Ông Nguyễn Hoàng Sơn có 1.500 m2 đất nông nghiệp chuyên sản xuất màu. Trước đây, ông tưới màu theo phương pháp truyền thống mất nhiêyf thời gian, công sức. Khoảng 05 năm qua, nhờ Hội Nông dân tổ chức chuyển giao khoa học - kỹ thuật, nên ông tiên phong áp dụng hệ thống tưới phun trong trồng màu. Với phương pháp này cung cấp nguồn nước tưới cho cây hẹ (hoặc một số cây màu ăn lá khác) không bị úng, do đạt nhiều ưu điểm.
Ông Nguyễn Hoàng Sơn kiểm tra các béc tưới trước khi vận hành hệ thống tưới cho hẹ
Ông Nguyễn Hoàng Sơn đầu tư hệ thống tưới phun ban đầu khoảng 05 triệu đồng/1.500 m2, nhưng sử dụng từ 06-07 năm. Đối với cây hẹ, trồng lần đầu, đến 60 ngày sẽ thu hoạch. Sau đó, cứ từ 30-32 ngày là thu hoạch 01 lần, sản lượng đạt 1,150 tấn/1.500 m2; giá hẹ phổ biến khoảng 15.000 đồng/kg (sau khi phân loại úng), ông Sơn có tổng thu nhập hơn 17 triệu đồng/vụ/1.500 m2, lợi nhuận hơn 10 triệu đồng.
Nói về những tiện ích và hiệu quả, ông Sơn phân tích: Phương pháp này tiết kiệm nước, nhờ hệ thống béc tưới phun; tạo thành những giọt nhỏ, phân tán xung quanh đều, giúp cây trồng có điều kiện phát triển tốt hơn, bộ rễ mọc đều xung quanh, hút nhiều dinh dưỡng và giúp hẹ đứng vững, không đổ ngã như phương pháp tưới truyền thống.
"Khi tưới, chỉ cần vài động tác đơn giản, sẽ thực hiện hoàn tất các khâu cần thiết để tưới, hiệu quả kinh tế rõ ràng. Tuy nhiên, tưới tiết kiệm nước có mức đầu tư ban đầu lớn, thường là vượt quá khả năng kinh tế của nông dân; phương pháp này đã mang lại hiệu quả thiết thực về nhiều mặt, tăng năng suất cây trồng và giảm bớt nhân công lao động. Rõ nhất là chi phí điện năng vừa tiêu thụ trong sinh hoạt và vừa trồng màu của anh Sơn từ 420.000-450.000 đồng/tháng/tưới thủ công trước đây, nay bình quân 300.000 đồng/tháng/ tươi phun." - ông Sơn cho biết
Ông Nguyễn Văn Vũ, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Phương Thạnh, huyện Càng Long chia sẻ: “Không còn quá vất vả như trước đây, việc trồng màu ngày nay đã nhàn nhã hơn nhiều từ kỹ thuật tưới phun hiện đại và tiện ích. Nhờ đó, không những năng suất, sản lượng màu tăng mà còn tạo lợi nhuận do giảm chi phí nhân công, lao động; tiết kiệm điện, nước. Phương pháp này, hiện có nhiều nông dân xã Phương Thạnh áp dụng hiệu quả."
Hương Linh