Khách sạn Grand Mercure Hà Nội, tọa lạc tại Cát Linh, Đống Đa, Hà Nội. Với tiêu chuẩn và chất lượng dịch vụ 5 sao từ tập đoàn Accor, Khách sạn mang đến những trải nghiệm của sự tinh tế, sang trọng và phong cách đương đại thời thượng. Khách sạn Grand Mercure Hà nội gồm 181 phòng nghỉ, hai nhà hàng, Executive Lounge, coffee lounge tại sảnh, skybar tầng thượng, bể bơi vách kính trong suốt, spa...
Lấy cảm hứng chủ đạo từ hình ảnh hạt gạo, lối vào đại sảnh và xuyên suốt cả khách sạn là những vật phẩm trang trí bằng gốm sứ cách điệu, tác phẩm sơn mài thủ công, các thiết kế thông minh được đầu tư chỉn chu. Tất cả hòa hợp tạo nên một tổng thể trang nhã và ấn tượng.
Bên cạnh các dịch vụ lưu trú và ẩm thực hàng đầu, việc phát triển bền vững với các hoạt động bảo vệ môi trường, hoạt động vì cộng đồng, Khách sạn Grand Mercure Hà Nội vẫn luôn luôn trú trọng đến vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Anh Trần Duy Minh - Kỹ sư trưởng phụ trách vận hành Khách sạn Grand Mercure Hà Nội cho biết: Thực hiện nghiêm những chỉ đạo của chính phủ về tiết kiệm năng lượng, chủ đầu tư Khách sạn Grand Mercure Hà Nội rất quan tâm đến việc tiết kiệm và sử dụng hợp lý năng lượng. Ngay từ giai đoạn thiết kế và lựa chọn thiết bị, Khách sạn đã sử dụng kính Low-E, rèm cửa để giảm độ bức xạ mặt trời. Khách sạn cũng trồng rất nhiều cây xanh và sử dụng lam che giả gỗ để chắn nắng.
Bên cạnh đó, để đảm bảo liên tục cấp gió tươi cho công trình, Khách sạn áp dụng giải pháp thông gió cưỡng bức, sử dụng hệ thống PAU-AHU hoạt động 24h/ngày được điều khiển thông qua hệ thống giám sát BMS sẽ liên tục cấp gió tươi vào phòng đảm bảo chất lượng không khí.
Hệ thống AHU và BMS điều khiển.
Anh Minh cũng cho biết: "Với mức tiêu thụ năng lượng như hiện tại, Khách sạn Grand Mercure Hà Nội không thuộc danh mục cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, tuy nhiên Khách sạn cũng tuân thủ các nội dung doanh nghiệp trọng điểm cần phải làm như đã cử cán bộ tham gia lớp quản lý năng lượng do Bộ Công Thương tổ chức và cấp chứng nhận, xây dựng hệ thống quản lý năng lượng. Khách sạn đã trang bị hệ thống BMS giám sát điều khiển các trang thiết bị như: Hệ thống điện, Hệ thống điều hòa không khí, phòng cháy, hệ thống quạt, hệ thống chiếu sáng, hệ thống bơm nước,..".
Đối với hệ thống chiếu sáng, Khách sạn Grand Mercure Hà Nội sử dụng 100% đèn Led bao gồm nhiều loại bóng đèn khác nhau cho từng khu vực. Hệ thống chiếu sáng còn sử dụng các cảm biến hồng ngoại, cảm biến chuyển động tại tất cả các khu vực công cộng - khi có người qua lại đèn tự bật và tắt khi không có người, hệ thống chiếu sáng được điều khiển tại chỗ, và đồng thời được điều khiển, giám sát thông qua hệ thống quản lý BMS, các vị trí ít sử dụng sẽ được tiết giảm giúp tiết kiệm năng lượng.
Hệ thống điều hòa chiller giải nhiệt nước hiệu suất cao.
Đặc biệt, Khách sạn sử dụng 03 chiller giải nhiệt nước hiệu suất cao của hãng Trane, với chỉ số COP của hệ thống VRV là 5,94. Hệ thống được thiết kế để tận dụng nhiệt lượng sinh ra từ nước giải nhiệt chiller để làm nóng nước trong bể cứu hỏa, tích trữ nhiệt lượng này trong bể cứu hỏa với dung tích 283 m3. Sau đó, qua hệ thống trao đổi nhiệt số 2, nhiệt lượng được tích trữ trong bể cứu hỏa sẽ được tận dụng để làm nguồn nhiệt giải nhiệt cho hệ thống Heatpump (Bơm nhiệt) sản xuất nước nóng.
Hệ thống bơm nước của Khách sạn được trang bị hệ thống lọc xử lý nước RO đủ tiêu chuẩn uống tại vòi. Với hệ thống cung cấp nước sinh hoạt duy trì áp bởi 03 bơm biến tần 15 kW, đảm bảo áp lực nước tại đầu thiết bị luôn ổn định bằng với giá trị đặt, mang lại cảm giác thoải mái cho khách hàng, đồng thời vẫn đảm bảo tiết kiệm năng lượng. Đặc biệt, hệ thống bơm nước lạnh và nước giải nhiệt, các bơm tuần hoàn nước nóng đều được trang bị biến tần.
Hệ thống quạt bao gồm: hệ thống quạt thông hút gió, quạt cấp khí tươi và hút khí thải hầm, quạt hút vệ sinh, quạt tăng áp và quạt hút khói được điều khiển, giám sát thông qua phần mềm BMS.
Bơm nước lạnh và bơm giải nhiệt cho chiller.
Khách sạn sử dụng 03 heatpum cùng hệ thống 06 bồn trao đổi nhiệt nhập khẩu nguyên = chiếc từ Mỹ để cung cấp nước nóng cho toàn Khách sạn. Khi nhiệt độ trong các bồn trao đổi nhiệt số 01 và 02 giảm xuống dưới 50oC, thì bơm nhiệt – heatpump số 01 sẽ chạy để sản xuất nước nóng đến khi nước trong bồn đạt 60oC thì dừng. Khi bơm nhiệt chạy liên tục 3 giờ mà không đạt được 60oC thì điện trở trong các bình trao đổi nhiệt sẽ được kích hoạt để làm nóng nước lên 60oC.
Hệ thống BMS điều khiển heatpump chạy chủ yếu trong giờ thấp điểm (khi đó chi phí tiền điện sẽ thấp hơn giờ bình thường và giờ cao điểm). Nước nóng được tích trữ và giữ ấm trong các bình trao đổi nhiệt, phối hợp cùng hệ thống bơm tuần hoàn để cung cấp nước nóng cho các khu vực sử dụng. Chế độ điều khiển này giúp tiết kiệm chi phí điện năng, tối đa lợi ích cho Khách sạn.
Hệ thống heatpump cấp nước nóng cho toàn khách sạn.
Khách sạn Grand Mercure Hà Nội là khách sạn đầu tiên của Việt Nam và là khách sạn thứ 2 của Đông Nam Á sử dụng phần mềm quản lý phòng RCU (Room Control Unit) đưa về một phần mềm quản lý tập trung được cài đặt trên một server nhằm truyền đạt thông tin một cách hiệu quả cho nhân viên cũng như người quản lý. Đảm bảo hệ thống vận hành an toàn, đáp ứng yêu cầu của khách hàng một cách nhanh chóng, ngoài ra còn đem đến giải pháp tiết kiệm điện năng.
"Nhờ sử dụng công nghệ và áp dụng các giải pháp thiết bị tiết kiệm năng lượng đã giúp chi phí năng lượng của Khách sạn Grand Mercure Hà Nội ở mức tối ưu. Theo tính toán, tỉ lệ tiết kiệm năng lượng tổng thể đạt được từ 15% - 25% so với trường hợp nếu Khách sạn không sử dụng các công nghệ mới hoặc sử dụng các công nghệ cũ hơn", anh Minh thông tin.
Thời gian tới, Khách sạn Grand Mercure Hà Nội liên tục cải tiến, áp dụng nhiều kỹ thuật mới nhằm tiết kiệm được tối đa năng lượng, đồng thời hạn chế phát thải ra môi trường. Khách sạn nâng cao nhận thức cho nhân viên trong việc bảo vệ, tiết kiệm năng lượng, hướng tới phát triển bền vững, từng bước mang đến cho khách hàng những dịch vụ với trải nghiệm tốt hơn.
Bằng việc nỗ lực trong công tác tiết kiệm năng lượng giúp Khách sạn Grand Mercure Hà Nội đã đạt giải Nhì hạng mục công trình xây mới thuộc Giải thưởng "Hiệu quả năng lượng trong các công trình xây dựng năm 2024" do Bộ Công Thương và Hội Khoa học và công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam (VECEA) tổ chức. |
Anh Thư