Thứ tư, 11/09/2024 | 11:14 GMT+7
Khi những cánh quạt đầu tiên của nhà máy điện gió, còn gọi là phong điện Tuy Phong (Bình Thuận) đưa nguồn điện hòa vào mạng lưới điện quốc gia, đó cũng là thời điểm khẳng định sự thành công của việc biến “gió trời” thành nguồn năng lượng sạch. Đây cũng là dự án phong điện đầu tiên tại Việt Nam có quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
Nằm bên quốc lộ 1A, cách bờ biển khoảng 500m, Nhà máy điện gió Tuy Phong do
Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo Việt Nam (REVN) đầu tư xây dựng với tổng vốn
đầu tư hơn 2.000 tỉ đồng. Dự án này gồm hai giai đoạn với tổng công suất 120
MW, trong đó giai đoạn một có công suất 30 MW (hoàn thành đầu năm 2011). 20
tua-bin gió đầu tiên đã hoàn thành lắp đặt vận hành để phát điện. Với công suất
mỗi tua-bin là 1,5 MW, đến nay sản lượng điện gió được tạo ra và đã hòa vào lưới
điện quốc gia hơn 10 triệu kWh. Nhà đầu tư cũng đã chuẩn bị xong các thủ tục để
thực hiện giai đoạn hai có công suất 90 MW, dự kiến đến giữa năm 2012 sẽ hoàn
thành toàn bộ dự án.
Sử dụng năng lượng sức gió tại nhà máy muối Vĩnh Hảo- Bình Thuận
Tại đây nguồn gió dồi dào và quỹ đất tương đối lớn. Gió ở Bình Thuận có quanh năm, với tốc độ trung bình khoảng 6 m/giây, hơn nữa tần suất bão lại thấp. Phía đông nam tỉnh Bình Thuận còn vùng đồi cát ven biển rộng hơn 50 nghìn ha chưa sử dụng. Theo khảo sát mới đây, công suất tiềm năng điện gió của toàn tỉnh có thể lên đến 5.000 MW và khả năng khai thác có hiệu quả ngay trong điều kiện hiện nay khoảng 1.500 MW.
Ông Trần Văn Nhựt, Giám đốc Sở Công Thương Bình Thuận phân tích, mỗi cột điện
gió có chiều cao 85 m, đường kính cánh quạt 77 m, tổng trọng lượng tua-bin và cột
là 255 tấn. Theo thiết kế, với tốc độ gió 3m/giây thì cánh quạt khởi động,
tua-bin sẽ phát điện. Trong khi đó, tốc độ gió trung bình ở khu vực Tuy Phong
lên đến hơn 6,5m/giây. Đây là điều kiện vô cùng lý tưởng để phát triển điện
gió.
Bình Thuận đã định hướng phát triển đúng khi biết tận dụng nguồn năng lượng gió
vô tận này, mang lại lợi ích không chỉ cho tỉnh nhà mà còn mở ra triển vọng to
lớn về nguồn năng lượng sạch bảo vệ môi trường sống của nhân loại.
Ðiện gió được xem là nguồn năng lượng sạch vì trong quá trình sản xuất không
phát thải các loại khí gây hiệu ứng nhà kính, tác nhân chủ yếu gây ra sự biến đổi
khí hậu trên hành tinh xanh của chúng ta. Cùng với các nguồn năng lượng tái tạo
khác, điện gió là nguồn năng lượng của tương lai sẽ dần thay thế các dạng năng
lượng truyền thống.
Hùng Linh