Thứ bảy, 02/11/2024 | 09:22 GMT+7

Bộ Công Thương - Ngân hàng Thế giới tăng cường hợp tác, hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính trong lĩnh vực năng lượng

02/03/2022

Chiều 1/3/2022, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có buổi tiếp và làm việc với ông Ranjit Lamech - Giám đốc Khu vực Phụ trách cơ sở hạ tầng Ngân hàng Thế giới nhân chuyến thăm Việt Nam của ông.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên bày tỏ sự đánh giá cao đối với chuyến công tác của ông Ranjit Lamech, trong bối cảnh Việt Nam và các nước đang nỗ lực cao để hiện thực hóa các cam kết của mình tại Hội nghị thượng đỉnh COP26.
Nhiều năm qua, Ngân hàng Thế giới (WB) đã hợp tác chặt chẽ với Việt Nam nói chung và Bộ Công Thương nói riêng trong phát triển ngành năng lượng Việt Nam. Đặc biệt, từ năm 2017 với sự hỗ trợ của WB và EU, Nhóm Đối tác năng lượng Việt Nam (VEPG) đã được thành lập. Với vai trò đồng chủ trì, WB đã phối hợp với EU và Bộ Công Thương điều phối nhiều hoạt động hợp tác quốc tế thu hút được sự tham gia của các đối tác phát triển. 
“Thông qua khuôn khổ này, WB và các đối tác đã đề xuất nhiều kiến nghị thiết thực, giúp đỡ chúng tôi một cách thiết thực và hiệu quả trong việc nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách, góp phần vào sự phát triển của ngành Công Thương nói chung và ngành năng lượng Việt Nam nói riêng”, Bộ trưởng khẳng định. 
Việt Nam tích cực thực hiện cam kết tại COP26 
Tại COP26, Việt Nam đã đưa ra cam kết đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050; tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; cam kết tham gia sáng kiến giảm 30% phát thải khí metan vào năm 2030 so với mức phát thải năm 2020. 
Đây là những tuyên bố quan trọng, đặt ra các mục tiêu phải đạt được của Việt Nam nên ngay sau Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt tới các Bộ, ngành.
Đối với mục tiêu giảm phát thải bằng 0 vào năm 2050, Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo triển khai thực hiện do Thủ tướng là trưởng ban và Bộ trưởng các Bộ, ngành có liên quan là thành viên. Trên cơ sở ước tính lượng phát thải từ ngành năng lượng chiếm tới 73%, Thủ tướng đã giao Bộ Công Thương - với vai trò là cơ quan quản lý ngành năng lượng - xây dựng kế hoạch giảm phát thải trong ngành năng lượng, đặc biệt là trong lĩnh vực điện lực. 
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên
Bộ Công Thương đã và đang khẩn trương triển khai ngay một loạt hoạt động cụ thể, trong đó trọng tâm gồm: 
Thứ nhất, xem xét chuyển đổi các nhà máy điện than thông qua đưa những nội dung chính trong Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than vào Quy hoạch điện VIII.
Thứ hai, tiếp tục rà soát hoàn thiện dự thảo Quy hoạch điện VIII, trong đó chú trọng chương trình phát triển nguồn điện theo hướng: Giảm điện than, điều chỉnh nguyên liệu của các dự án đang ở bước đầu triển khai sang nguồn khí hoặc điện sinh khối; Phát triển mạnh mẽ nguồn năng lượng tái tạo, nhất là điện gió và điện mặt trời; Bố trí nguồn điện đảm bảo cân đối vùng miền, tránh truyền tải xa; Đảm bảo dự phòng từng miền ở mức độ hợp lý.
Thứ ba, nghiên cứu hoàn thiện Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh của ngành Công Thương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Không chỉ riêng lĩnh vực năng lượng, các ngành công nghiệp bao gồm cơ khí, luyện kim, khai khoáng, dệt may, hàng tiêu dùng, thực phẩm,... đều cần có những kế hoạch hành động thiết thực, nâng cao trình độ khoa học công nghệ hướng tới mục tiêu giảm phát thải và thân thiện với môi trường.
Đối với tuyên bố chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch, ngay sau Hội nghị COP26, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công Thương đã rà soát cập nhật lại dự thảo Quy hoạch điện VIII, trong đó đặc biệt xem xét lại tính khả thi của các nhà máy điện than. 
Kết quả, tại dự thảo Quy hoạch điện VIII trình Chính phủ tháng 10/2021, Bộ Công Thương đã giảm khoảng 17.000 MW điện than so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Đến tháng 2/2022, Bộ Công Thương đưa ra phương án loại bỏ thêm 3 nhà máy nhiệt điện than với tổng công suất 2.020 MW; loại bỏ thêm 4 nhà máy nhiệt điện khí với tổng công suất 6.000 MW. Thay vào đó là các dự án điện mặt trời, điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi, điện sinh khối. Đến năm 2030, điện than chỉ còn chiếm 25,6% trong tổng công suất đặt nguồn, đến năm 2045 chỉ chiếm 10,6%.
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng xem xét nghiên cứu áp dụng công nghệ đốt than cùng amoniac (NH3) ở các nhà máy điện than.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có buổi tiếp và làm việc với ông Ranjit Lamech - Giám đốc Khu vực Phụ trách cơ sở hạ tầng Ngân hàng Thế giới
Đối với cam kết giảm 30% phát thải khí metan vào năm 2030 so với mức phát thải năm 2020, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết lượng phát thải từ các hoạt động năng lượng chiếm khoảng 23%, trong đó chủ yếu do phát tán trong quá trình khai thác, chế biến than, dầu khí. Bộ Công Thương đang triển khai xây dựng lộ trình và các giải pháp để cắt giảm phát thải khí metan 30% vào năm 2030 so với mức năm 2020.
“Chúng tôi tin rằng với sự nỗ lực của toàn ngành Công Thương, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng, điện lực và với sự giúp đỡ của các đối tác quốc tế trong đó có Ngân hàng thế giới, các kế hoạch hành động mà chúng tôi xây dựng sẽ được triển khai thực hiện hiệu quả và đạt được các mục tiêu như trong các cam kết mà Việt Nam đã tuyên bố”, Bộ trưởng nhấn mạnh. 
Hợp tác, hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính 
Đánh giá cao những nỗ lực, hành động quyết liệt của Bộ Công Thương và Chính phủ Việt Nam, ông Ranjit Lamech - Giám đốc Khu vực Phụ trách cơ sở hạ tầng Ngân hàng Thế giới cho rằng những nỗ lực này đã mang lại nhiều kết quả tích cực, rõ rệt cho quá trình chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam thời gian qua, góp phần vào hiện thực hóa các cam kết tại COP26.
Ông Ranjit Lamech khẳng định, quá trình này không hề dễ dàng, đặc biệt với quốc gia đang phát triển có nhu cầu năng lượng lớn như Việt Nam. Do vậy, Quy hoạch điện VIII là tài liệu quan trọng, là cơ sở định hướng phát triển hệ thống nguồn điện và lưới điện của Việt Nam trong giai đoạn tới để hướng tới chuyển đổi năng lượng bền vững và thực hiện mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Cộng đồng quốc tế hiện đang rất đón chờ việc ban hành của Quy hoạch điện VIII với mong muốn tham gia đầu tư, hợp tác hỗ trợ cả về kỹ thuật và nguồn lực để thúc đẩy quá trình sự phát triển bền vững của ngành năng lượng Việt Nam.
Ông Ranjit Lamech - Giám đốc Khu vực Phụ trách cơ sở hạ tầng Ngân hàng Thế giới
Tại dự thảo Quy hoạch điện VIII mới nhất, Bộ Công Thương đã giảm thiểu các dự án điện than, tăng mạnh các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện gió ngoài khơi, điện mặt trời và các nguồn điện sinh khối. Bên cạnh đó hệ thống lưới điện truyền tải cũng được xây dựng theo hướng giảm thiểu truyền tải liên miền và đáp ứng việc truyền tải điện năng từ các dự án mới đến các khu vực có nhu cầu phụ tải.
Bộ Công Thương đang phối hợp với các Bộ ngành tiếp tục nghiên cứu các chính sách thu hút đầu tư phát triển năng lượng tái tạo phù hợp với từng thời kỳ phát triển kinh tế xã hội, phù hợp với sự phát triển của thị trường điện Việt Nam. Mặt khác, đã nghiên cứu và hoàn thiện đề xuất để trình Chính phủ cho áp dụng cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA), cơ chế mua bán chứng chỉ năng lượng tái tạo (REC) và cơ chế đấu thầu cho các dự án điện mặt trời và sẽ tiếp tục xây dựng cơ chế đấu thầu cho các dự án điện gió.
Tuy nhiên, với chương trình phát triển điện lực này, nhu cầu vốn đầu tư là rất lớn. Ước tính, trong giai đoạn 2021-2030, mỗi năm Việt Nam cần vốn đầu tư khoảng 13,6 tỷ USD (trong đó khoảng 12,2 tỷ USD cho nguồn điện và 1,4 tỷ USD cho lưới điện truyền tải); giai đoạn 2031-2045 mỗi năm cần khoảng 16,1 tỷ USD (trong đó, khoảng 15,3 tỷ USD cho nguồn điện và 0,8 tỷ USD cho lưới điện truyền tải). 
“Việt Nam cần hỗ trợ quốc tế cả về công nghệ kỹ thuật cũng như về các nguồn vốn ưu đãi để thực hiện chương trình phát triển điện lực này. Chúng tôi luôn đánh giá cao và mong đợi sự hợp tác, hỗ trợ của các đối tác, nhà tài trợ của WB nhằm thúc đẩy các cơ hội hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực năng lượng; cũng như chia sẻ kinh nghiệm về cơ chế chính sách của các quốc gia đã thực hiện chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ thời gian qua”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chia sẻ.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có buổi tiếp và làm việc với ông Ranjit Lamech - Giám đốc Khu vực Phụ trách cơ sở hạ tầng Ngân hàng Thế giới
Trong đó, Bộ trưởng đề nghị WB hỗ trợ kỹ thuật và tài chính nhằm triển khai chuyển dịch năng lượng, bao gồm hạn chế các nhà máy điện nhiệt điện than, chuyển đổi, thay thế các nhà máy điện than bằng các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; phát triển với tỷ trọng hợp lý các nhà máy nhiệt điện khí; phát triển hệ thống lưới điện thông minh, hệ thống tích trữ năng lượng và hệ thống thu hồi, lưu giữ carbon. 
Đồng thời, đề nghị WB hỗ trợ triển khai kiểm soát phát thải khí nhà kính ngành Công Thương; nâng cao năng lực cho Việt Nam triển khai các cơ chế định giá carbon theo quy định của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; nâng cao năng lực triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh trạnh, điều tiết giá điện, cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA). 
Giám đốc Khu vực Phụ trách cơ sở hạ tầng Ngân hàng Thế giới Ranjit Lamech khẳng định, WB sẵn sàng tham gia hỗ trợ Việt Nam về kỹ thuật, nhân lực, nguồn lực trong thực hiện các nội dung của Quy hoạch điện VIII. 
Mặt khác, WB cũng quan tâm đến điện khí hóa nông thôn của Việt Nam. Đây là một trong những thành tựu quan trọng, nổi bật của Việt Nam từ ngày đất nước thống nhất với tỷ lệ các hộ gia đình có điện tăng từ 2,5% vào năm 1975 lên tới 96% vào năm 2009 và 99,53% vào năm 2019 (bao gồm cả thành thị và nông thôn). Việt Nam đã thành công trong việc cung cấp điện cho hơn 17 triệu hộ dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Tại khu vực nông thôn tỷ lệ số hộ dân được sử dụng điện tính đến 31/12/2019 đạt 99,26%; chỉ còn khoảng 0,74% số hộ dân nông thôn chưa được tiếp cận điện. 
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có buổi tiếp và làm việc với ông Ranjit Lamech - Giám đốc Khu vực Phụ trách cơ sở hạ tầng Ngân hàng Thế giới 
WB là một trong những tổ chức tín dụng quốc tế đầu tiên đầu tư vào ngành Điện từ năm 1995. Trong giai đoạn 1998-2013, WB đã tài trợ cho Việt Nam khoảng 12 dự án liên quan đến phát triển điện nông thôn, với tổng số vốn đầu tư lên đến hơn 2 tỷ USD. 
Giai đoạn 2021-2025, nhu cầu vốn cho Chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo là 25.884 tỷ đồng. Mới đây nhất, WB và Bộ Công Thương đã trao đổi về đề xuất sử dụng vốn vay ưu đãi của WB khoảng 360 triệu USD cho chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo. Nếu được Chính phủ phê duyệt cho phép sử dụng cho Chương trình đầu tư công cấp điện nông thôn miền núi và hải đảo giai đoạn 2021-2025, đây sẽ là nguồn hỗ trợ quan trọng để Việt Nam hướng tới mục tiêu cấp điện lưới quốc gia cho 100% dân số.
Kết thúc buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Giám đốc Khu vực Phụ trách cơ sở hạ tầng Ngân hàng Thế giới Ranjit Lamech nhấn mạnh hai bên sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ để triển khai tích cực, hiệu quả các chương trình, dự án hợp tác trong lĩnh vực Công Thương nói chung và chuyển đổi xanh, phát triển bền vững tại Việt Nam nói riêng.
Theo: Tạp chí Công Thương