Thứ hai, 23/12/2024 | 17:32 GMT+7
Theo số liệu chính thức, trong năm 2015 Đan Mạch đã sản xuất được 42% điện năng từ các tua bin gió, phá kỉ lục thế giới về sử dụng phong năng.
Số liệu cho thấy mức tăng 3% so với năm 2014, vốn cũng là một năm kỉ lục của sản xuất điện gió Đan Mạch.
Bộ trưởng bộ năng lượng Đan Mạch, Lars Christian Lilleholt, cho rằng đây là một kỉ lục ấn tượng và phát biểu: “Hy vọng khi nhìn vào Đan Mạch, các nước khác sẽ thấy rằng có thể thực hiện các chính sách xanh nhờ nâng cao tỉ trọng năng lượng gió và năng lượng tái tạo, nhưng đồng thời vẫn đảm bảo được nguồn cung năng lượng và giá cả cạnh tranh.”
Tại hai vùng Jutland và Funen của Đan Mạch, lượng điện năng cung cấp đã vượt nhu cầu sử dụng của người dân trong vùng khoảng 60 ngày. Chuyên gia cố vấn người Đan Mạch, Carsten Vittrup cho biết: “Việc chúng tôi đang sản xuất thặng dư 16% ở các lưới điện phía Tây Đan Mạch cho thấy chúng tôi có thể thu lợi nhiều hơn từ việc xuất nhập khẩu điện.”
Một trong những nguyên nhân khiến Đan Mạch lập kỉ lục là do năm 2015 cũng là một năm nhiều gió. Nếu không phải do hai trạng trại gió ngoài khơi lớn tại Anholt và Horns Rev ngưng hoạt động thì gió đã có thể cung cấp 43,5% tổng năng lượng cho nước này.
Cụ thể, tuabin gió đã cung cấp 55% điện năng cho phía tây Đan Mạch và 23% cho phía đông.
Ngày cao điểm trong tháng 7, Đan Mạch đã sản xuất nhiều điện năng đến mức có thể đáp ứng được tổng nhu cầu cả nước và xuất khẩu 40% sang các nước lân cận. Thặng dư điện năng sản xuất từ năng lượng gió của Đan Mạch hầu hết được bán cho Nauy, Thụy Điện và Đức. Trong khi đó nước này nhập khẩu thủy điện và điện mặt trời từ Đức.
Chính phủ Đan Mạch đang thẳng tiến trên con đường đạt mục tiêu sản xuất 50% điện năng từ gió vào năm 2050, dù rằng mục tiêu giảm thải khí carbon của nước nay có thể phải hạ thấp do khó khăn của doanh nghiệp.
Trước số liệu này, Hiệp hội năng lượng gió Châu Âu (Ewea) đã tiến hành kêu gọi xem xét lượng điện gió mà các hệ thống sãn xuất điện Châu Âu có thể tích hợp sử dụng. Hiệp hội cho biết: “Con số này cho thấy năng lượng gió có thể trở thành xương sống trong hệ thống điện ở các nước phát triển.”
Hạnh Nguyễn (Theo The Guardian)