Nhu cầu phụ tải tăng
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, trong tháng 1/2024, tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện quốc gia ước đạt 23,695 tỷ kWh (bao gồm sản lượng điện mặt trời mái nhà bán vào hệ thống), cao hơn 28,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Con số này trong tháng 02/2024 ước đạt 19,75 tỷ kWh, bao gồm cả sản lượng điện mặt trời mái nhà bán vào hệ thống. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2024, tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện quốc gia ước đạt 43,71 tỷ kWh (bao gồm sản lượng điện mặt trời mái nhà bán vào hệ thống), ước đạt 14,27% so với kế hoạch năm 2024 được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 3110/QĐ-BCT ngày 30 tháng 11 năm 2023 phê duyệt Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2024 (kế hoạch đạt 306,259 tỷ kWh).
Theo dự tính của Tổng công ty Điện lực miền Bắc, nhu cầu điện thương phẩm năm 2024 tại 27 tỉnh thành phố do đơn vị này quản lý ước khoảng 97,15 tỷ kW giờ, tăng trưởng 7,49% so năm 2023; điện thương phẩm của Tổng công ty Điện lực Hà Nội đạt khoảng 25.300 triệu kWh, tăng khoảng 6,3% so với năm 2023. Còn theo tính toán của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), dự kiến mức tăng trưởng phụ tải đỉnh năm 2024 so với năm 2023 là từ 8% đến 12%, trong đó phụ tải miền Bắc dự báo lên đến 15%.
Trên thực tế, thống kê từ đầu năm 2024 đến nay, phụ tải quốc gia tăng trưởng khoảng 10,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, miền Bắc tăng 10,8%, miền Nam 12% và miền Trung 6,9%.
Các chuyên gia cho rằng với mức tăng trưởng phụ tải trên dưới 10% thì mỗi năm phải đưa vào vận hành 4.000-5.000 MW, tuy nhiên trong năm 2024, ở nước ta, nhất là khu vực miền Bắc không có nguồn điện lớn đáng kể nào. Trong khi nhu cầu điện tại miền Bắc tăng cao, nguy cơ thiếu điện cục bộ vẫn hiện hữu.
Hướng dẫn của EVN về tiết kiệm điện
Tăng cường tiết kiệm điện
Theo cơ quan chức năng, dự kiến nhu cầu phụ tải đỉnh ở một số thời điểm cao điểm mùa nắng nóng ở miền Bắc có thể lên tới 27.000MW trong khi công suất khả dụng ở miền Bắc có thể thấp hơn con số này. Bên cạnh đó là những khó khăn trong công tác điều tần, điều áp hệ thống điện của các thủy điện kể từ khi có nguồn năng lượng tái tạo. Việc phải chịu trách nhiệm điều tần, điều áp của các thủy điện lớn thuộc EVN đã khiến các tổ máy phải khởi động/dừng quá nhiều lần, ảnh hưởng tới hoạt động của thiết bị.
Thống kê cho thấy, từ cuối năm 2023 đến nay, ngành điện đã phải huy động cao nguồn nhiệt điện than để “đỡ sức” cho thủy điện tích nước đảm bảo điện cho mùa khô. Và thực tế huy động từ nguồn thủy điện lớn những tháng đầu năm 2024 giảm đáng kể so với cùng kỳ 2023. (Sản lượng phát của Thủy điện Hòa Bình 2 tháng đạt 585,5 triệu kWh; 2 nhà máy Thủy điện Sơn La – Lai Châu đạt 700 triệu kWh).
Cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền tiết kiệm điện
Các chuyên gia cho rằng, dù Bộ Công Thương đã có kế hoạch và các giải pháp từ cuối năm 2023 để chuẩn bị cho công tác cấp điện các tháng cao điểm mùa khô 2024 tuy nhiên cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của cả hệ thống chính trị trong việc thực hành tiết kiệm điện.
Thực tế, trong các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương từ cuối năm 2023 đến nay đều nhấn mạnh đến tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và coi đây là một trong những giải pháp lớn, quan trọng để giảm áp lực cho hệ thống điện quốc gia. Thủ tướng cũng giao trách nhiệm cho các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố, EVN, các tập đoàn/doanh nghiệp năng lượng và người tiêu dùng điện đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức, hành động tiết kiệm điện.
Nhằm hạn chế nguy cơ tiết giảm điện, nguy cơ xảy ra sự cố cục bộ trên lưới điện cũng như trong gia đình, cơ quan chức năng và EVN tiếp tục khuyến cáo người dân, các cơ quan công sở và nơi sản xuất cần chú ý sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, đặc biệt vào các giờ cao điểm trưa và tối. Đồng thời chú ý sử dụng hợp lý điều hòa nhiệt độ (đặt ở mức 26-27 độ trở lên, sử dụng kết hợp với quạt) và chú ý không nên sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn. Tắt các thiết bị điện khi không sử dụng.
Theo: erav.vn