Thứ tư, 06/11/2024 | 19:27 GMT+7
Với quy mô dân số chiếm đến 50% dân số toàn cầu, châu Á có thể đóng vai trò đáng kể trong việc giảm thiểu mức tiêu thụ năng lượng. Đồng thời, thông qua đó thực thi các biện pháp hiệu quả năng lượng.
Một hội nghị với tên gọi "Tăng cường hiệu quả năng lượng ở châu Á thông qua quy trình sản xuất và tiêu thụ bền vững và tài chính xanh" đã được tổ chức tại Jakarta, Indonesia trong hai ngày 7 và 8 tháng 8 năm 2015.
Hội nghị đã thu hút trên 90 đại biểu đến từ nhiều quốc gia châu Á như Phillippines, Malaysia, Sri Lanka, Bhutan, Mongolia, Cambodia và Indonesia. Hội nghị đã thảo luận một cách kỹ càng và chi tiết về những phương thức và công cụ để giảm thiểu mức tiêu thụ năng lượng, cũng như những giải pháp tài chính để hỗ trợ quá trình thực hiện hiệu quả năng lượng trên toàn khu vực, thông qua chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm thực tế giữa các chính phủ, doanh nghiệp tư nhân, nhà khoa học ở châu Á.
Một trong những trọng tâm của hội nghị là thoả thuận về SCP mà theo đó, các quốc gia sẽ phải thực hiện một loạt các chính sách về dán nhãn năng lượng bắt buộc và tiêu dùng xanh. Điều này sẽ không chỉ mang lại hiệu quả đơn thuần về tiết kiệm năng lượng, mà quan trọng hơn là góp phần giảm phát thải khí nhà kính. Mặt khác, các biện pháp mang tính gián tiếp như tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức công chúng cũng được nhiều đại biểu quan tâm.
Ngoài những nội dung mang tính tổng quát như trên, hội nghị cũng rất chú trọng đến việc tìm hiểu các chính sách và kinh nghiệm triển khai trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng của từng nước. Cụ thể, khi thảo luận các quy định tài chính liên quan đến hiệu quả năng lượng, sáng kiến Cơ quan dịch vụ tài chính OJK của Indonesia và Phương án đầu tư sáng tạo của Thái Lan được coi là những mô hình mẫu mực cho các quốc gia khác. Cả hai chương trình này đều đưa ra những cơ chế hỗ trợ tài chính cực kỳ hiệu quả cho các sản phẩm tiêu dùng xanh.
Trong vấn đề chính sách và quy chế dành cho các thiết bị hiệu quả năng lượng, hội nghị đánh giá cao Phương án cấp phép quản lý năng lượng của Trung tâm năng lượng châu Á. Theo đó, các nhà quản lý năng lượng và người tiêu dùng cuối sẽ được chứng nhận nhằm nâng cao hiệu quả năng lượng. Một sáng kiến khác cũng thu nhận được sử đánh giá cao của hội nghị là kế hoạch dán nãn năng lượng cho thiết bị điện gia đình của Indonesia.
Bên cạnh đó, kinh nghiệm của Nhật Bản lại là một điển hình về việc kết hợp hài hoà giữa hai mục tiêu hiệu quả năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính, thông qua Phương pháp buôn bán khí thải Tokyo (TES) và Cơ chế tham gia tín dụng (JCM).
Trong lĩnh vực này, Indonesia cũng gây được tiếng vang với bộ Nguyên tắc Công nghiệp xanh, trong đó yêu cầu bắt buộc các doanh nghiệp phải sử dụng hiệu quả các nguồn lực bằng công nghệ tiêu tốn ít năng lượng và hạn chế phát thải khí các-bon. Nước này cũng đang phối hợp với Chương trình môi trường Liên hợp quốc xây dựng bộ tiêu chuẩn sản phẩm xanh để đánh giá tốt hơn hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp.
Liên quan đến vấn đề công nghệ, nhiều mô hình sản xuất mới hiệu quả năng lượng đã được đưa ra. Trong khi Malaysia, Nepal, Sri Lanka, Cambodia và Indonesia tập trung phát triển công nghệ chuyển hoá chất thải năng lượng để tận dụng tối đa nguồn phụ phẩm nông nghiệp và tạo thêm việc làm cho người dân nông thôn, Philippines lại nhấn mạnh đến công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất công nghiệp với mô hình nhà máy đường kiểu mới hạn chế phát thải 12 nghìn tấn khí các-bon mỗi năm.
Trong phiên cuối của hội nghị, vấn đề vai trò của các bên liên quan, đặc biệt là chính phủ, trong việc hỗ trợ công tác hiệu quả năng lượng cũng được thảo luận sôi nổi. Nhiều báo cáo kinh nghiệm về các cơ quan hỗ trợ chính sách quốc gia (NPSC) từ Indonesia, Bhutan, Sri Lanka và Philippines đã được trình bày. Đáng chú ý có kinh nghiệm làm việc với các gia đình trẻ thuộc tầng lớp trung lưu thành thị ở Indonesia, Đề án phát triển công nghiệp xanh ở một số thành phố trọng điểm của Bhutan và bản đồ đường phố hiệu quả năng lượng của Philippines.
Anh Tuấn (Theo Climate and Development Knowledge Network)