Thứ sáu, 22/11/2024 | 23:58 GMT+7
Tại Quy hoạch Điện VII hiệu chỉnh, Chính phủ sẽ điều chỉnh mức sử dụng nhiệt điện than cho phù hợp bằng việc cắt giảm từ 5.000 – 7.000 MW.
Phát biểu tại Quảng Ninh nhân dịp phát điện thương mại Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 1 ngày 16/1, Phó Thủ tướng Chính phủ – Hoàng Trung Hải cho biết, ngành Điện nước ta hiện nay đã có những bước phát triển vượt bậc, đã đảm bảo cung cấp điện cho yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội với chất lượng và độ tin cậy cung cấp điện ngày càng được cải thiện, nâng cao.
Cho đến nay, tổng công suất đặt nguồn điện của Việt Nam đã đạt trên 38.800MW, phụ tải điện cực đại đạt gần 26.000MW, hệ thống điện quốc gia đã có dự phòng công suất mặc dù vẫn chưa đều cho các miền; điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện quốc gia năm 2015 đạt 159,4 tỷ kWh, tăng 11,23% so với năm 2014, tốc độ tăng điện thương phẩm giai đoạn 20 năm qua luôn ở mức cao nhất trong khu vực và trên thế giới, bình quân đạt 13,8%/năm (GDP tăng bình quân 6,7%/năm).
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ: Trong quy hoạch điện lực quốc gia, Việt Nam duy trì việc sử dụng nhiệt điện than đến 46% trong tổng sơ đồ, là mức bằng và thấp hơn mức sử dụng nhiệt điện than của thế giới hiện nay.
Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã triển khai điều chỉnh mức sử dụng nhiệt điện than cho phù hợp tại Quy hoạch Điện VII hiệu chỉnh, sẽ cắt giảm từ 5.000 – 7.000 MW nhiệt điện than. Đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư, các tổ chức kinh tế, cá nhân tham gia đầu tư vào năng lượng mới và tái tạo để đáp ứng nhu cầu điện trong dài hạn một cách bền vững, thân thiện môi trường.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải lưu ý, đối với những dự án phát điện sử dụng nguồn năng lượng than, trong quá trình khai thác vừa phải đảm bảo tính hiệu quả về kinh tế vừa phải đảm bảo mọi tiêu chí về môi trường. Công tác đảm bảo môi trường trong quá trình vận hành sản xuất luôn phải được quan tâm, chú ý thường xuyên, liên tục.
Tháng 12/2015, Việt Nam đã tham gia đàm phán về biến đổi khí hậu tại Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP 21) tổ chức tại Pháp.
Báo cáo đóng góp dự kiến cho quốc gia tự quyết định (INDC) cho Ban thư ký Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu của Việt Nam gồm: Hợp phần giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và hợp phần thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong đó, xác định lộ trình giảm nhẹ phát thải khí nhà kính giai đoạn 2021-2030 bằng nguồn lực trong nước, đến năm 2030 sẽ giảm 8% lượng phát thải so với kịch bản phát triển thông thường. INDC hiện là nhân tố chính để 195 nước cam kết giảm lượng phát thải khí nhà kính, giữ cho trái đất không tăng quá 20 độ C vào cuối thế kỷ 21 so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Theo Thiennhien.net