Thứ tư, 06/11/2024 | 11:35 GMT+7

COOP 21 - Paris nghiên cứu giải pháp hiệu quả năng lượng trong GTVT

07/12/2015

Trên cơ sở nhận thức rằng giao thông vận tải là ngành có tốc độ tăng trưởng khí thải cao nhất trong nền kinh tế, Hội nghị khí hậu Paris (COP21) tập trung tìm kiếm những giải pháp để hạn chế mức phát thải khí nhà kính cũng như tăng cường hiệu quả sử dụng nhiên liệu cho lĩnh vực này.

Trên cơ sở nhận thức rằng giao thông vận tải là ngành có tốc độ tăng trưởng khí thải cao nhất trong nền kinh tế, Hội nghị khí hậu Paris (COP21) những ngày này đang tập trung tìm kiếm những giải pháp để hạn chế mức phát thải khí nhà kính cũng như tăng cường hiệu quả sử dụng nhiên liệu cho lĩnh vực này. Nhiều chương trình, dự án, kế hoạch hành động đã được đưa ra và thảo luận. Dưới đây là 4 chương trình hành động tiêu biểu nhận được sự quan tâm và đồng thuận của đa số các nước tham dự hội nghị:

1. Sáng kiến tiết kiệm nhiên liệu toàn cầu (GFEI):

Các nước tham gia GFEI cam kết rằng sẽ thiết lập chính sách và hệ thống quy phạm pháp luật tiêu chuẩn và nghiêm ngặt về hiệu quả năng lượng và phát thải khí nhà kính, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để đạt được mục tiêu tăng gấp đôi mức hiệu quả năng lượng của toàn bộ xe hơi lưu hành trong nội bộ quốc gia mình vào năm 2050, tương đương với giảm phát thải 30 tỷ tấn CO2. So với năm 2014, số nước ký GFEI đã tăng thêm 40 nước, đưa tổng số quốc gia cam kết lên 65. Dự kiến, đến năm 2016, con số này sẽ tiếp tục tăng và đạt 100 nước.

2. Tuyên ngôn Paris về xe hơi chạy điện và biến đổi khí hậu:

Ngày 3 tháng 12, Tuyên ngôn Paris về xe hơi chạy điện và biến đổi khí hậu, cùng lời kêu gọi hành động của chương trình đã được diễn ra với sự tham gia của hàng trăm công ty ô tô trên toàn thế giới. Trong lời kêu gọi hành động của Tuyên ngôn Paris, Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) khẳng định để có thể hạn chế tình trạng nóng lên của Trái Đất, từ nay đến năm 2030, 20% tổng số phương tiện giao thông lưu hành cần phải được "điện hoá", nghĩa là vận hành bằng điện thay vì xăng hay dầu diesel như hiện nay. Cơ quan này cũng khẳng định, sự chuyển đổi này sẽ đem lại nhiều lợi ích, trong đó có việc giảm mức tiêu thụ năng lượng cũng như sự phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu đang ngày càng khan hiếm. Nhiều tập đoàn lớn như Tesla Motor, Michelin hay Nissan-Renault đã bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ với lời kêu gọi hành động này.

3. Kế hoạch xe hơi đô thị bền vững MobiliseYourCity:

Trong khuôn khổ COP21, một chương trình mới có tên gọi MobiliseYourCity với mục tiệu cắt giảm 50-75% lượng khí thải giao thông đã được đưa ra. Theo đó, các thành phố sẽ nhận được hỗ trợ về vốn và kỹ thuật từ các nhà tài trợ để triển khai các sáng kiến về tiết kiệm năng lượng và hạn chế khí thải đối với xe hơi. Khác với Tuyên ngôn Paris về xe hơi chạy điện ở trên hướng đến các nhà sản xuất hay GFEI thuộc phạm vi điều hành của chính phủ trung ương với những quy định về pháp lý, MobiliseYourCity mở ra thế linh hoạt và chủ động cho các chính quyền thành phố trong việc thực hiện các sáng kiến hiệu quả năng lượng đa dạng hơn với một sự hỗ trợ nhất định về vốn. Ngay sau khi đưa ra, các đại biểu đến từ 100 thành phố thuộc 20 nước đang phát triển đã ký kết tham gia chương trình này. Các dự án thí điểm sẽ được tiến hành ngay trong năm 2016 tại 20 thành phố thuộc 13 nước châu Phi, Nam Á, Nam Mỹ và Trung Đông với mức hỗ trợ ban đầu là 5,5 triệu euro.

4. Kế hoạch hành động vận tải xanh toàn cầu:

Đây là chương trình được Liên minh Khí hậu và Không khí sạch (CCAC) đưa ra nhằm cung cấp một khuôn khổ toàn cầu về giảm thiểu mạnh mẽ khí thải, chất gây ô nhiễm đến năm 2025. Theo đó, việc sử dụng các nguồn nhiêu liệu sạch là giải pháp hàng đầu để tiết kiệm xăng, dầu, khí đốt và hạn chế lượng chất gây ô nhiễm phát thải ra môi trường. Tại COP21, đã có tổng cộng 26 quốc gia đăng ký tham gia kế hoạch này, cao gấp đôi con số tại Hội nghị Khí hậu New York năm 2014.

Anh Tuấn (Theo Newsroom)