Thứ sáu, 22/11/2024 | 11:30 GMT+7

Giải pháp cho xu hướng năng lượng xanh tại Việt Nam

06/08/2015

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25-9-2012.

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25-9-2012.

 
Để thực hiện chiến lược này, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020, bao gồm bốn chủ đề chính là: (1) Xây dựng thể chế và kế hoạch tăng trưởng xanh tại địa phương; (2) Giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; (3) Thực hiện xanh hóa sản xuất; và (4) Thực hiện xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững.
 
Hiện trạng và tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo
 
Theo báo cáo của Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 3 (PECC3), tiềm năng công suất về năng lượng gió trên đất liền của Việt Nam là 21.500 MW, trong khi hiện tại toàn quốc chỉ có ba nhà máy đang vận hành với tổng công suất 52 MW, chưa đầy 0,25% so với tiềm năng.
 
Trong khi đó, với nguồn bức xạ và thời gian nắng dài tại miền Trung và miền Nam, nếu có chính sách tốt, chỉ cần một nửa số hộ dân tại TPHCM lắp đặt 1 kWp/hộ, thì đã có thêm 1.000 MW công suất điện mặt trời. Đó là chưa tính đến tiềm năng lắp đặt tại các tòa nhà, công sở, cơ sở công nghiệp, các vùng đất trống… và tính ra toàn quốc thì tiềm năng phát triển điện mặt trời cực kỳ lớn. Tuy vậy, đến nay chỉ mới chưa đầy 1 MW công suất lắp đặt điện mặt trời trên toàn lãnh thổ Việt Nam, theo một báo cáo tổng hợp của ông Trịnh Quang Dũng tháng 5-2015.
 
Về năng lượng sinh khối (biomass), chỉ riêng về trấu thì tiềm năng lý thuyết phát điện cho 9 triệu tấn trấu trên toàn quốc hiện nay đã là 4.800 MW, nhưng hiện nay chưa có nhà máy nhiệt điện trấu nào vận hành. Hiện có 40 nhà máy đường sử dụng bã mía để đồng phát nhiệt và điện nhưng chỉ có sáu nhà máy trong số đó bán điện lên lưới quốc gia với tổng công suất lắp đặt 88,5 MW, theo số liệu của GIZ năm 2014. Là một nước nông nghiệp phát triển, nhưng việc sử dụng các phụ phẩm nông nghiệp như rơm, trấu, vỏ đậu phộng, vỏ cà phê, vỏ hạt điều, phế thải sau thu hoạch mía, bắp… vẫn chưa hiệu quả.
Năng lượng sinh học (biogas) quy mô nhỏ đã được phát triển và sử dụng tốt ở các hộ gia đình và tại một vài nhà máy xử lý nước thải thu hồi khí sinh học. Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy thời điểm năm 2009, lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị là 19 triệu tấn/năm, và gia tăng hàng năm với tốc độ 10%. Tiềm năng phát điện từ đốt rác khoảng hơn 200 MW, nhưng đến nay chưa có nhà máy đốt rác phát điện nào tại Việt Nam vận hành. Duy nhất tại bãi chôn lấp rác Gò Cát (TPHCM) có nhà máy phát điện từ khí thải bãi rác, công suất 2,4 MW nhưng vận hành không ổn định vì đã qua thời kỳ cao điểm tạo khí.
 
Hiện trên cả nước có 98 bãi chôn lấp rác, không kể 458 bãi rác quy mô nhỏ khác. Tuy nhiên, chỉ có 16/98 bãi chôn lấp được thiết kế đúng quy chuẩn, còn lại hầu hết các bãi chôn lấp khác không được đầu tư bài bản, vẫn còn các bãi rác lộ thiên không hợp vệ sinh, luôn tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm đất, nguồn nước, không khí. Việc cải thiện môi trường tại các bãi rác này đồng thời với thu gom khí thải bãi rác để phát điện cũng sẽ tạo ra nguồn điện năng rất lớn nhưng hầu như chưa được quan tâm thực hiện.
 
Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, gồm điện gió, điện sinh khối, điện từ rác thải, và sắp tới là điện mặt trời. Tuy vậy, việc đầu tư phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam vẫn đang diễn ra rất chậm, và nút thắt lớn nhất vẫn là giá mua điện thấp từ năng lượng tái tạo. Giá mua cao nhất cho nguồn điện từ năng lượng tái tạo là các dự án đốt rác phát điện với 10,05 xu Mỹ/kWh, tuy vậy lại chưa có quy hoạch về đốt rác phát điện tại các địa phương và quốc gia, chưa có khung giá về phí xử lý rác thải sinh hoạt như là một nguồn thu khác cho các dự án đốt rác phát điện.
 
Trong khi đó, giá mua điện từ các nhà máy điện gió theo Quyết định 37/2011/QĐ-TTg là 7,8 xu Mỹ/kWh, cao hơn một chút là giá mua điện từ nhà máy điện gió gần bờ của Công ty Công Lý (Bạc Liêu) với 9,8 xu Mỹ/kWh. Tính trên bình diện chung so với quốc tế, mức giá mua điện từ các nhà máy điện từ năng lượng tái tạo tại Việt Nam chỉ đạt 50-70% so với kỳ vọng của các nhà đầu tư.
 
Làm sao phát triển đầu tư xanh và tiết kiệm năng lượng
 
Việc ưu tiên phát triển đầu tư xanh là một nội dung trong bốn chủ đề chính trong Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh, đó là thực hiện xanh hóa sản xuất. Trong một thời gian dài, chúng ta tập trung quá nhiều vào việc thu hút đầu tư và đặt mục tiêu tăng trưởng GDP cao mà không kiểm soát chặt chẽ nhu cầu và hiệu suất sử dụng năng lượng của các ngành công nghiệp cũng như các công nghệ sản xuất. Điển hình của việc này là phát triển ồ ạt các nhà máy xi măng, các nhà máy luyện thép là những ngành công nghiệp tiêu tốn rất nhiều năng lượng và tài nguyên. Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy chỉ riêng ngành xi măng và ngành thép đã sử dụng đến 20% tổng điện năng tiêu thụ trong tất cả các ngành công nghiệp tại Việt Nam.
 
Theo tính toán của Bộ Xây dựng, chỉ tính riêng ngành xi măng tại Việt Nam, khả năng thu hồi nhiệt để phát điện tự dùng tại nhà máy xi măng đã có tiềm năng công suất trên 200 MW, có thể đảm bảo tự cung cấp từ 20-30% nhu cầu sử dụng điện cho các nhà máy xi măng.
 
Chúng ta đã và đang triển khai Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nhưng việc thực hiện chưa thực chất, chưa đi sâu vào các giải pháp mang tính cải thiện và đổi mới công nghệ, mà chủ yếu chỉ mới tập trung vào các giải pháp quản lý nội vi, giải pháp quản lý và ít đầu tư. Để đẩy mạnh việc thực hiện tiết kiệm năng lượng một cách thực chất, cần có các cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư, nhất là các giải pháp về cải thiện và đổi mới công nghệ, cũng như xây dựng và tạo lập thị trường dịch vụ năng lượng để thu hút nguồn vốn đầu tư bên ngoài.
 
Rõ ràng, ưu tiên phát triển đầu tư xanh, lựa chọn những ngành kinh tế, lĩnh vực công nghiệp hoặc các công nghệ phát thải carbon thấp là lựa chọn thông minh để vẫn đạt mục tiêu tăng trưởng cao trong khi vẫn duy trì nhu cầu về năng lượng ở mức thấp, như cách mà Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản đang thực hiện rất thành công.
Tiềm năng tiết kiệm năng lượng còn rất lớn
 
Báo cáo của Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TPHCM tháng 3-2015 cho thấy, ngành thép có đến 30% doanh nghiệp có công nghệ lạc hậu, 40% doanh nghiệp có công nghệ ở mức trung bình, tổng cộng các doanh nghiệp này chiếm 75-80% công suất ngành thép Việt Nam. Trong ngành chế biến thủy sản và thực phẩm đông lạnh, khảo sát 250 doanh nghiệp tại TPHCM, Bến Tre, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Tháp, Long An thì chỉ có 38 doanh nghiệp thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng, nhưng chủ yếu tập trung vào các giải pháp đầu tư thấp, ít tiết kiệm như giải pháp về chiếu sáng, hoặc giải pháp quản lý không tiết kiệm điện như tránh sản xuất vào giờ cao điểm, chỉ có 6/250 doanh nghiệp đầu tư vào cải tiến hệ thống lạnh.
 
Trong ngành gạch gốm, khảo sát 125 doanh nghiệp tại Bình Dương, Long An và Bến Tre thì chỉ có 41 doanh nghiệp thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng nhưng cũng chủ yếu tập trung hệ thống chiếu sáng, 100% các doanh nghiệp không có điều kiện tài chính để đổi mới công nghệ… Từ đó có thể thấy rằng, tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp tại Việt Nam còn rất cao, trong đó có tiết kiệm điện năng, để giảm áp lực về nhu cầu phát triển nguồn điện.

Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn