Thứ bảy, 02/11/2024 | 01:31 GMT+7

Xanh hóa điện năng: Chính sách sử dụng điện mặt trời ở Việt Nam

25/07/2016

Điện mặt trời có lợi thế rất lớn so với các nguồn năng lượng hóa thạch bởi nó rất ít tác động tiêu cực đến môi trường, sức khỏe hoặc sinh kế người dân, góp phần giảm phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng và có chi phí ban đầu rất thấp.

Trong các nghiên cứu mới đây của nhiều tổ chức quốc tế tại Việt Nam, các nhà khoa học đã chỉ ra cái giá rất đắt của việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch do các tác động của nó lên sức khỏe, môi trường sống và sinh kế người dân. Họ đề xuất các kiến nghị giải pháp xanh hóa điện năng với trọng tâm là phát triển các dự án năng lượng mặt trời.

Cái giá thực sự của nhiên liệu hóa thạch

Theo đánh giá mới đây nhất trong báo cáo “Xanh hóa gói điện năng” của Cơ quan phát triển liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP), than đá là một trong những nhiên liệu tuy rẻ nhưng sẽ khiến môi trường và chất lượng sống ở Việt Nam phải trả giá đắt bởi những hệ lụy về môi trường, sức khỏe con người, sinh kế mà nó gây ra. Khai thác và vận chuyển than có các tác động tiêu cực đến môi trường, sức khỏe, các sinh kế của người dân. Cụ thể, lượng chất thải rất lớn thải ra từ các nhà máy điện đốt than đặt ra yêu cầu phải vận chuyển, chôn lấp và/hoặc tái sử dụng trong khi đó, các quy định về tiêu chuẩn môi trường đối với các nhà máy điện đốt than đến nay rất thấp, gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Và về kinh tế, càng ngày càng phụ thuộc vào nhập khẩu than để sản xuất điện. Về môi trường, sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong ngành điện lực, chủ yếu điện đốt than, là nguyên nhân chủ yếu gây ra phát thải khí nhà kính trong tương lai. Trong đó, theo tính toán của các nhà KH, Việt Nam sẽ phát thải 7.4 tấn carbon dioxide theo đầu người vào 2030.

Các chính sách mới nhằm xanh hóa điện năng

Để giảm phát thải khí nhà kính, đáp ứng mục tiêu xanh hóa điện năng, cho đến nay, Việt Nam đã lập kế hoạch cho một số chính sách sách mới về điện nhằm đáp ứng mục tiêu cắt giảm 25% phát thải quốc gia. Cụ thể, Năm 2015, Việt Nam thỏa thuận các Mục tiêu phát triển bền vững và “Kết quả Paris” về Hội nghị các bên tham gia Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) và đưa ra Chiến lược Phát triển năng lượng tái tạo đến 2030, với tầm nhìn đến 2050.

Các chính sách này dự kiến, các mục tiêu về điện gió không thay đổi so với hiện nay, sẽ giảm nhập khẩu các nguồn nhiên liệu không tái tạo được như than đá, hoãn các kế hoạch về điện hạt nhân. Dự kiến chỉ tăng một chút sản lượng thủy điện và bổ sung mạnh các mục tiêu về điện mặt trời, cho đến 2050, điện mặt trời chiếm 20% tổng sản lượng điện toàn Việt Nam. Theo đánh giá của Cơ quan phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam, nếu được thực hiện nghiêm túc, các chính sách này chắc chắn sẽ cắt giảm đáng kể các mức phát thải khí nhà kính của Việt Nam vào năm 2030 và góp phần thực hiện được công ướng khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.

Tiềm năng điện mặt trời

Điện mặt trời có lợi thế rất lớn so với các nguồn năng lượng hóa thạch bởi nó rất ít tác động tiêu cực đến môi trường, sức khỏe hoặc sinh kế người dân, góp phần giảm phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng và có chi phí ban đầu rất thấp. Với đặc trưng giá thành thấp nhất (ở những nước có điều kiện thuận lợi, điện mặt trời quy mô lớn có chi phí trung bình chỉ khoảng 6 – 7 cent Mỹ/ kWh, thấp hơn các chi phí điện đốt than, khí và thủy điện hiện nay ở Việt Nam), các dự án điện mặt trời có thể giúp các cộng đồng vùng sâu, vùng xa và hải đảo, các doanh nghiệp có khả năng cải thiện nguồn cung cấp điện và giảm chi phí tiền điện.

Các chuyên gia của UNDP Việt Nam nhấn mạnh lợi thế của quang điện mặt trời và khuyến nghị các biện pháp nhằm thúc đẩy phát triển năng lượng. Cụ thể, UNDP khuyến nghị cần hỗ trợ tài chính cho các hệ thống quang điện mặt trời độc lập cũng như hoà lưới ở các vùng sâu và hải đảo, đồng thời có các chính sách ưu đãi nhằm giảm chi phí đầu tư vào các nhà máy quang điện mặt trời, hệ thống điện mặt trời trên nóc nhà và các hệ thống quang điện mặt trời phục vụ cộng đồng.

Ông Bakhodir Burkhanov, Phó Giám đốc Quốc gia của UNDP tại Việt Nam cho biết, “Trên thế giới, công nghệ và đầu tư vào năng lượng tái tạo được đang thay đổi tích cực và nhanh chóng; Việt Nam cần tiếp cận và tận dụng những đổi mới công nghệ này. Việt Nam cần có chính sách và hướng dẫn cụ thể nhằm khuyến khích việc áp dụng giao thông điện, túi ủ khí sinh học và lắp đặt các tấm quang điện mặt trời trên nóc nhà”.

Theo tiasang.com.vn