Thứ bảy, 02/11/2024 | 01:21 GMT+7

Tây Ninh hướng tới phát triển năng lượng tái tạo

31/10/2021

Thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thời gian tới, Tây Ninh tập trung ưu tiên phát triển các dự án điện mặt trời và khuyến khích phát triển năng lượng sinh khối (trấu, rơm rạ, bã mía) quy mô nhỏ nhằm tận dụng nguồn phế phẩm nông nghiệp và giảm thiểu ô nhiễm môi trường một cách hiệu quả.

Phát triển năng lượng tái tạo là một giải pháp thiết thực giúp cải thiện hiệu quả nền kinh tế, đồng thời góp phần bảo tồn nguồn năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính. Nhận thức được vai trò của giải pháp này, trong những năm qua, tỉnh Tây Ninh đã không ngừng nỗ lực để tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng tái tạo thông qua việc ban hành nhiều chính sách liên quan cũng như phát động triển khai những hoạt động cụ thể.
Ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo
Quan điểm của Tây Ninh là phát triển năng lượng tái tạo không chỉ tập trung mở rộng quy mô và tăng tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung cấp năng lượng sơ cấp, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng mà còn giải quyết vấn đề cung cấp năng lượng cho khu vực nông thôn, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, xây dựng một xã hội sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên, thân thiện môi trường.
Dự kiến, tổng công suất các nguồn điện trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2030 đạt khoảng 3.500 MW, sản lượng điện phát đạt khoảng 5,95 tỷ kWh/năm. Tỷ lệ điện năng sản xuất từ năng lượng tái tạo so với sản lượng điện thương phẩm toàn tỉnh tăng từ 24,33% năm 2020 lên khoảng 32% vào năm 2030 và khoảng 40% vào năm 2050.
Để đạt được kết quả đó, Tây Ninh ưu tiên phát triển nhanh những lĩnh vực năng lượng tái tạo có nguồn tài nguyên lớn và triển vọng thương mại tốt như điện mặt trời và điện sinh khối, thực hiện các biện pháp cần thiết để mở rộng nhu cầu thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành công nghiệp năng lượng tái tạo phát triển với quy mô lớn.
Dự án điện mặt trời hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh)
Ngoài ra, Tây Ninh phấn đấu hầu hết các cơ sở chăn nuôi xử lý chất thải cho mục đích năng lượng (khí sinh học) để tận dụng năng lượng cung cấp cho hoạt động tại cơ sở và khu vực lân cận; thu hút đầu tư nhà máy xử lý chất thải cho mục đích sản xuất năng lượng nhằm xử lý chất thải hiệu quả, đồng thời đa dạng hóa nguồn năng lượng tái tạo của địa phương; nghiên cứu, đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học tận dụng nguồn nguyên liệu sinh khối sẵn có, bảo đảm cung cấp một phần nhu cầu năng lượng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; phấn đấu phát triển Tây Ninh trở thành trung tâm phát triển năng lượng tái tạo của vùng Đông Nam bộ và của cả nước, đưa ngành năng lượng tái tạo đóng góp trực tiếp vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh theo xu hướng ngày càng gia tăng.
Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, tỉnh tổ chức lập quy hoạch sử dụng đất có tính đến ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo; khuyến khích mạnh loại hình điện mặt trời trên mái nhà. Đặc biệt, tỉnh sẽ xây dựng các chương trình phát triển hệ thống điện độc lập từ năng lượng tái tạo và điện quy mô gia đình cho khu vực khó khăn và đặc biệt khó khăn nhằm mục đích xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế xã hội, để đạt mục tiêu đến năm 2030 hầu hết các hộ dân nông thôn được sử dụng nguồn năng lượng sạch, hợp vệ sinh.
Định hướng đến 2050, tỉnh tập trung nguồn lực, khai thác và sử dụng tối đa tiềm năng năng lượng tái tạo bằng những công nghệ tiên tiến, phù hợp, mang lại hiệu quả cao về kinh tế, xã hội và môi trường. Tỉnh cũng khuyến khích huy động mọi nguồn lực từ xã hội và người dân cho phát triển năng lượng tái tạo để tăng cường khả năng tiếp cận nguồn năng lượng hiện đại, bền vững…
Những kết quả đạt được 
Tây Ninh có tiềm năng phát triển 2 nguồn năng lượng tái tạo chính, bao gồm năng lượng mặt trời và năng lượng sinh khối. Trong đó, điện mặt trời chiếm tỉ lệ cao nhất (99,48%) với 2 loại hình đầu tư là nhóm dự án điện mặt trời thuộc quy hoạch điện quốc gia, quy hoạch phát triển điện của tỉnh và nhóm dự án điện mặt trời áp mái quy mô hộ gia đình, doanh nghiệp.
Người dân lắp đèn năng lượng mặt trời cho sân vườn
Tính đến cuối năm 2020, Tây Ninh có 10 dự án nhà máy điện mặt trời được đưa vào vận hành với tổng công suất thiết kế là 808 MW. Trong đó, có 3 dự án nhà máy điện mặt trời đấu nối cấp điện áp 220kV với tổng công suất lắp đặt 500 MWp (~ 400 MW), chiếm 51,35% phụ tải của toàn tỉnh. Sản lượng điện phát trong năm 2020 đạt 763.650 MWh, chiếm tỷ lệ 16,22% sản lượng điện thương phẩm toàn tỉnh.
Có 7 dự án nhà máy điện mặt trời đấu nối cấp điện áp 110kV với tổng công suất lắp đặt 308 MWp (~ 246 MW), chiếm 31,63% phụ tải của toàn tỉnh. Sản lượng điện phát trong năm 2020 đạt 290.820 MWh, chiếm tỷ lệ 6,18% sản lượng điện thương phẩm toàn tỉnh.
Về hệ thống điện mặt trời mái nhà đấu nối lưới trung hạ áp, có khoảng 4.298 hệ thống với tổng công suất lắp đặt 306,9 MWp (~245 MW), chiếm 31,52% phụ tải toàn tỉnh. Sản lượng điện phát trong năm 2020 đạt 46.161 MWh, chiếm tỷ lệ 0,98% sản lượng điện thương phẩm toàn tỉnh.
Về cơ bản, các dự án điện mặt trời phát triển tương đối đồng đều giữa các khu vực, tuy nhiên đa phần là các dự án có công suất nhỏ (<100 kW).
Bã mía là nguồn nguyên liệu phát nhiệt - điện của Tập đoàn Thành Công
Đối với năng lượng sinh khối, hiện nay trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có 1 dự án phát điện từ bã mía của Tập đoàn Thành Thành Công. Dự án tận dụng khoảng 351 nghìn tấn bã mía trong quá trình sản xuất để đồng phát nhiệt - điện với tổng công suất phát điện 2 tổ máy là 37MWh (đang hoạt động tốt). Sản lượng điện phát trong năm 2020 đạt 44.638 MWh, chiếm tỷ lệ 0,95% sản lượng điện thương phẩm toàn tỉnh.
Bên cạnh đó, các nhà máy chế biến khoai mì trong tỉnh đang sử dụng hệ thống xử lý chất thải bằng công nghệ biogas cũng có thể đầu tư phát điện. Nhìn chung, phế phẩm từ nông nghiệp chủ yếu làm thức ăn cho gia súc, gia cầm hoặc xử lý bằng phương pháp đốt bỏ, chưa được tận dụng cho mục đích tái tạo năng lượng.
Đến ngày 31/12/2020, tổng công suất từ các nguồn năng lượng tái tạo đã đi vào vận hành trên địa bàn tỉnh Tây Ninh là 971 MW. Tỷ lệ điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo trong năm 2020 đạt 24,33% so với sản lượng điện thương phẩm toàn tỉnh.
 Khánh An