Thứ sáu, 22/11/2024 | 14:45 GMT+7
Có nhiều nguyên nhân khiến Chính phủ nên đặt ưu tiên hàng đầu cho phát triển ngành khí như: doanh thu, kinh tế, môi trường, an ninh năng lượng, sản xuất điện…
Theo báo cáo “Xây dựng khung phát triển ngành khí Việt Nam” của Ngân hàng Thế giới mới được công bố thì qui mô của ngành khí tự nhiên của Việt Nam sẽ tăng lên gấp 3 lần nếu đạt được các mục tiêu Chính phủ đề ra. Đến năm 2025, ngành khí phải đảm bảo khai thác đủ lượng tiêu thụ lên mức 24 tỷ m3/năm.
Những thành tựu kinh tế - xã hội mà Việt Nam đã đạt được trong 10 năm qua đã tạo ra nhu cầu khí rất lớn. Tuy nhiên, nguy cơ thiếu hụt khí đốt đã xuất hiện. Ngành khí của Việt Nam đang phải đối mặt với ba thách thức lớn đó là: Thứ nhất, giá không ổn định do phương pháp định giá không rõ ràng, không khuyến khích được đầu tư tư nhân tham gia. Thứ hai, năng lực chuyển đổi từ tài nguyên sang các nguồn dự trữ còn hạn chế vì thế nguồn cung không ổn định, đặc biệt là sau năm 2015; Thứ ba, sự kết hợp khí/điện chưa hiệu quả.
Khí và điện cần tìm tiếng nói chung
Theo Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, tổng lượng
cung khí cho Việt Nam những năm tới là 25 tỷ m3, trong đó có 3 tỷ m3 được sử
dụng trong phát điện (chiếm khoảng 12%). 88% lượng khí hiện nay được ngành điện
tiêu thụ và lượng điện sản xuất từ khí đốt chiếm đến 40% tổng nguồn cung điện.
Ông Đào Thanh Hoài – Phó trưởng Ban Kinh doanh và Điện nông thôn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết: “Ngành khí có bao nhiêu khí thì chúng tôi sử dụng bấy nhiêu. Vấn đề là ngành bạn khai thác được bao nhiêu khí. Các hợp đồng về khí của chúng tôi nếu có (và hiện đang đàm phán với Chevron) thì đều đàm phán, ký dài hạn (20 năm)”.
Ông Ben Timer – Giám đốc Thương mại Tập đoàn Chevron (Hoa Kỳ) hiện đang khai thác khí Lô B, Ô Môn (phía Tây Nam Việt Nam) cho rằng: “Có một phần quan trọng trong chuỗi giá trị của dầu và khí, đó là vai trò của ngành điện. Ngành điện đã tiêu thụ phần lớn khí được sản xuất nếu không có sự phát triển của ngành điện ở cả thượng nguồn (khai thác) và hạ nguồn (tiêu thụ) thì sẽ không có ý nghĩa gì trong sự phát triển của thị trường khí. Khi chúng ta có một thị trường khí tốt mà không có nhà tiêu thụ thì sẽ không có ý nghĩa. Vì vậy, chúng ta phải phát triển song hành cả thị trường khí và điện để đảm bảo giữa nguồn cung và cầu”.
“Nếu so sánh việc sử dụng khí hoặc than trong việc phát điện thì thấy rằng, khí hữu ích hơn nhiều so với các nguyên liệu khác. Nếu cộng cả các chi phí khác thì giá khí cạnh tranh hơn nhiều so với các sản phẩm như xăng, dầu nhẹ” – ông R. Priddle (WB) – tác giả của báo cáo Khung Phát triển ngành khí Việt Nam, phân tích.
Thế nhưng, tính đến thời điểm hiện tại ngành khí và điện vẫn chưa phối hợp hiệu quả với nhau. Những lợi ích của khí vẫn bị giới hạn trong những vùng miền nhất định, chẳng hạn hiện nay không có nguồn cung hay cam kết cung cấp khí nào cho miền Bắc Việt Nam. Nhưng ngay cả ở miền Nam, nơi có lượng khí lớn, thì vẫn cần xây dựng hạ tầng đường ống liên kết tốt hơn và xây dựng thị trường cạnh tranh lại vẫn chưa được hình thành.
Cần thiết xây dựng thị trường khí cạnh tranh
Sự tăng trưởng của khí tự nhiên trong nền kinh tế đòi hỏi phải có những thay đổi đáng kể trong cách thức định giá và phân bổ trên thị trường năng lượng của Việt Nam. Hiện tại, giá khí được hai bên thỏa thuận theo từng trường hợp giữa các cơ quan của Chính phủ và công ty khai thác ngoài khơi.
Theo ông Roland Priddle, cần xây dựng khuôn khổ định giá chung để tạo cơ sở vững chắc cho các nhà đầu tư; mức giá này chủ yếu sẽ liên quan đến giá điện sản xuất tại các nhà máy điện mới sử dụng nguồn than đá nhập khẩu. Sự đối chiếu giá này là cần thiết vì thị trường tiêu thụ khí chủ yếu hiện nay là ngành điện và khí phải cạnh tranh, giành thị phần với than nhập khẩu. Sự phát triển hạ tầng khí và các thể chế thị trường sẽ giúp Việt Nam xây dựng năng lực sản xuất điện mới với chi phí vốn thấp hơn, về tổng thể sử dụng nguyên ít nguyên liệu hơn và giảm tác động đối với môi trường.
Về dài hạn, ông Roland Priddle cho rằng, khuôn khổ định giá sẽ mở đường cho thị trường khí cạnh tranh hoàn toàn, khí quốc tế và khí nội địa sẽ phải cạnh tranh với nhau để giành thị phần như đang diễn ra ở hầu hết các nền kinh tế mà thị trường khí đã phát triển.
Theo các chuyên gia, về lâu dài Việt Nam phải thực hiện một thị trường khí cạnh trạnh để giảm sự thiếu hiệu quả, khuyến khích đầu tư tư nhân và hỗ trợ phát triển thị trường phát điện cạnh tranh.
“Sẽ thực sự khó khả thi nếu chúng ta tính đến chuyện xuất khẩu khí sản xuất ở Việt Nam sang quốc gia khác. Chúng tôi chỉ muốn so sánh chi phí sản xuất khí hóa lỏng được sản xuất ở Việt Nam với chi phí nhập khẩu từ nước khác vào để phục vụ cho sản xuất (ví dụ như sản xuất điện). Nếu so sánh như vậy thì mới thấy rõ giá trị của việc phát triển thị trường khí. Với mật độ dân số và số lượng dân như hiện nay ở Việt Nam thì chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào một thị trường tiêu thụ các sản phẩm khí từ khí nén đến khí đốt hóa lỏng” – ông R.Priddle phân tích.
Bên cạnh đó, ông R. Priddle cũng đề xuất việc xây dựng một phương pháp định giá chung thể hiện mức giá cạnh tranh của khí so với các hàng hóa cạnh tranh khác (giá than quốc tế) trong thị trường chính yếu (sản xuất điện năng). Nhờ vào việc định giá có thể dự báo được giá khí, đồng thời khuyến khích nhà cung cấp và đơn vị tiêu thụ trong các dự án mới. Ông Priddle cũng lưu ý, định giá khí và các kỳ tài khóa phải bổ trợ lẫn nhau.
An Nhi VOV