Thứ ba, 05/11/2024 | 21:57 GMT+7
Theo kết quả đánh giá tiềm năng gió của Ngân hàng Thế giới, năm 2001, thông qua một nghiên cứu được thực hiện cho bốn quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam được xác định là quốc gia có tiềm năng gió lớn nhất so với các nước trong khu vực như Lào, Campuchia và Thái Lan. Tiềm năng năng lượng gió của Việt Nam được ước tính vào khoảng 513,360 MW, cao hơn gấp 6 lần so với tổng công suất dự báo của ngành điện vào năm 2020. Trong đó, những khu vực hứa hẹn nhất cho phát triển điện gió chủ yếu nằm ở các vùng ven biển và cao nguyên Nam Trung Bộ và miền Nam của Việt Nam. Cũng theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, ước lượng khoảng 8,6% tổng diện tích lãnh thổ của Việt Nam có tiềm năng gió với mức từ cao đến rất cao, phù hợp cho việc triển khai tuabin gió cỡ lớn, với tốc độ gió trên 7m/s.
Theo tính toán của TS Phạm Thu Hà - Đại Học Bách khoa Hà Nội, trong giai đoạn 2005-2030, nhu cầu năng lượng của nước ta sẽ tăng 4 lần, trong khi nhu cầu điện tăng 10 lần/năm đến năm 2925 - một trong những nguyên nhân khiến Chính phủ lập Tổng sơ đồ phát triển năng lượng tái tạo dài hạn. Trong trường hợp phát triển điện gió, Việt Nam có tiềm năng gió cao so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Tổng tiềm năng năng lượng gió là 1.705 MW. Tốc độ gió trung bình ở khu vực có gió tốt là 6m/s ở độ cao 60 mét. Tiềm năng gió cao hơn ở miền Trung và miền Nam, đặc biệt ở Tây Nguyên, hải đảo và các khu vực ven biển, tương ứng khoảng 880MW và 855MW. Ở miền Bắc tiềm năng gió thấp hơn, chỉ khoảng 50MW.
Năng lực cạnh tranh
Thời điểm hiện tại, phong điện có nhiều lợi thế cạnh tranh với với các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hoá thạch, hay thuỷ điện lớn, hơn nhà máy điện sử dụng năng lượng mặt trời. Ước tính chi phí đầu tư khoảng 2 đến 2,5 triệu USD cho 1MW công suất đặt. Hiện nay, công suất đặt của điện gió là 30MW tương đương dưới 1% so với tổng công suất của hệ thống điện Việt Nam.
Thực tế, giá carbon cao là một trong những động lực chính thúc đẩy sự phát triển của điện gió và ngược lại, giá carbon thấp là một trong những yếu tố chính kéo lùi những nỗ lực phát triển điện gió, cũng như phát triển năng lượng mới và tái tạo. Với giá carbon 30USD/tấn CO2 quy đổi như hiện nay, điện gió có khả năng cạnh tranh với các dạng năng lượng hoá thạch khác. Tính cạnh tranh này giảm mạnh khi giá carbon giảm xuống dưới mức 20USD/tấn CO2 quy đổi.
TS Phạm Thu Hà dẫn chứng trường hợp Nhà máy Phong điện 1, tại xã Bình Thạnh và Phú Lạc, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Với công suất đặt 30MW, tổng mức đầu tư 70 triệu USD. Sản lượng điện hàng năm là 85 triệu kWh. Giá bán điện là 6 cent/kWh, giá bán carbon là 30 USD/tấn CO2. Lượng carbon hàng năm có thể bán là 85.000 tấn. Chi phí O&M hàng năm dự tính là 1% so với tổng vốn đầu tư. Tuổi thọ giả định là 25 năm.
Tính toán phương án cơ sở, ta có NPV (10%, 25 năm) là -30,06 triệu USD, chưa tính lợi ích từ bán carbon, nên chưa có hiệu quả. Giá thành sản xuất khoảng 9,896cent/kWh, chưa có khả năng cạnh tranh với các loại năng lượng hoá thạch khác.
NPV (10%,25 năm) là -6,91 triệu USD, tính thêm lợi tích từ bán carbon. Lợi ích này hàng năm là khoảng 2,55 triệu USD và tính cho 25 năm là 23,15 triệu USD, cũng vẫn chưa có hiệu quả. Dù vậy, việc bán được CO2 giúp cải thiện đáng kể tính hiệu quả của dự án.
TS Hà chỉ rõ “giá bán điện có thể ảnh hưởng lớn đến hiệu quả dự án”. Hệ số đàn hồi là 1,54. Ảnh hưởng đồng biến. Khi giá bán điện tăng đến 7,8 cent/kWh, như cam kết của cơ chế thúc đẩy điện gió phát triển, thì điện gió hoàn toàn có khả năng cạnh tranh với các dạng năng lượng khác, nếu tính đến ảnh hưởng lợi ích từ việc bán CO2 là 23,15 triệu USD.
Gần đây trên thị trường thế giới có những diễn biến bất lợi cho sự phát triển của điện gió, giá CO2 giảm mạnh. Nhưng nếu giá bán CO2 giảm, khả năng cạnh tranh của phong điện sẽ bị suy giảm đáng kể. Hệ số đàn hồi là 3,35. Ảnh hưởng đồng biến. Với mức giá từ 25 USD/tấn CO2, TS Hà nói “điện gió hoàn toàn có khả năng cạnh tranh”.
Nguồn năng lượng bền vững
5 năm qua, những bước đầu tiên, khuyến khích điện gió phát triển đã được thực hiện. Khung thể chế cho phát triển điện năng lượng tái tạo đang được xây dựng. Mục tiêu phát triển điện gió là 5% trong tổng sản lượng điện vào năm 2020 và 11% vào năm 2050. Một nội dung chính của cơ chế khuyến khích được phê duyệt để thúc đẩy phát triển điện gió là giá điện quy định (FIT), bằng 7,8cent/kWh. Trong đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có nghĩa vụ mua điện từ các dự án điện gió ở mức giá 6,8cent/kWh. Bù giá từ ngân sách nhà nước cho chủ đầu tư dự án điện gió là 0,1 cent/kWh, từ Quỹ bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, TS Phạm Thu Hà cho rằng có nhiều việc phải làm, đặc biệt là những giải pháp cụ thể, để năng lượng gió có thể đóng vai trò quan trọng trong phát triển năng lượng bền vững trong tương lai.
Phát triển điện gió đóng vai trò quan trọng trong phát triển bền vững, cũng như sẽ mang lại nguồn lợi kinh tế rất lớn cho các địa phương trên cả nước. Thông qua việc phát triển điện gió, kết cấu hạ tầng khu vực cũng sẽ được đầu tư xây dựng đồng bộ và hiện đại, với tốt độ rất nhanh. Các dự án nhỏ và phân tán sẽ đóng vai trò quan trọng trong chương trình điện khí hoá nông thôn. Việc sử dụng năng lượng gió để phát điện không làm cạn kiệt các nguồn tài nhiên thiên nhiên, cũng không làm biến đổi các đặc tính cuả không khí sử dụng. Trong cung cấp điện năng, phong điện là nguồn cung ứng linh hoạt bởi khả năng điều chỉnh công suất. So với nhiệt điện, phong điện cung cấp một ngành năng lượng sạch, hầu như không phát thải gây hiệu ứng khí nhà kính.
Hiện nay, khi các công nghệ sản xuất điện từ nhiên liệu hoá thạch về cơ bản đã đến điểm bão hoà về khả năng phát triển, cải thiện công nghệ, thì công nghiệp sản xuất điện gió được xem là công nghệ mới tái tạo, đang thực hiện những bước đi ban đầu, còn khá nhiều tiềm năng cải thiện.
Trong mối quan hệ giữa sản xuất điện với phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, những gì điễn ra trong xu thế phát triển toàn cầu đã chứng minh cách làm chủ quan, nóng vội, thiếu cân nhắc trong đánh giá tác động môi trường đều phải trả giá quá đắt cho những thảm họa khôn lường của những năm sau. Phong điện còn rất nhiều tiềm năng nhưng để cho loại năng lượng sạch này có thể đi vào cuộc sống cần có những chế tài hữu hiệu. Trước mắt, cần thực hiện cam kết trong cơ chế phát triển sạch là EVN cam kết mua điện ở giá 6,8cent/kWh, thêm 1cent/kWh từ quỹ phát triển sạch. Việc phát triển phong điện bên cạnh ý nghĩa về kinh tế còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về môi trường. Nguồn năng lượng sạch sẽ giúp người dân nước ta cải thiện được môi trường sống, quan trọng hơn, ít phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hoá thạch, hoặc thuỷ điện.
Hà Nguyễn (theo nangluonvietnam.vn)