Thứ sáu, 22/11/2024 | 20:35 GMT+7

Vai trò và kết quả hoạt động tiết kiệm năng lượng của Việt Nam

09/06/2023

Bên cạnh các giải pháp đảm bảo cung ứng nguồn điện, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một giải pháp thiết thực giúp cải thiện hiệu quả của nền kinh tế, đồng thời giúp bảo tồn nguồn năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp cho công cuộc giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu.
An ninh năng lượng và phát triển ngành năng lượng bền vững luôn là mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ Việt Nam. Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị đề ra mục tiêu tổng quát là “Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân”.
Tại Việt Nam, trong giai đoạn vừa qua, nhu cầu năng lượng đã không ngừng tăng trưởng với tốc độ cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới, trong đó, nhu cầu năng lượng sơ cấp trong giai đoạn 2010 - 2019 tăng trưởng khoảng 6%/năm, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng sản lượng điện thương phẩm bình quân là 10,9% trong giai đoạn 2010 - 2015 và 10,1% trong giai đoạn 2016 - 2019. Với nỗ lực to lớn của các cấp, các ngành, về cơ bản Việt Nam vẫn luôn đảm bảo cung cấp đủ năng lượng và điện năng cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh và phục vụ đời sống nhân dân, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế và đảm bảo ổn định về xã hội, chính trị, an ninh, quốc phòng. Theo dự báo trong 5 năm tới, nhu cầu điện năng vẫn tăng trưởng ở mức khoảng 8,5%/năm.
Để đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước với mức tăng trưởng GDP bình quân của Việt Nam khoảng 6,6%/năm trong giai đoạn 2021 - 2030 và khoảng 5,7%/năm trong giai đoạn 2031 - 2045, Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện 8) đưa ra tính toán hàng năm Việt Nam cần đầu tư cho ngành điện khoảng 13 tỷ USD/năm trong giai đoạn 2021 - 2030 và trên 12 tỷ USD/ năm trong giai đoạn 2031 - 2045. Yêu cầu này đặt ra thách thức rất lớn cho ngành điện trong việc thu xếp đủ nguồn vốn đầu tư cho phát triển nguồn điện và lưới điện, đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế và đảm bảo an ninh năng lượng.
Theo kết quả đánh giá của Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về kế hoạch cung cấp điện giai đoạn 2020 - 2025, việc đảm bảo cung cấp điện trong giai đoạn này sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức nhất là trong trường hợp xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Vì vậy, song song với việc khai thác các nguồn năng lượng sơ cấp để đáp ứng nhu cầu về năng lượng của nền kinh tế và toàn xã hội, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả còn là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất giúp giảm áp lực trong việc khai thác, chế biến và cung ứng các dạng năng lượng, giúp cải thiện hiệu quả của nền kinh tế, đồng thời giúp bảo tồn nguồn năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp cho công cuộc giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu.
Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực liên tục để tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng. Năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 79/2006/QĐ-TTg về việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2006 - 2015. Chương trình được triển khai qua hai giai đoạn: Giai đoạn 1 từ 2006 - 2010 và giai đoạn 2 từ 2011 - 2015.
Nhằm tiếp nối những thành công của Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tăng cường thực thi Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, với mục tiêu đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động, giải pháp tiết kiệm năng lượng trên mọi mặt của đời sống xã hội và trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế đất nước, ngày 13 tháng 3 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 280/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030. Mục tiêu đầu tiên của Chương trình VNEEP3 là tiết kiệm từ 8 - 10% lượng năng lượng cần thiết để phát triển đất nước theo kịch bản phát triển bình thường (tương đương khoảng 60 triệu tấn dầu quy đổi (TOE). Mục tiêu này được phân kỳ thành 2 giai đoạn:
1/ Giai đoạn 2019 - 2025 với yêu cầu cả nước phải tiết kiệm từ 5 - 7% tổng năng lượng yêu cầu cho phát triển đất nước.
2/ Giai đoạn 2026 - 2030 với yêu cầu tiết kiệm từ 8 - 10% tổng năng lượng cần thiết để phục vụ việc phát triển đất nước theo kịch bản phát triển bình thường.
Ngày 11 tháng 2 năm 2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ-TW về định hướng chính lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị Quyết một lần nữa khẳng định: “Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường phải được xem là quốc sách quan trọng và trách nhiệm của toàn xã hội”. Với Nghị quyết này, các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ được đẩy mạnh triển khai toàn diện nhằm đạt được các mục tiêu đề ra.
Ngày 07 tháng 5 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020 - 2025. Chỉ thị đề ra mục tiêu tiết kiệm mỗi năm 2% điện năng tiêu thụ cũng như xác định các giải pháp mà các bộ, ngành, địa phương và các đối tượng sử dụng điện phải thực hiện để đảm bảo thực hiện được các mục tiêu đề ra.
Các chương trình, chỉ thị, nghị quyết nêu trên thể hiện tầm nhìn chiến lược và chính sách nhất quán về của Đảng, Nhà nước và Chính phủ vài trò quan trọng mang tính chiến lược của sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong việc phát triển bền vững nền kinh tế đất nước giai đoạn hiện nay cũng như trong tương lai.
Có thể kể đến những kết quả nổi bật của Chương trình VNEEP qua 2 giai đoạn như sau:
Thứ nhất: Hệ thống văn bản pháp luật hoàn thiện trong đó cao nhất là Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là hành lang pháp lý quan trọng giúp cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, người dân thực hiện tiết kiệm năng lượng; Hàng loạt thông tư, nghị định, văn bản hướng dẫn đã được Chính phủ, các bộ ngành, địa phương ban hành và đưa vào áp dụng.
Thứ hai: Chương trình chuyển đổi thị trường hiệu suất năng lượng của phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng - Chương trình dán nhãn năng lượng đã thúc đẩy việc sử dụng thiết bị hiệu suất cao, loại bỏ dần các sản phẩm công nghệ lạc hậu hướng tới việc xây dựng văn hóa tiêu dùng bền vững trong cộng đồng. Mục tiêu của Chương trình là tới năm 2030, cả nước sẽ tiết kiệm tiêu dùng tích lũy khoảng 10 nghìn tỷ đồng (480 triệu USD), tương đương giảm 34 triệu tấn khí thải carbon. Điều này đồng nghĩa với việc tiết kiệm khoảng 6.000 GWh/năm, tương đương hai nhà máy điện đốt than 500 MW.
Thứ ba: Các hoạt động giảm thiểu cacbon thấp trong các ngành công nghiệp thông qua sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đặc biệt là đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm.
Thứ tư: Trong các lĩnh vực giao thông, xây dựng, nông nghiệp… cũng cho thấy sự dịch chuyển rõ nét trong nhận thức và hành động đối với vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Thứ năm: Đặc biệt, thông qua các hoạt động triển khai chương trình VNEEP, với sự vào cuộc mạnh mẽ của công tác truyền thông, nhận thức và hành động của người dân, doanh nghiệp, toàn xã hội đối với sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được cải thiện, dần trở thành thói quen, tiêu chí quan trọng.
Kết quả, giai đoạn 2006 - 2010, Chương trình VNEEP đã tiết kiệm được khoảng 3,% tổng năng lượng tiêu thụ; Giai đoạn 2011 - 2015, Chương trình đã tiết kiệm được khoảng 6% tổng năng lượng tiêu thụ toàn quốc. Trong cả hai giai đoạn, Chương trình đã giúp tiết kiệm được trên 15 triệu tấn dầu quy đổi (TOE).
Theo Tạp chí Năng lượng Việt Nam