Thứ sáu, 27/12/2024 | 11:14 GMT+7

Nhiều chương trình giúp tiết kiệm điện phát huy hiệu quả

19/07/2021

Luôn đối mặt nguy cơ thiếu điện, Việt Nam đã đưa ra nhiều chương trình để sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả.

Luôn đối mặt nguy cơ thiếu điện, Việt Nam đã đưa ra nhiều chương trình để sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả.

Báo cáo thực hiện Quy hoạch điện 8, Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) đã đánh giá hiệu quả của hàng loạt chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm thời gian qua.

Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Những năm đầu của thế kỷ 21, Việt Nam đối mặt với nguy cơ thiếu hụt năng lượng do sự tăng cao của giá dầu thế giới, sự giảm sút của các nguồn thuỷ điện do thời tiết bất lợi cũng như sự khai thác và sử dụng thiếu hiệu quả nguồn năng lượng sơ cấp của quốc gia. Trong bối cảnh đó, Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (gọi tắt là VNEEP) giai đoạn 2006-2010 được xây dựng nhằm thúc đẩy sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn năng lượng có hạn của quốc gia, trong đó đặt mục tiêu giảm tiêu thụ 3-5% tổng tiêu thụ năng lượng thương mại.

Nhiều nhà máy thép tự chủ được 70% lượng điện tiêu thụ. Ảnh: Lương Bằng

Trong quá trình thực hiện, Chương trình này được lồng ghép với các dự án tiết kiệm và bảo tồn năng lượng do các tổ chức quốc tế tài trợ nhằm sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA cũng như kinh nghiệm quốc tế trong việc triển khai các hoạt động tiết kiệm năng lượng thực tế ở Việt Nam.

Tới năm 2012, giai đoạn II của VNEEP đã được phê duyệt trong bối cảnh gắn liền với mục tiêu Tăng trưởng Xanh và phát triển bền vững. Giai đoạn II đặt mục tiêu tổng thể là giảm 5-8% tổng tiêu thụ năng lượng thương mại cùng với các mục tiêu về giảm suất tiêu hao năng lượng ở một số sản phẩm công nghiệp.

Về kết quả thực hiện, theo tổng hợp của Bộ Công Thương về VNEEP, năng lượng thương mại tiết kiệm cộng dồn trong cả giai đoạn 2006-2010 được đạt 3.733 KTOE, tương đương 3,4% tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng. Trong giai đoạn 2011-2015, lượng năng lượng tiết kiệm cộng dồn là 10.610 KTOE, tương đương với 5,65% tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng trong cả giai đoạn. Bên cạnh đó, VNEEP 2 còn đạt chỉ tiêu giảm mức tiêu hao năng lượng bình quân một số sản phẩm và thu được một số thành công trong công tác bảo tồn năng lượng ở các phân ngành kinh tế.

Chương trình Quản lý nhu cầu điện DSM

Các hoạt động Quản lý phía nhu cầu, hay còn gọi là DSM đã được nghiên cứu và thực hiện thí điểm tại Việt Nam từ những năm 2000. Chương trình quốc gia về DSM đã được triển khai thực hiện chính thức trong giai đoạn từ năm 2007-2015 theo nội dung tại Quyết định số 2447/QĐ-BCN ngày 17 tháng 7 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương).

Các chương trình DSM giai đoạn này đã góp phần đảm bảo cân bằng cung cầu, từng bước nâng cao chất lượng cung cấp điện, độ tin cậy cung cấp điện, tăng hiệu quả sử dụng điện của khách hàng và cả hệ thống điện, tác động đến nhận thức của khách hàng sử dụng điện trong việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.

Đến nay một số chương trình và dự án DSM vẫn đang được EVN thực hiện hàng năm.

Trong đó, Chương trình Công tơ biểu giá điện theo thời gian, hay gọi đơn giải là TOU (Time- Of-Use) được thực hiện từ đầu những năm 2000. Chương trình này được áp dụng nhằm thiết lập mức giá điện theo thời gian sử dụng cho các hộ tiêu thụ, từ đó tác động đến hành vi sử dụng điện của khách hàng. Về mặt hệ thống, TOU là nhân tố chính góp phần giảm chênh lệch phụ tải giữa khung giờ cao điểm vào thấp điểm, từ đó cải thiện biểu đồ phụ tải điện của hệ thống điện.

Với việc số lượng khách hàng TOU ngày càng tăng từ 84.815 khách hàng năm 2009 lên 264.493 khách hàng năm 2015, đến hết năm 2019 là 523.222 (chiếm 22,5% tổng số khách hàng). Nhìn vào các thông số của hệ thống điện cho thấy Chương trình TOU đã có những tác động tích cực khi ngày càng góp phần vào việc san bằng biểu đồ phụ tải điện, theo đó hệ số phụ tải của hệ thống điện quốc gia đã được cải thiện từ mức 0,781 năm 2015 tăng lên gần 0,784 năm 2019, hệ số Pmin/Pmax tăng từ 0,52 năm 2015 lên 0,54 vào năm 2019.

Năm 2014, EVN đã thực hiện dự án thí điểm Thay thế đèn sợi đốt bằng đèn tiết kiệm điện cho các vườn thanh long thuộc các tỉnh Bình Thuận, Long An và Tiền Giang.

Trong chương trình này, 2 triệu đèn compact (CFL) có công suất 20W tuổi thọ 6000 giờ đã được sử dụng để thay thế cho các đèn sợi đốt đang được sử dụng tại các vườn.

Tiết kiệm điện góp phần cân đối lượng điện sản xuất với nhu cầu. Ảnh: Lương Bằng

Về hiệu quả chương trình, theo đánh giá của EVN, đối với các hộ trồng thanh long, điện năng tiết kiệm là 320 triệu kWh trong suốt thời gian hoạt động của bóng CFL; lợi nhuận ròng khi thay thế 2 triệu bóng sợi đốt 60W bằng bóng CFL 20W của chươngtrình (đã bao gồm tiền điện tiết kiệm, chi phí tránh được không mua bóng sợi đốt mới, tiền bồi thường thu hồi bóng sợi đốt hiện có) là 446 tỷ VNĐ.

Đối với ngành điện, giả thiết hệ số hoạt động đồng thời là 0,5, công suất giảm đỉnh của hệ thống sẽ giảm được 40MW, trị giá 105 tỷ đồng tính cho hết thời gian hoạt động của bóng CFL.

Chương trình quảng bá thúc đẩy sử dụng bóng đèn Compact (CFL) thay cho bóng đèn sợi đốt được EVN bắt đầu triển khai từ năm 2005 qua nhiều giai đoạn khác nha. Theo số liệu thị trường, chương trình đã góp phần thúc đẩy thị trường CFL phát triển rất nhanh, với mức tăng trưởng 267% trong năm 2006. Trung bình trong cả giai đoạn 2005-2010 mức tăng trưởng là 87%/năm.

Đánh giá hiệu quả cho thấy, lượng điện năng tiết kiệm sẽ đạt được (tính cho hết vòng đời 6.000h của 127 triệu bóng CFL) là 34,29 tỷ kWh và các hộ gia đình sẽ tiết kiệm được hơn 51,43 nghìn tỷ đồng. Lượng giảm phát thải được tính toán là 19,9 triệu tấn CO2. Ngoài ra, chương trình tạo ra hiệu quả cắt giảm 1.714,5 MW công suất đỉnh.

Theo Báo VietNamNet