗ trợ các doanh nghiệp cải thiện hiệu quả năng lượng, giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng các yêu cầu của pháp luật.
7 doanh nghiệp tham gia chương trình VA
Thỏa thuận tự nguyện thí điểm là văn bản được ký hoàn toàn tự nguyện giữa Bộ Công Thương và các doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp cam kết thực hiện các mục tiêu giảm năng lượng tiêu thụ dựa trên sự hỗ trợ của Bộ Công Thương. Chương trình được thực hiện trên phạm vi toàn quốc có thời hạn 10 năm, thời gian cho giai đoạn thí điểm là 2 năm.
Trong số 30 doanh nghiệp đăng ký tham gia, Dự án đã tiến hành kiểm toán chi tiết cho 9 doanh nghiệp trong đó có 7 doanh nghiệp ký thỏa thuận tự nguyện tham gia chương trình VA thí điểm. Qua kiểm toán chi tiết tại 7 doanh nghiệp này đều cho con số tiết kiệm khá ấn tượng nếu cam kết thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng do đơn vị tư vấn của Dự án đưa ra, cao nhất là 5,3 tỉ đồng/năm và thấp nhất là 525 triệu đồng/năm.
Theo ông Lê Phú Hưng - Phó vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Tiết kiệm năng lượng, Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương sẽ cấp giấy chứng nhận cho các doanh nghiệp tham gia chương trình VA. Nếu doanh nghiệp nếu thực hiện tốt các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ được tặng cup và được quảng bá thương hiệu thông qua các sự kiện do Bộ Công Thương tổ chức. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương còn hỗ trợ đào tạo nhằm nâng cao nhận thức và năng lực của doanh nghiệp trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đặc biệt, Dự án cũng hỗ trợ 100% chi phí kiểm toán năng lượng lần đầu cho doanh nghiệp nhằm đánh giá hiện trạng sử dụng năng lượng, xác định các giải pháp sử dụng tiết kiệm năng lượng và hiệu quả từ đó lập kế hoạch thực hiện và giám sát.
Dự kiến, sau giai đoạn thí điểm Bộ Công Thương sẽ đánh giá khả năng thực thi và chỉnh sửa các nội dung của các thỏa thuận trước khi quyết định mở rộng quy mô chương trình trong tương lai.
Nhà máy Sữa Sài Gòn có thể tiết kiệm khoảng 2 tỉ đồng/năm nhờ áp dụng các giải pháp TKNL
Còn nhiều khó khăn với mô hình ESCO
Mô hình ESCO là một công ty cung cấp các giải pháp năng lượng toàn diện cho khách hàng như thiết kế và thực hiện các dự án tiết kiệm năng lượng, bảo đảm mức tiết kiệm năng lượng, cho thuê cơ sở hạ tầng năng lượng, phát điện và cung cấp năng lượng, quản lý rủi ro... nhằm giúp đỡ khách hàng nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng. ESCO cung cấp dịch vụ cho khách hàng thông qua Hợp đồng dịch vụ năng lượng (EPC).
ESCO có vai trò như một mắt xích quan trọng trong quá trình thực hiện các giải pháp TKNL. Bằng việc áp dụng mô hình ESCO, các doanh nghiệp có thể tiếp cận các giải pháp xanh, đầu tư đổi mới thiết bị và công nghệ với chi phí đầu tư tốt nhất và đạt được hiệu quả cao nhất. Giải pháp ESCO còn giúp doanh nghiệp có điều kiện tham gia các Chương trình/Dự án quốc gia và quốc tế về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu.
Theo thống kê, hiện nay Việt Nam có khoảng 100 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực tư vấn dịch vụ TKNL. Tuy nhiên, trên thực tế số lượng đơn vị đăng ký hoạt động ESCO và có hoạt động theo mô hình ESCO còn rất hạn chế. Nguyên nhân chính là do thiếu cơ chế hỗ trợ tài chính cho việc phát triển và triển khai dự án do chưa có nhiều quỹ, tổ chức tài chính tham gia vào hoạt động ESCO. Bên cạnh đó, chưa có qui định bắt buộc về việc đầu tư cho TKNL. Ngoài ra, sự không tin tưởng của khách hàng và rủi ro của các dự án hiệu quả năng lượng cũng là nguyên nhân hạn chế khi triển khai các các dự án EPC trong thời gian qua.
Qua ý kiến của các đại biểu tham gia hội thảo, có thể thấy để nhân rộng mô hình ESCO tại Việt Nam, vai trò của cơ quan quản lý là rất cần thiết. Mặt khác, cần đẩy mạnh công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của cả doanh nghiệp và người dân về việc sử dụng các tư vấn, dịch vụ của ESCO sẽ góp phần cho việc triển khai TKNL được hiệu quả.
Theo ông Nguyễn Đình Hiệp – Phó Chủ tịch Hội Khoa học và công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, thì trong thời gian tới để thúc đẩy hoạt động ESCO, Bộ Công Thương cần hoàn thiện về thể chế, chính sách, xây dựng các cơ chế tài chính bền vững, đồng thời xây dựng mô hình liên kết tài chính giữa doanh nghiệp - công ty ESCO và các tổ chức tín dụng nhằm trao quyền tự chủ về tài chính cho các tổ chức tư vấn, dịch vụ TKNL tại địa phương. Có như vậy, mới tạo điều kiện cho các công ty ESCO phát triển.
Các bước triển khai VA Bước 1: Đăng ký tham gia Các doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình với Tổng cục Năng lượng - Bộ Công Thương và cung cấp thông tin sơ bộ về doanh nghiệp; Bước 2: Kiểm toán năng lượng Thực hiện kiểm toán năng lượng chi tiết, đánh giá hiện trạng sử dụng năng lượng và tiềm năng TKNL; Bước 3: Xác định mục tiêu, giải pháp Doanh nghiệp lựa chọn mục tiêu, giải pháp dựa trên kết quả Kiểm toán năng lượng; Bước 4: Thống nhất các điều khoản Tổng cục Năng lượng và doanh nghiệp đàm phán, thống nhất các điều khoản trong thỏa thuận; Bước 5: Ký thỏa thuận Thỏa thuận tự nguyện được ký kết giữa Tổng cục Năng lượng và lãnh đạo doanh nghiệp dựa trên kết quả đàm phán đã thống nhất; Bước 6: Tổ chức thực hiện - Doanh nghiệp thực hiện các nội dung đã thỏa thuận, báo cáo thực hiện; - Tổng cục Năng lượng triển khai các gói khuyến khích như đã cam kết. |
Theo Tạp chí Công Thương