Thứ năm, 23/01/2025 | 05:16 GMT+7

Bộ Công Thương quyết liệt các giải pháp tiết kiệm năng lượng hiện thực hoá mục tiêu Net zero

19/10/2022

Việc triển khai có hiệu quả các giải pháp tiết kiệm năng lượng giúp đảm bảo nguồn cung cho ngành sản xuất của Việt Nam, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Kể từ khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra hồi đầu năm 2022, giá năng lượng và các mặt hàng nguyên vật liệu phục vụ cho công nghiệp sản xuất đã tăng lên nhanh chóng. Điển hình là dầu thô có lúc bị đẩy lên đến hơn 130 USD/thùng, đe dọa về sự xuất hiện của một cuộc khủng hoảng năng lượng mới trên toàn thế giới. 
Đối với Việt Nam - một quốc gia đang phát triển cần ưu tiên nhiều nguồn lực cho công nghiệp sản xuất, việc các nguồn năng lượng tăng giá trở thành bài toán khó, buộc chúng ta phải giải quyết nhanh chóng. Đã có nhiều giải pháp được đưa ra, trong đó, ưu tiên hàng đầu là đẩy mạnh các giải pháp, nâng cao hiệu quả tiết kiệm năng lượng, triển khai mô hình phát triển bền vững. 

Tiết kiệm năng lượng là tiền đề quan trọng giúp Việt nam sớm đạt được cam kết cân bằng phát thải khí nhà kính năm năm 2050.
Chỉ đạo quyết liệt
Đóng vai trò chủ đạo trong việc tham mưu cho Chính phủ xây dựng các chính sách, giải pháp nhằm đẩy mạnh việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, phát triển bền vững, Bộ Công Thương trong thời gian qua đã xây dựng nhiều định hướng, nội dung triển khai cụ thể. Mục tiêu chung nhằm góp phần nâng cao hiệu quả việc giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, thực hiện cam kết của Việt Nam tại Thỏa thuận Paris về ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như tại Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu COP26 về thực hiện lộ trình giảm phát thải khí nhà kính về 0 vào năm 2050.
Thứ nhất, tăng cường các hoạt động truyền thông: Trong đó tập trung chủ yếu vào việc vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phát triển bền vững. Phối hợp với Hội nhà báo tổ chức Giải báo chí toàn quốc tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; tổ chức các giải thưởng hiệu quả năng lượng; giải thưởng năng lượng bền vững, tổ chức các hội nghị, tọa đàm chia sẻ, thúc đẩy đầu tư, thực hiện những giải pháp tiết kiệm năng lượng, sản xuất sạch, chuyển giao công nghệ sạch trong công nghiệp…

Bộ Công Thương chủ động tham mưu cho chính phủ xây dựng các chính sách, giải pháp nhằm đẩy mạnh việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả
Thứ hai, đẩy mạnh thực hiện các hoạt động hỗ trợ đầu tư: kiến nghị với cấp có thẩm quyền để xây dựng và thực thi các cơ chế về tài chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tiếp cận các cơ chế tài chính ưu đãi, hướng tới mục tiêu đầu tư vào các giải pháp công nghệ tiết kiệm năng lượng, sản xuất sạch, thay thế dây chuyền, máy móc cũ bằng hệ thống máy móc hiện đại, hiệu quả sử dụng công nghệ cao hơn. Hỗ trợ kỹ thuật và tài chính nhằm thúc đẩy các dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với các hoạt động như sản xuất, chế tạo, cải tạo, chuyển đổi thị trường phương tiện, trang thiết bị, máy móc, dây chuyền sản xuất.
Thứ ba, thông qua các nguồn lực của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững: tiến hành tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương và cán bộ quản lý năng lượng tại các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm. Tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn chuyên ngành về các giải pháp quản lý công nghệ trong tiết kiệm năng lượng, sản xuất sạch để giúp cho doanh nghiệp công nghiệp có thể áp dụng các sáng kiến, giải pháp, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng của doanh nghiệp.

Hỗ trợ kỹ thuật và tài chính nhằm thúc đẩy Tiết kiệm năng lượng trong doanh nghiệp là giải pháp được Bộ Công Thương ưu tiên
Giải pháp đồng bộ
Dựa trên các nội dung định hướng của Bộ Công Thương, Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững đã tiến hành triển khai một số giải pháp cụ thể, nhằm hiện thực hóa các mục tiêu đề ra.
Giải pháp 1: Rà soát, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Hiện Bộ Công Thương đang nghiên cứu và chuẩn bị báo cáo rà soát sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả để trình Chính phủ. Cùng với đó, xây dựng và hoàn thiện các văn bản dưới luật như các nghị định, thông tư.
Giải pháp 2: Hỗ trợ kỹ thuật và tài chính nhằm thúc đẩy các dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững. Tập trung hỗ trợ các hoạt động về kiểm toán năng lượng, xây dựng hệ thống quản lý năng lượng, xây dựng và thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn trong một số ngành công nghiệp thuộc lĩnh vực công thương.

Luôn luôn đổi mới phương pháp truyền thông về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đến các đối tượng khác nhau
Giải pháp 3: Tăng cường năng lực về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho các đơn vị liên quan trong triển khai chương trình, trong đó nâng cao vai trò của người quản lý năng lượng, kiểm toán viên năng lượng.
Giải pháp 4: Truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, sản xuất sạch, thực hiện lối sống xanh, sử dụng các sản phẩm có thể tái chế, thay thế các sản phẩm nhựa bằng các sản phẩm thân thiện môi trường. 
Giải pháp 5: Xây dựng cơ chế tài chính thúc đẩy đầu tư tiết kiệm năng lượng. Thúc đẩy các dự án hợp tác quốc tế cung cấp nguồn vốn ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư thực hiện đầu tư tiết kiệm năng lượng. Tăng cường làm rõ các cơ chế đầu tư, ưu đãi về lãi suất, thuế, đầu tư đất đai. Đề xuất thành lập quỹ tiết kiệm năng lượng.
Giải pháp 6: Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện và đánh giá kết quả thực hiện quy định của pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Ngày 1/11/2021, tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu, cam kết những mục tiêu của Việt Nam trong việc tiết kiệm năng lượng, chuyển đổi sử dụng năng lượng tái tạo, xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ. Mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Quang Ngọc