Thứ sáu, 24/01/2025 | 03:52 GMT+7

Nông dân Trà Vinh điều chỉnh thời gian tưới nước để tiết kiệm điện

20/06/2023

Tiết kiệm điện và sử dụng điện hiệu quả trong sản xuất là một trong những yếu tố quan trọng, giúp nông dân giảm chi phí, tăng giá trị trong canh tác trước tình hình giá điện tăng và nhu cầu sử dụng điện phục vụ trong sản xuất ngày càng lớn.

Với diện tích 1.000m² nhà màng chuyên trồng dưa lưới (khoảng 2.400 gốc dưa) theo hình thức khép kín, trong 01 vụ dưa (khoảng 70 - 80 ngày), nông dân Huỳnh Sa Rây, ở ấp Hòa Lạc A, xã Lương Hòa A, huyện Châu Thành chỉ sử dụng khoảng 55kWh điện để tưới và pha thuốc. So với sản xuất theo cách tưới lan như những loại màu khác, lượng nước và điện tiêu thụ trong nhà màng giảm trên 90%.
Nông dân Huỳnh Sa Rây chia sẻ, điện năng sử dụng trong tưới dưa ở nhà màng rất thấp, do hệ thống điều chỉnh tự động trên App (ứng dụng), nên thời gian đóng, mở điện đúng với chu kỳ cài đặt. Đảm bảo lượng nước tưới vừa đủ cho cây dưa và nguồn điện tự động tắt khi kết thúc chu kỳ tưới.
Nông dân Huỳnh Sa Rây kiểm tra hệ thống điều khiển tự động trong xử lý nước tưới và pha thuốc cung cấp cho nhà màng.
Với việc bố trí 2 bể chứa nước: 1 bể có khối lượng 2m3 để chứa nước sạch và được vận hành từ 1 máy bơm có công suất 2CV và 1 bể có khối lượng 1m³ để pha thuốc được vận hành từ 1 máy bơm có công suất 1CV. Nguồn nước pha thuốc trong bể được máy bơm nén qua hệ thống tưới có van đều áp với lượng nước (2 lít/giờ) được lắp đặt tại các gốc dưa. Thời gian tưới được lập trình qua App (với chu kỳ 3 lần tưới/ngày), thời gian tưới 10 phút/lần và lượng nước tưới cho 2.400 gốc dưa khoảng 1,5m3 nước.
Cũng theo nông dân Huỳnh Sa Rây, việc đầu tư hệ thống tưới tự động qua cài đặt trên App, giúp nông dân tiết kiệm lượng điện tiêu thụ dư thừa không cần thiết (máy ngừng hoạt động, khi lượng nước tưới đã đủ); cùng với đó, nông dân không phải túc trực tại nơi sản xuất để đóng - mở cầu dao điện và đảm bảo an toàn trong sử dụng điện.
Đối với đầu ra của các pét nước được đều chỉnh áp lực nước (2 lít/giờ và sẽ thay đổi theo từng chu kỳ phát triển của cây dưa hoặc tình hình thời tiết cho phù hợp). Từ đó, lượng nước thoát ra ngoài vào các gốc cây có đủ thời gian thẩm thấu vào đất, tránh tình trạng nước quá nhiều, gây tràn ra ngoài, dễ làm cho nấm bệnh phát triển và úng gốc dưa. Được biết, với chu kỳ sản xuất khép kín, mỗi năm, gia đình nông dân Huỳnh Sa Rây trồng được 3 vụ dưa và mang lại thu nhập từ 40 - 50 triệu đồng/vụ.
Tiết kiệm điện và sử dụng điện có hiệu quả trong sản xuất là một trong những yếu tố quan trọng, giúp nông dân giảm chi phí, tăng giá trị trong canh tác trước tình hình giá điện đang tăng cao và nhu cầu sử dụng điện phục vụ trong sản xuất ngày càng lớn.
Nguồn: Báo Trà Vinh