Thứ sáu, 08/11/2024 | 08:17 GMT+7

Sử dụng năng lượng tiết kiệm là yêu cầu cấp thiết

18/12/2016

Là khẳng định của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị tổng kết 5 năm triển khai thực hiện Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (TK&HQ) diễn ra tại Hà Nội, ngày 16/12/2016.

Là khẳng định của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị tổng kết 5 năm triển khai thực hiện Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (TK&HQ) diễn ra tại Hà Nội, ngày 16/12/2016.

Hội nghị có sự tham dự của 300 đại biểu đại diện cho các Bộ, ngành trung ương; Ủy ban nhân dân, Sở Công Thương 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các Tập đoàn, Tổng Công ty; các Hội, Hiệp hội và các Cơ quan ngoại giao và Tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Dấu ấn của Luật sử dụng NL TK &HQ

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định, sau 5 năm thực hiện Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, các hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn, quy chuẩn tiêu chuẩn khá đồng bộ, từ đó đề ra các chương trình hành động ngày càng hiệu quả hơn.

Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 7, ngày 17 tháng 6 năm 2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2011. Luật ra đời là điểm mốc quan trọng trong quá trình xây dựng pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Luật đã khẳng định quan điểm nhất quán của Việt Nam coi sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là chính sách được ưu tiên hàng đầu, giữ vai trò quan trọng trong việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế gắn với an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Luật gồm có 12 Chương, 48 Điều. 

Phó Thủ tướngPhủ Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Luật được xây dựng theo xu hướng chung của các nước trong khu vực và thế giới, phù hợp với hiện trạng quản lý và sử dụng năng lượng của Việt Nam. Luật đã tạo điều kiện thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động SDNL TK&HQ trên phạm vi cả nước, đồng thời tạo hành lang thông thoáng cho các kế hoạch hợp tác với các tổ chức quốc tế và chính phủ các nước. Các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành tạo ra chuyển biến lớn về thực thi các hoạt động tiết kiệm năng lượng. Tính đến nay, hơn 20 văn bản pháp luật  đã được ban hành ở cấp Trung ương, 30 bộ Tiêu chuẩn hiện suất năng lượng tối thiểu áp dụng cho các nhóm thiết bị mục tiêu, kèm theo phương pháp thử nghiệm, 07 Quyết định về việc chỉ định 07 cơ sở thử nghiệm hiệu suất năng lượng  và 16 văn bản hướng dẫn tác nghiệp đã được Bộ Công Thương ban hành.   

Luật để lại dấu ấn tích cực đối với toàn xã hội trong lĩnh vực sử dụng năng lượng nói chung và tiết kiệm năng lượng nói riêng, kết quả đạt được của các chương trình, dự án tiết kiệm năng lượng trong giai đoạn 2011-2015 đã khẳng định việc ban hành Luật là kịp thời và phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và chính sách phát triển năng lượng của nước ta trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Dưới tác động của Luật, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc vì mục tiêu sử dụng năng lượng TK&HQ. Các bộ, ngành, ủy ban nhân dân 63 tỉnh, thành phố, các tổ chức chính trị xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương để thực hiện nhiệm vụ và triển khai đồng bộ các hoạt động trong phạm vi trách nhiệm đã được quy định trong Luật.

Tiết kiệm 5,65%

Chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được triển khai thực hiện trong giai đoạn 2011 - 2015 đã đóng một vai trò quan trọng trong việc triển khai thực hiện Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, giúp cho Luật được phổ biến và triển khai thực hiện mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Chương trình đã thu được nhiều kết quả tích cực. Theo kết quả đánh giá của Viện Năng lượng, tỷ lệ tiết kiệm năng lượng cộng dồn cho cả giai đoạn 2011-2015 là 5,65% với tổng năng lượng tiết kiệm được trong giai đoạn này là 11,261 triệu tấn dầu quy đổi (TOE). 

Thực tế giai đoạn 2011 - 2015, cường độ năng lượng của các ngành sản xuất công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng đều giảm dần như: ngành thép giảm 8,09%, xi măng 6,33%, dệt sợi giảm 7,32%.

 Tỷ lệ tiết kiệm năng lượng cộng dồn cho cả giai đoạn 2011-2015 là 5,65% với tổng năng lượng tiết kiệm được trong giai đoạn này là 11,261 triệu tấn dầu quy đổi (TOE)

Những kết quả đạt được của giai đoạn vừa qua tuy rất đáng ghi nhận nhưng Phó Thủ tướng cho rằng chưa tương xứng với tiềm năng tiết kiệm năng lượng của Việt Nam.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, các ngành công nghiệp Việt Nam có tiềm năng kỹ thuật về tiết kiệm năng lượng lớn, từ 25-40%.

Theo ước tính, chi phí bỏ ra để tiết kiệm được 1kWh điện chỉ bằng 1/4 so với chi phí phải bỏ ra để sản xuất thêm lượng điện năng đó. Để giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu thì việc phát triển năng lượng tái tạo và thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng.

Chỉ ra nguyên nhân, Phó Thủ tướng cho rằng hiện còn nhiều hạn chế trong việc quản lý các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, thiếu sự kết hợp giữa các đơn vị quản lý Nhà nước tại địa phương.

Việc phối hợp giữa sở Công Thương và các sở, ban ngành tại địa phương còn chưa tốt, còn lúng túng trong việc thanh tra, kiểm tra; các cơ sở sử dụng năng lượng chưa thực hiện nghiêm các quy định của Luật.

Ngoài ra, nhận thức của nhiều doanh nghiệp và người dân về lợi ích của việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả còn chưa đồng đều, chưa đầy đủ, đôi khi còn hiểu sai lệch về việc áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng, dẫn đến hiệu quả tiết kiệm năng lượng không cao.

Tăng cường tính bắt buộc trong việc tuân thủ Luật

Bên cạnh những kết quả đạt được, một số khó khăn vẫn còn tồn tại trong quá trình thực thi Luật như: Việc tuân thủ Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả còn chưa nghiêm; còn nhiều hạn chế trong việc quản lý các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, thiếu sự phối hợp giữa các đơn vị quản lý nhà nước tại địa phương; nhận thức của cộng đồng và doanh nghiệp vẫn còn hạn chế, nhiều tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp còn chưa sẵn sàng tiếp cận với thông tin về công nghệ và các giải pháp tiết kiệm năng lượng cũng như áp dụng công nghệ và các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và trong đời sống; các chính sách hỗ trợ về tài chính đối với tổ chức và cá nhân trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả còn thiếu, chưa đồng bộ… 

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành xây dựng Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2016-2020, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/1/2017.

Trước tình hình trên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Công Thương tiếp thu, tổng hợp và nghiên cứu tất cả các ý kiến đóng góp của các đại biểu dự họp về việc triển khai Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong giai đoạn vừa qua.

“Đề nghị các đồng chí tiếp thu một cách đầy đủ, khoa học những ý kiến đóng góp này để đưa ra những giải pháp khắc phục, điều chỉnh; bao gồm cả việc kiến nghị sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ trước ngày 31/1/2017”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Phó Thủ tướng yêu cầu sửa đổi theo hướng tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương trong việc tổ chức biện pháp thực hiện, chế độ giám sát, báo cáo, đánh giá việc thực thi Luật trong lĩnh vực quản lý của bộ, ngành mình.

Tăng cường tính bắt buộc trong việc tuân thủ các quy định của Luật đối với các cơ sở sử dụng năng lượng, đặc biệt là cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm và tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ: Xây dựng, GTVT, Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành xây dựng Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2016-2020, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/1/2017.

Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khung giá của mức giá bán lẻ điện giai đoạn 2016-2020.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, bên cạnh những công việc mà các bộ, ngành cần thực hiện thì nhiệm vụ thường xuyên, liên tục là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Mục tiêu là làm sao hình thành thói quen tiết kiệm năng lượng, để mỗi người luôn có ý thức, luôn thực hành tiết kiệm năng lượng trong mọi thời điểm.

Hùng Anh