Thứ tư, 15/01/2025 | 21:35 GMT+7

Tiết kiệm năng lượng: Cần loại bỏ các rào cản

02/10/2013

Vướng mắc lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay là việc huy động vốn để đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị theo hướng tiết kiệm năng lượng.

Vướng mắc lớn nhất của các doanh nghiệp (DN) hiện nay là việc huy động vốn để đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị theo hướng tiết kiệm năng lượng (TKNL). Vì vậy, việc tạo cơ chế nhằm hỗ trợ cho các DN tiếp cận vốn, giảm thiểu tối đa chi phí năng lượng là rất quan trọng.

85caba7ce_evnhanoi_1.jpg

Việc nâng cao nhận thức cộng đồng về tiết kiệm năng lượng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Chương trình.

Tập trung đầu tư chiều sâu

Theo Bộ Công Thương, năm 2011, tổng kinh phí sự nghiệp cấp cho Chương trình là 50 tỷ đồng, đã  giải ngân 100%, kinh phí từ nguồn vốn đầu tư phát triển 20 tỷ đồng nhưng chỉ giải ngân được 10% do việc ngừng triển khai mới các dự án đầu tư để thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ.

Năm 2012, kinh phí sự nghiệp cấp cho Chương trình là 55 tỷ đồng (đã giải ngân 100%),  kinh phí dành cho các dự án hỗ trợ đầu tư là 27,5 tỷ đồng, giải ngân 80% do 1 dự án DN dừng không thực hiện vì kinh tế khó khăn.

Năm 2013, đã phân bổ toàn bộ nguồn vốn từ ngân sách sự nghiệp và nguồn vốn đầu tư, dự kiến sẽ giải ngân toàn bộ trong năm 2013. Ngoài sự đầu tư nguồn lực của các Tập đoàn kinh tế nhà nước (Điện lực, Than - Khoáng sản, Dầu khí…), Chương trình cũng nhận sự được nhiều hỗ trợ và cam kết từ các nhà tài trợ nước ngoài (hiện có 4 dự án chuyển tiếp và 4 dự án chuẩn bị triển khai)

Mặc dù được đánh giá là có nguồn tổng kinh phí nhỏ nhất (160 tỷ đồng) trong 16 Chương trình mục tiêu quốc gia nhưng giai đoạn 1 (2006 – 2010), Chương trình SDNLTK&HQ đạt được kết quả rất lớn với 4.900 kTOE tiết kiệm được, tương đương 3,4% tổng năng lượng tiêu thụ.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc tiêu thụ năng lượng hiện nay còn khá lãng phí, nhất là khâu chiếu sáng (khoảng 23%) và sản xuất công nghiệp (khoảng 25%). Nguyên nhân là do việc lựa chọn thiết bị, máy móc sản xuất không hợp lý, hệ thống điều khiển lạc hậu gây tổn hao năng lượng. Các hệ thống chiếu sáng thiết kế thường dư công suất.

Sử dụng NLTK&HQ chính là giải pháp phát triển bền vững của doanh nghiệp. Muốn thế, các đơn vị cần mạnh dạn đầu tư thiết bị hiện đại, công nghệ chiếu sáng tiên tiến để vừa đảm bảo TKNL, vừa mang lại lợi ích lâu dài cho nhà đầu tư.

Với mục tiêu tiết kiệm 5 - 8% tổng mức tiêu thụ năng lượng của cả nước (khoảng 3.000 - 5.000 kTOE), giai đoạn 2 (2011 – 2015), Chương trình tập trung đầu tư chiều sâu theo hướng cải thiện và nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng trong các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và giao thông vận tải. Lựa chọn từng dự án cụ thể nhằm cải thiện hiệu suất sử dụng năng lượng. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng.

Còn nhiều bất cập

Theo Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng NLTK&HQ, để đạt mục tiêu TKNL từ 5 - 8% trong giai đoạn II (2012 - 2015), nguồn kinh phí cần tăng lên khoảng 100 tỷ đồng/năm để triển khai các đề án, giải pháp (không kể các nguồn kinh phí viện trợ). 

Theo các chuyên gia, khó khăn nhất trong việc thực hiện chương trình là nguồn kinh phí cấp từ ngân sách còn thấp, trong khi đối tượng của Chương trình rất rộng. Nhận thức của cộng đồng và DN còn hạn chế. DN không có vốn hoặc không tiếp cận được những khoản vay tín dụng ưu đãi cho các dự án TKNL. Nhiều DN dừng triển khai các dự án TKNL vì lý do tài chính, nhất là ngành thép và xi măng.

Cơ chế hỗ trợ cho các DN đầu tư thay thế dây chuyền công nghệ lạc hậu bằng dây chuyền công nghệ TKNL còn nhiều hạn chế. Theo quy định, mỗi DN chỉ được hỗ trợ 30% tổng vốn đầu tư và không quá 5 tỷ đồng là quá thấp so với tổng mức đầu tư, vì vậy không thu hút được các DN lớn tham gia. Sự kết hợp giữa các cơ quan ban ngành trong việc thanh tra, kiểm tra các DN thực hiện các quy định của Luật TKNL còn lúng túng. Giá năng lượng còn thấp so với khu vực cũng ảnh hưởng đến việc thực hiện các giải pháp TKNL. Nguồn lực tài chính, lực lượng chuyên gia kỹ thuật còn hạn chế nên kiểm toán năng lượng cho các DN để xác định các giải pháp TKNL, tư vấn xây dựng dự án, tìm nguồn tài chính cho các dự án còn yếu và thiếu.


Các Bộ ngành liên quan và UBND các địa phương cần bố trí kinh phí phù hợp, chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện đồng bộ các chương trình/đề án/giải pháp TKNL giai đoạn 2012-2015; Tăng cường phát triển nguồn nhân lực quản lý, giám sát việc thực thi Luật sử dụng NLTK&HQ của các bộ, ngành (Công Thương, Xây dựng, Giao thông vận tải). Các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm tiết kiệm ít nhất 1%/năm so với nhu cầu; EVN phối hợp với Ban chỉ đạo Chương trình triển khai chương trình giảm tổn thất trong sản xuất, truyền tải và phân phối điện năng; Yêu cầu khu vực lưới điện nông thôn còn 10% vào năm 2015; Làm tốt công tác tuyên truyền cộng đồng về SDNLTK&HQ trên phạm vi toàn quốc.

Đặc biệt, Chính phủ phải có chế tài xử lý nghiêm minh, kiểm tra, giám sát tiêu thụ điện ở các DN. Có chính sách giá bán điện hợp lý. Từng bước loại bỏ rào cản về thể chế, cơ chế tài chính cho đầu tư năng lượng mới và tái tạo. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Áp dụng các biện pháp khuyến khích và bắt buộc đổi mới công nghệ, thiết bị của các ngành sử dụng nhiều điện như thép, xi măng, hóa chất...; cấm nhập khẩu các thiết bị, máy móc, dây chuyền, công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều điện năng…

Để phát triển phù hợp với xu hướng thế giới, các DN cần sớm áp dụng nhiều giải pháp TKNL. Quan trọng hơn là phải thay đổi thói quen của mọi người, giáo dục ý thức TKNL cho CBCNV và lãnh đạo đơn vị.
 
Theo ICON.com.vn