Thứ tư, 06/11/2024 | 17:26 GMT+7

Tăng phí môi trường đối với khai thác khoáng sản

09/09/2015

Các đơn vị khai thác than đá sắp tới sẽ đóng mức phí môi trường cao nhất đến 14.000 đồng/tấn, tăng 4.000 đồng so với mức cao nhất đang áp dụng hiện nay là 10.000 đồng/tấn. Đây là nội dung dự thảo nghị định phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản vừa được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến ngày 4-9.

Các đơn vị khai thác than đá  sắp tới sẽ đóng mức phí môi trường cao nhất đến 14.000 đồng/tấn, tăng 4.000 đồng so với mức cao nhất đang áp dụng hiện nay là 10.000 đồng/tấn. Đây là nội dung dự thảo nghị định phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản vừa được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến ngày 4-9.

Lâu nay phí bảo vệ môi trường đối với than đá áp dụng theo nghị định 74/2011/NĐ-CP với mức phí từ 6.000 – 10.000 đồng/tấn than. Còn theo đề xuất của Bộ Tài chính, mức khung phí bảo vệ môi trường đối với các loại than đá sẽ tăng lên khung 6.000 – 14.000 đồng/tấn.

Đối với dầu thô, Bộ Tài chính đề xuất vẫn giữ nguyên mức phí môi trường như lâu nay, đối với dầu thô là 100.000 đồng/tấn, đối với khí thiên nhiên, khí than là 50 đồng/m3, riêng khí thiên nhiên thu được trong quá trình khai thác dầu thô (khí đồng hành) là 35 đồng/m3.

Cũng theo dự thảo nghị định được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến, khung phí bảo vệ môi trường đối với một số khoáng sản kim loại khác cũng tăng như quặng sắt tăng từ khung 40.000 – 60.000 đồng/tấn lên 60.000 – 80.000 đồng/tấn, quặng vàng tăng từ khung 180.000 – 270.000 đồng/tấn lên 270.000 – 360.000 đồng/tấn, đất hiếm từ 40.000 – 60.000 đồng/tấn lên 60.000 – 80.000 đồng/tấn ...

Khai thác than tại mỏ than lộ thiên Hà Lầm, Quảng Ninh 

Các khoản phí này được dùng để tài trợ các biện pháp hạn chế tác động xấu tới môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản; khắc phục suy thoái, ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra.

Cần nhắc lại, theo điều 148 Luật bảo vệ môi trường năm 2014, tổ chức, cá nhân xả thải ra môi trường hoặc làm phát sinh tác động xấu đối với môi trường phải nộp phí bảo vệ môi trường. Mức phí bảo vệ môi trường được quy định trên cơ sở khối lượng chất thải ra môi trường, quy mô ảnh hưởng tác động xấu đối với môi trường; mức độ độc hại của chất thải, mức độ gây hại đối với môi trường.

Bộ Tài chính cho biết trong 3 năm gần đây, phí bảo vệ môi trường góp phần bảo đảm nguồn kinh phí cho các địa phương đầu tư trở lại nhằm khắc phục hậu quả môi trường do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra. Cụ thể số thu phí bảo vệ môi trường trong các năm 2012 là 2.137 tỉ đồng, năm 2013 là 2.495 tỉ đồng và năm 2014 đạt 2.571 tỉ đồng.

Trước đó, vào cuối tháng 8 vừa qua, ngay sau khi được thành lập vào ngày 29-8, Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam (VCEA) cho biết đang bắt tay soạn thảo văn bản trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất chính sách nâng giá mua điện từ nguồn năng lượng tái tạo, đồng thời đề xuất tăng mức phí môi trường áp vào việc khai thác than, dầu để ngăn chặn tình trạng khai thác cạn kiệt nguồn nhiên liệu hóa thạch.

Hiệp hội cho rằng nếu không sớm có giải pháp hạn chế khai thác nhiên liệu hóa thạch và nâng tỷ lệ năng lượng sạch thì môi trường sẽ ngày càng bị tàn phá. Thuế, phí đánh vào khai thác than, dầu hiện nay chưa đủ, trong khi tài nguyên ngày càng suy kiệt.

Dự kiến vào tháng 11-2015, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 74/2011/NĐ-CP ngày 28/5/2011 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản.

Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn