Thứ tư, 17/04/2024 | 04:28 GMT+7

PVN tối đa hóa hiệu quả năng lượng tại các nhà máy lọc hóa dầu

05/05/2020

Những năm qua, các công ty con của PVN đã không ngừng cải tiến và áp dụng các biện pháp nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả.

Theo kinh nghiệm của các tổ chức thế giới, các hoạt động tối ưu, tiết kiệm năng lượng có thể nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng các nhà máy lọc hóa dầu lên tới 20%.

Theo đó, các hướng nâng cao hiệu quả hoạt động tiết kiệm năng lượng gồm: tìm kiếm nguồn năng lượng giá rẻ như lựa chọn nguồn năng lượng thay thế, quản lý hợp đồng mua bán năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối…); mua bán bản quyền phát thải khí cacbon; tối ưu hóa cơ cấu sản phẩm, đang dạng hóa các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

pvn toi da hoa hieu qua nang luong tai cac nha may loc hoa dau

NMLD Dung Quất vẫn còn dư địa thực hiện tiết giảm năng lượng

Trong đó, việc tối ưu, tiết kiệm năng lượng có thể thực hiện gồm: thu hồi năng lượng thừa; tối ưu hệ thống hơi (sản xuất và phân phối hơi); tối ưu quá trình/thiết bị trao đổi; tối ưu tháp chưng cất; tối ưu lò đốt, thiết bị gia nhiệt; tối ưu hệ thống sản xuất và thu hồi hydro; nâng cao hiệu suất hoạt động các thiết bị quay như động cơ, turbine, máy nén, bơm, quạt…

Hiện nay việc tối ưu, tiết kiệm năng lượng các nhà máy lọc hóa dầu được căn cứ trên chỉ số EII (tỉ lệ giữa tiêu thụ năng lượng thực tế và năng lượng tiêu chuẩn của nhà máy lọc hóa dầu). Năm 2013, chỉ số EII của Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất vào khoảng 117%. PVN đã xây dựng và liên tục triển khai các giải pháp tối ưu năng lượng và nâng cao hiệu quả của nhà máy.

Qua 5 năm thực hiện chỉ số EII của nhà máy liên tục được cải thiện. Đến nay NMLD Dung Quất có chỉ số EII vào khoảng 103,6%. Để có được chỉ số này, các nhà khoa học dầu khí đã liên tục cải tiến, thực hiện các giải pháp tối ưu hóa hệ thống của NMLD Dung Quất, tiết kiệm hàng trăm triệu USD, nâng cao hiệu quả và giá trị của nhà máy.

Hai nhà máy sản xuất phân đạm của PVN là Nhà máy Đạm Cà Mau và Nhà máy Đạm Phú Mỹ mức độ tiêu hao năng lượng cũng liên tục được cải tiến trong 5 năm qua. Cụ thể, Nhà máy Đạm Cà Mau giảm 3%, Nhà máy Đạm Phú Mỹ giảm 1,8%. Cần phải nói rõ thêm là Nhà máy Đạm Phú Mỹ đã đi vào sản xuất thương mại từ năm 2004. Trong khoảng thời gian 10 năm (từ 2004-2014) Nhà máy Đạm Phú Mỹ cũng liên tục thực hiện công tác tối ưu hóa năng lượng (giảm hơn 5%) nên trong 5 năm qua hiệu quả tối ưu hóa không cao như những năm đầu tiên. Theo tính toán của các nhà khoa học, chỉ cần giảm 1% năng lượng sản xuất, có thể đem lại lợi nhuận cho nhà máy khoảng 3 triệu USD.

pvn toi da hoa hieu qua nang luong tai cac nha may loc hoa dau

Nghiên cứu triển khai sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất

Hiện nay, các nhà máy lọc hóa dầu của PVN đang triển khai tìm kiếm nguồn năng lượng và nguyên liệu giá rẻ, sạch hơn để tiếp tục nâng cao hiệu quả của nhà máy. Theo đó, NMLD Dung Quất đã chế biến, thử nghiệm dầu thô nhập khẩu WTI Midland (Mỹ) và Bonny Light (Nigeria). 

Còn Nhà máy Đạm Cà Mau đã nghiên cứu, triển khai sử dụng nguồn khí giá rẻ permeate gas của GPP Cà Mau bổ sung thêm được khoảng 2% nguồn nguyên liệu khí để sản xuất đạm. Hiện các nhà máy đang tiếp tục nghiên cứu, tìm kiếm các nguồn năng lượng, nguyên liệu giá rẻ, năng lượng tái tạo để phục vụ sản xuất.

pvn toi da hoa hieu qua nang luong tai cac nha may loc hoa dau

Điện hóa giúp mỏ dầu Statoil có mức khí thải cacbon thấp hơn 30 lần so với trung bình

Theo quy định mới của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) về việc cắt giảm khí thải chứa thành phần lưu huỳnh (SOx) của các loại tàu biển sử dụng nhiên liệu MFO hoạt động trên chuyến hàng hải thuộc hải phận quốc tế, hàm lượng lưu huỳnh trong dầu MFO sẽ áp dụng mức tiêu chuẩn mới là tối đa 0,5% khối lượng kể từ ngày 1/1/2020 (gọi tắt là IMO 2020) thay cho mức tiêu chuẩn tối đa 3,5% khối lượng hiện nay.

Sau hơn 1 năm nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm và chào hàng, NMLD Dung Quất đã sản xuất thành công sản phẩm dầu MFO - nhiên liệu hàng hải chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn IMO 2020 để xuất khẩu. NMLD Dung Quất đã xuất bán 6.000 tấn MFO cho Công ty BB - Singapore. Đây là giải pháp đột phá của NMLD Dung Quất trong chế biến hiệu quả dầu thô, tối ưu cơ cấu sản phẩm và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Trong kế hoạch 5 năm tới đây, các nhà máy lọc hóa dầu của PVN tiếp tục duy trì hệ thống quản lý năng lượng bền vững theo chuẩn quốc tế ISO 50001, đặt mục tiêu, lộ trình tiết kiệm năng lượng và đẩy mạnh đầu tư thực hiện các dự án tối ưu năng lượng để giảm EII. Mặt khác các nhà máy sẽ hoàn thiện việc xây dựng bổ sung tiêu chí năng lượng vào hệ thống KPI để đánh giá hiệu quả công việc, đặt mục tiêu tiết kiệm năng lượng và đẩy mạnh đầu tư thực hiện các dự án tối ưu năng lượng.

 

Hoàng Hôn tổng hợp