Thứ bảy, 21/12/2024 | 20:09 GMT+7

Thép Hoà Phát tiết kiệm 2.200 tỷ đồng tiền điện nhờ áp dụng công nghệ tuần hoàn khép kín

12/08/2022

Việc áp dụng công nghệ hiện đại tuần hoàn khép kín thông qua việc thu hồi và sử dụng nhiệt dư để phát điện, không chỉ giúp Hoà Phát tiết kiệm năng lượng hiệu quả, mà còn góp phần giảm tải áp lực điều độ hệ thống điện lưới quốc gia.

Nhờ giải pháp công nghệ hiện đại tuần hoàn khép kín: thu hồi triệt để mọi nguồn nhiệt, khí dư thừa trong quá trình luyện lò coke, luyện gang lò cao để vận hành máy phát điện mà trong 6 tháng đầu năm nay, tổng lượng phát điện của các nhà máy nhiệt điện thuộc Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát tại Hải Dương và Dung Quất đã đạt hơn 1,4 tỷ kWh, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2021. Nếu giữ nguyên tốc độ này thì sản lượng điện trong năm 2022 của Hoà Phát sẽ đạt 2,8 tỷ kWh, tương đương một nhà mà nhiệt điện tầm trung. 
6 tháng đầu năm, sản lượng phát điện của Hoà Phát đạt hơn 1,4 tỷ kWh (Ảnh: Hoà Phát)
Về mặt giá trị, nếu quy đổi theo giá điện sản xuất hiện hành, sản lượng phát điện 6 tháng đầu năm Hoà Phát thu được có giá trị trên 2.200 tỷ đồng, giúp Hòa Phát tự chủ từ 75 - 85% lượng điện cho sản xuất, góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho các sản phẩm thép Hòa Phát.
Trong đó, nguồn điện chủ yếu được sản xuất ở Nhà máy Nhiệt điện thuộc Hòa Phát Dung Quất. Nhà máy nhiệt điện này hiện có 6 tổ máy, trong đó 5 tổ máy đã vận hành ổn định. Vì thế, nửa đầu năm, sản lượng điện phát của nhà máy đạt gần 1,1 tỷ kWh, tương đương 1.763 tỷ đồng, tự chủ 76,3% điện sản xuất. Riêng tổ máy số 6 đang chạy thử, nếu đi vào hoạt động ổn định, nhà máy sẽ có tổng công suất 360MW, nâng tổng sản lượng điện lên 2,7 tỷ kWh/năm.
Còn tại Khu liên hợp gang thép Hải Dương, tổng phát điện từ Nhà máy sản xuất than coke và nhiệt điện 6 tháng đầu năm 2022 đạt trên 312 triệu kWh, tự chủ được 84% lượng điện phục vụ sản xuất. Quy đổi theo giá điện hiện hành, lượng điện phát của Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Hải Dương có giá trị tương đương trên 512 tỷ đồng.
Hiện tại, nhà máy Nhiệt điện – Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất đang tích cực đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất để chào mừng số điện thứ 5 tỷ dự kiến vào cuối tháng 8/2022. 
Tập đoàn Hòa Phát cho biết, việc thu hồi và sử dụng nhiệt dư, khí dư để phát điện là một giải pháp tiết kiệm năng lượng hiệu quả, giảm giá thành sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Giải pháp này còn góp phần giảm tải áp lực điều độ hệ thống điện lưới quốc gia, nhất là những tháng nắng nóng cao điểm.
Nếu đem so sánh với lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống trong năm 2021 của Việt Nam là 256,7 tỉ kWh thì Hòa Phát đang sản xuất được khoảng 1/100. Để dễ hình dung, so sánh với 2 nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam là Nhà máy thủy điện Hòa Bình và Sơn La với công suất phát điện lần lượt vào khoảng 8,6 tỷ kWh/năm và 10,2 tỷ kWh/năm thì Hòa Phát đang sản xuất ra xấp xỉ 30% lượng điện của họ.
Còn đối với một số nhà máy nhiệt điện tầm trung như Nhà máy nhiệt điện Phả Lại 2, công suất hàng năm khoảng 3,68 tỷ kWh, Nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả công suất hàng năm khoảng 3,68 tỷ kWh, Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 1 khoảng 1,5 tỷ kWh... thì Hòa Phát đang đạt mức tương đương.
Tố Quyên