Thứ sáu, 27/12/2024 | 07:46 GMT+7

TP. Hồ Chí Minh dự kiến sẽ có thêm khoảng 200 triệu kWh điện mặt trời mái nhà các trụ sở đơn vị công lập

07/08/2023

Dự kiến tháng 9/2023, TP. Hồ Chí Minh sẽ phê duyệt Đề án, triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà các trụ sở cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập.

Thông tin được bà Nguyễn Thị Kim Ngọc - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh - cho biết tại chương trình "Dân hỏi - Chính quyền trả lời" với chủ đề "Cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh: Trách nhiệm - hành động".
Chương trình "Dân hỏi - Chính quyền trả lời" do HĐND TP. Hồ Chí Minh phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức ngày 6/8.
Tại chương trình "Dân hỏi - Chính quyền trả lời", cử tri đặt câu hỏi khi nào TP. Hồ Chí Minh triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà các trụ sở cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập theo cơ chế tại Nghị quyết 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh?
Trả lời về nội dung này, Phó giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh - cho biết: UBND TP. Hồ Chí Minh giao Sở Công Thương phối hợp với các Sở ngành để xây dựng Đề án sử dụng các mái nhà là tài sản công để lắp đặt hệ thống điện mặt trời.
“Hiện Sở Công Thương đang hoàn thiện Đề án để trình UBND TP. Hồ Chí Minh trong tháng 8/2023. Dự kiến tháng 9/2023, TP. Hồ Chí Minh sẽ phê duyệt Đề án và triển khai thực hiện lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà các trụ sở cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập”- bà Nguyễn Thị Kim Ngọc thông tin.
Cử tri cũng nêu câu hỏi, TP. Hồ Chí Minh có lường hết tác hại việc sử dụng hệ thống điện mặt trời hay chưa? Việc đảm bảo an toàn khi triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời có được TP. Hồ Chí Minh quan tâm?
Liên quan đến nội dung này, Phó giám đốc Sở Công Thương - cho biết: Tác động của hệ thống điện mặt trời đối với môi trường chủ yếu là vấn đề pin thải. Cụ thể, Điều 55 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định chi tiết nội dung này. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 8/2022/NĐ-CP năm 2022 hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã đưa sản phẩm tấm pin mặt trời vào danh mục các sản phẩm mà các nhà sản xuất, nhập khẩu phải thực hiện thu hồi, tái chế để không gây ảnh hưởng đến môi trường
Các vấn đề trên đã được TP. Hồ Chí Minh đánh giá cụ thể trong Báo cáo đánh giá tác động trình Quốc hội và đã được Quốc hội thông qua cơ chế “UBND TP. Hồ Chí Minh quyết định việc sử dụng mái nhà bảo đảm điều kiện kỹ thuật của các trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công, trụ sở của các cơ quan, đơn vị được xác định là tài sản công trên địa bàn Thành phố để lắp đặt hệ thống điện mặt trời cung cấp điện phục vụ cho hoạt động của trụ sở đó.
Việc triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời phải bảo đảm các yêu cầu về an toàn điện, an toàn phòng cháy chữa cháy; an toàn công trình xây dựng, phù hợp về mỹ quan, kiến trúc và môi trường theo quy định của pháp luật. Thành phố sẽ có phân công cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong Đề án.
Về việc quản lý lắp đặt hệ thống điện mặt trời đối với các hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố trong thời gian qua như thế nào?
Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Việc quản lý lắp đặt hệ thống điện mặt trời đối với các hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh trong thời gian qua được thực hiện theo quy định của Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 18/2020 của Bộ Công Thương.
Cụ thể, hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp thực hiện đăng ký đấu nối với ngành điện các thông tin bao gồm địa điểm lắp đặt, quy mô công suất, đường dây tải điện, điểm đấu nối dự kiến. Ngành điện có ý kiến về khả năng đấu nối, truyền tải công suất hệ thống điện mặt trời mái nhà để làm cơ sở hai bên ký thỏa thuận đấu nối.
Sau khi thực hiện lắp đặt xong, đúng với nội dung đã thỏa thuận, hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp gửi hồ sơ đến ngành điện để thực hiện kiểm tra kỹ thuật, ký hợp đồng mua bán điện và đóng điện đưa vào vận hành.
Ngành điện chịu trách nhiệm kiểm tra, theo dõi hoạt động vận hành các hệ thống điện mặt trời mái nhà theo đúng quy định của pháp luật. Trường hợp phát hiện nội dung vi phạm pháp luật, ngành điện có trách nhiệm thực hiện tạm dừng kết nối với hệ thống điện, lập biên bản và báo cáo Bộ Công Thương để xử lý theo quy định hiện hành.
Được biết, TP. Hồ Chí Minh đang phối hợp với Bộ, ngành trung ương xây dựng dự thảo Nghị định triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội trong đó có nội dung xây dựng trình tự thủ tục triển khai thực hiện lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà công sở trình Thủ tướng Chính phủ để làm cơ sở triển khai thực hiện.
Theo Sở Công Thương, với lợi thế là địa phương có lượng bức xạ lớn, trung bình khoảng 1.581 kWh/m2/năm, cao nhất là 6,3 kWh/m2/ngày, TP. Hồ Chí Minh có số giờ nắng trung bình trong tháng dao động từ 100 đến 300 giờ, liên tục trong suốt cả năm, không bị gián đoạn như ở miền Bắc.
Tiềm năng phát triển và ứng dụng năng lượng mặt trời mái nhà ở TP. Hồ Chí Minh rất lớn, có thể đạt khoảng 5.081 MWp. Trong đó, có 4 nhóm đối tượng được xác định, gồm: Nhóm cơ quan hành chính chiếm 3,27%; nhóm sản xuất chiếm 31,28%; nhóm thương mại dịch vụ chiếm 3,1% và nhóm hộ gia đình chiếm 62,34%.
Theo số liệu của Sở Công Thương, hiện trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, trụ sở do Nhà nước quản lý có diện tích mái nhà khoảng hơn 1,2 triệu m2, nếu lắp hết thì mỗi năm có thể sản sinh ra 180 - 200 triệu kWh. Hệ thống điện năng lượng mặt trời mái nhà, đây là nguồn năng lượng sạch, xanh, góp phần giảm hiệu ứng nhà kính, giảm phát thải khí CO2 và giảm bức xạ nhiệt cho các tòa nhà, đồng thời góp phần không nhỏ trong việc giảm áp lực căng thẳng về nguồn điện trong giai đoạn sắp tới.
Theo: Báo Công Thương