Thứ bảy, 02/11/2024 | 13:20 GMT+7

Thúc đẩy tiến độ các nguồn điện đang triển khai, đảm bảo cấp điện giai đoạn 2021-2025

27/10/2021

Trước tình trạng thiếu hụt nguồn điện tại khu vực miền Bắc, thừa nguồn tại khu vực miền Trung và Nam, theo đánh giá của Bộ Công Thương, nếu các nguồn điện lớn đang xây dựng tiếp tục chậm tiến độ thì mức độ thiếu hụt điện vào năm 2025 cao nhất có thể lên tới 10,8 tỷ kWh. Do đó, việc đảm bảo tiến độ các nguồn điện đang triển khai xây dựng là hết sức quan trọng đối với việc đảm bảo an ninh cung ứng điện giai đoạn 2021-2025.

Thiếu miền Bắc, thừa miền Nam – Trung
Theo Bộ Công Thương, Quy hoạch điện VII điều chỉnh được phê duyệt tại Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ và các quyết định bổ sung Quy hoạch điện VII điều chỉnh đến cuối năm 2020, tổng công suất các nguồn điện đưa vào vận hành giai đoạn 2016-2030 là 109.090 MW/482 dự án, trong đó giai đoạn 2016-2020 là 35.470 MW; giai đoạn 2021-2025 là 45.030 MW; giai đoạn 2026-2030 là 28.590 MW.
Cập nhật tình hình triển khai xây dựng nguồn điện trong giai đoạn 2016-2020 của Bộ Công Thương cho thấy, tổng công suất đã đưa vào vận hành giai đoạn 2016-2020 chỉ đạt 28.377 MW trên tổng công suất 35.283 MW (đã bao gồm nhiều dự án năng lượng tái tạo được bổ sung mới và đưa vào vận hành trong các năm 2019 và 2020). Tuy nhiên, tổng công suất các nguồn điện lớn (than, khí) đưa vào vận hành giai đoạn này đạt thấp, chỉ khoảng 63% nên đã dẫn tới tình trạng thiếu hụt nguồn điện, đặc biệt là tại khu vực miền Bắc trong một số thời điểm phụ tải tăng cao trong thời gian vừa qua.
Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết: Sự phân bố nguồn chưa phù hợp như hiện nay chủ yếu là do các nhà máy điện gió, điện mặt trời phát triển mạnh tại khu vực miền Trung và miền Nam (là nơi có tiềm năng gió và mặt trời tốt) nhưng một phần nguyên nhân cũng bắt nguồn từ việc các nhà máy nhiệt điện than miền Bắc dự kiến vận hành trong giai đoạn 2016-2020 chậm tiến độ và chỉ có thể vận hành sau năm 2020 như: Na Dương II, Thái Bình II, Hải Hà I,...
Trong khi đó, các nguồn điện mặt trời mái nhà lại phát triển quá nhanh. Cụ thể, tính đến hết năm 2020 theo thống kê của EVN đã có tới trên 105.000 hệ thống điện mặt trời mái nhà vào vận hành với tổng công suất 9.694 MWp, trong đó có 68% tại miền Nam, 25% tại miền Trung, chỉ có 7% tại miền Bắc.
"Các dự án điện mặt trời mái nhà phát triển mạnh ở khu vực miền Trung và miền Nam với trên 9.030 MWp đã phá vỡ cân bằng vùng miền, góp phần gây ra hiện tượng thừa nguồn tại khu vực miền Trung và miền Nam, đặc biệt trong các giờ buổi trưa, ngày nghỉ khi nguồn điện mặt trời phát cao” – ông Dũng nhấn mạnh.
Việc đảm bảo tiến độ các nguồn điện đang triển khai xây dựng là hết sức quan trọng đối với việc đảm bảo an ninh cung ứng điện giai đoạn 2021-2025
Cũng theo đánh giá của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, phân bố công suất các nguồn mới tăng thêm theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh trong giai đoạn đến 2030 chưa phù hợp với tăng trưởng phụ tải theo các miền. Cụ thể, công suất nguồn điện tăng thêm của miền Bắc thấp hơn nhu cầu phụ tải. Miền Bắc không tự cân đối được nguồn và tải, đặc biệt trong các thời điểm cao điểm tối mùa khô. Vì vậy, miền Bắc sẽ phải nhận lượng lớn điện năng từ lưới liên miền để cung cấp phụ tải.
Ngược lại, cân đối cung cầu tại khu vực miền Trung và miền Nam hiện đang dư thừa lại càng có xu hướng trở nên dư thừa hơn khi lượng công suất đặt tăng thêm tại miền Trung và miền Nam trong giai đoạn 2021-2030. Hiện tượng này dẫn tới lượng công suất truyền tải ra khu vực miền Bắc sẽ tăng mạnh so với năm 2020, gây ra quá tải trên hệ thống điện truyền tải 500 kV Bắc - Nam, đặc biệt là các cung đoạn Đà Nẵng - Vũng Áng và Vũng Áng - Hà Tĩnh - Nho Quan.
Đẩy mạnh hoàn thiện các nguồn điện đang triển khai
Với những khó khăn trên, việc rà soát Quy hoạch Điện VIII Bộ Công Thương là bố trí các nguồn điện trên quan điểm đảm bảo cao nhất khả năng tự cân đối nội vùng và nội miền, tránh truyền tải xa; khai thác tối đa khả năng truyền tải hiện có và không xây dựng thêm các đường dây truyền tải liên miền trong giai đoạn 2021-2030; hạn chế xây dựng mới các đường dây truyền tải điện liên miền giai đoạn 2031-2045.
Theo Bộ Công Thương, việc tiếp tục đưa vào các dự án nhiệt điện than, chủ yếu tại miền Bắc và giảm công suất năng lượng tái tạo tại tờ trình mới đây, so với bản tờ trình cũ hồi tháng 3/2021 cùng vì để khắc phục những hạn chế trên.
Ông Hoàng Tiến Dũng cho biết thêm, trên cơ sở năng lực hệ thống điện hiện nay và đánh giá tiến độ một số nguồn điện dự kiến đi vào vận hành trong giai đoạn 2021-2025, Bộ Công Thương đã kiểm tra khả năng đảm bảo cung cấp điện trong giai đoạn 2021-2025 của hệ thống điện tương ứng với kịch bản phụ tải cơ sở (tăng trưởng 9,1%/năm), theo Quy hoạch điện VIII.
Từ kết quả kiểm tra của Bộ đã chỉ rõ, việc đảm bảo tiến độ các nguồn điện đang triển khai xây dựng là hết sức quan trọng đối với việc đảm bảo an ninh cung ứng điện giai đoạn 2021-2025. Thực tế cho thấy các dự án nguồn điện than hoặc khí nếu khởi công trong thời gian tới sẽ khó có thể vận hành trong giai đoạn 2021-2025 vì thông thường các dự án nguồn điện than hoặc khí sau khi được khởi công sẽ cần thời gian từ 4-5 năm để hoàn thành.
“Điều này cho thấy việc bổ sung các nguồn điện mới cho giai đoạn 2021-2025 hoàn toàn phụ thuộc vào tiến độ các nguồn điện đang trong quá trình triển khai xây dựng” – ông Hoàng Tiến Dũng nhấn mạnh.
Theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, thách thức đặt ra đối với nguy cơ thiếu điện trong nước trong những năm tiếp theo là hiện hữu, đặc biệt nguyên nhân từ nhiều dự án chậm tiến độ từ Quy hoạch VII điều chỉnh. Do đó, nếu các nguồn điện đang triển khai xây dựng đáp ứng tiến độ như đặt ra thì về cơ bản hệ thống điện sẽ đáp ứng tốt nhu cầu phụ tải trong các năm 2021, 2022. Tuy nhiên, vẫn tồn tại khả năng xuất hiện nguy cơ hệ thống không đảm bảo cung cấp điện vào các năm 2023-2025 vì các lý do như:
Thứ nhất, do phụ tải có thể tăng đột biến do điều kiện khí hậu bất thường hoặc nền kinh tế phục hồi mạnh sau đại dịch Covid-19 trong khi dự phòng hệ thống điện hiện nay khá thấp (miền Bắc không có dự phòng).
Thứ hai, khí hậu tiếp tục biến đổi khó lường kéo theo tình hình thủy văn có nguy cơ không thuận lợi, ảnh hưởng tới sản lượng các nhà máy thủy điện vốn đóng góp tới hơn 30% tổng sản lượng điện toàn hệ thống; một số nhà máy điện khí khu vực miền Nam bị giảm sản lượng do các mỏ khí đang trong quá trình suy giảm và cạn kiệt;
Thứ ba, một số dự án nguồn điện lớn vẫn tiềm ẩn nguy cơ chậm tiến độ do khó khăn về vốn, rủi ro đảm bảo nguồn nhiên liệu nhập khẩu do các vấn đề địa chính trị trên thế giới còn phức tạp…
Theo đánh giá sơ bộ của Bộ Công Thương cho thấy, nếu các nguồn điện lớn đang xây dựng tiếp tục chậm tiến độ thì mức độ thiếu hụt cao nhất có thể lên tới 10,8 tỷ kWh năm 2025. Vì vậy, theo các chuyên gia, cần thiết phải sớm có các giải pháp để chủ động đảm bảo cung ứng điện trong giai đoạn 2021-2025 như đảm bảo tiến độ nguồn nhiệt điện, tăng cường nhập khẩu điện từ Trung Quốc và Lào, tiếp tục khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo (đặc biệt là các nguồn điện cấp điện tại chỗ), khai thác tốt năng lực hiện nay của hệ thống điện, xây dựng các kế hoạch vận hành hợp lý, đảm bảo các nguồn điện luôn có tính khả dụng cao…
Theo: Báo Công Thương