Tại Diễn đàn các nhà cung ứng công nghiệp hạt nhân châu Á - Atomex Asia 2014 vừa diễn ra tại TPHCM trong hai ngày 19 và 20-11, mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Nga và Việt Nam trong việc thúc đẩy phát triển năng lượng hạt nhân tại Việt Nam được đề cập một cách cụ thể hơn ở nhiều khía cạnh: yêu cầu đối với nhà thầu, chính sách nội địa hóa, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường nhận thức cộng đồng về năng lượng hạt nhân.
Quang cảnh Diễn đàn các nhà cung ứng công nghiệp hạt nhân châu Á - Atomex Asia 2014 vừa diễn ra tại TPHCM.
Diễn đàn đã thu hút nhiều đơn vị trong ngành năng lượng và các nhà thầu trong nước trong bối cảnh Việt Nam đang hoàn tất các bước chuẩn bị để xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại tỉnh Ninh Thuận.
Theo ông Nguyễn Cường Lâm, Phó tổng giám đốc tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đơn vị được Chính phủ giao làm chủ đầu tư hai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2, mỗi nhà máy có hai lò phản ứng, công suất mỗi lò là 1.000 MW. Chính phủ đã lựa chọn Nga là đối tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Việt Nam thông qua một hiệp định hợp tác được ký kết vào tháng 11-2011. Nga là nước có bề dày kinh nghiệm xây dựng và vận hành các nhà máy điện hạt nhân và sở hữu các công nghệ lò phản ứng tiên tiến, đáp ứng các yêu cầu an toàn của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).
Theo ông Lâm, để triển khai xây dựng nhà máy điện hạt nhân và đảm bảo vận hành an toàn nhà máy, EVN cần thực hiện tốt và đồng bộ nhiều biện pháp bao gồm lựa chọn địa điểm an toàn, công nghệ tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực, thu xếp tài chính, cung cấp nhiên liệu, xử lý chất thải, sự chấp thuận của công chúng...
Tại diễn đàn Atomex Asia 2014, ông Nikolay Drozdov, Giám đốc Khối phát triển kinh doanh quốc tế của tập đoàn Năng lượng nguyên tử Rosatom (Nga), cho biết Rosatom sẽ giúp Việt Nam xây dựng các nhà máy điện hạt nhân an toàn, bền vững dựa trên kinh nghiệm xây dựng và vận hành 9 lò phản ứng tại Nga và 21 lò phản ứng tại các nước khác trên thế giới. Rosatom còn cung cấp 40% dịch vụ làm giàu uranium toàn cầu và cung cấp nhiên liệu cho 76 lò phản ứng hạt nhân tại 15 quốc gia.
Ông Nikolay Drozdov cho biết thêm: một số quốc gia trong khối ASEAN có kế hoạch phát triển điện hạt nhân trong tương lai gần như Thái Lan, Indonesia... hiện rất quan tâm đến kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân của Việt Nam. “Indonesia cũng đã xây dựng kế hoạch phát triển điện hạt nhân trong tương lai nhằm giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch. Hiện chúng tôi đã quy hoạch được ba khu vực có thể xây dựng các nhà máy điện hạt nhân. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam là quốc gia đi tiên phong trong việc ứng dụng năng lượng nguyên tử vào mục đích hòa bình”, ông Yarianto S Budi Susilo, Cục trưởng Cục Năng lượng hạt nhân Indonesia, cho biết.
Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1: Nội địa hóa 40%
Ông Nikolay Drozdov cho biết trong tháng 10-2014 vừa qua, Công ty Atomstroyexport (ASE) thuộc tập đoàn Rosatom đã hoàn thành và bàn giao báo cáo nghiên cứu khả thi dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 cho phía Việt Nam thẩm định.
Trong dự án này, Rosatom ưu tiên sử dụng các nhà thầu phụ Việt Nam. Theo ông Drozdov, dựa vào kinh nghiệm tại các dự án điện hạt nhân đang được Rosatom triển khai ở Ấn Độ và Trung Quốc, tỷ lệ nội địa hóa tại dự án nhà máy Ninh Thuận 1 có thể lên đến 40%. “Rosatom sẽ thẩm định năng lực và sẽ sử dụng tối đa các nhà thầu phụ địa phương, ưu tiên các nhà thầu Việt Nam có kinh nghiệm xây dựng các nhà máy thủy điện, nhiệt điện, nhà máy chế biến hóa chất...”, ông Drozdov nói.
Ngoài vai trò là nhà thầu chính xây dựng hai tổ máy dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1, Rosatom còn cam kết cung cấp nguồn nhiên liệu lâu dài cho nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam, thu hồi nguyên liệu đã qua sử dụng từ nhà máy, đào tạo nguồn nhân lực điện hạt nhân, đào tạo phát triển mạng lưới điện, tạo công ăn việc làm cho người dân ở khu vực xây dựng nhà máy.
Phát triển nguồn nhân lực năng lượng hạt nhân
Hiện tại, Việt Nam và Nga đã có chương trình hợp tác đào tạo nguồn nhân lực năng lượng hạt nhân với khoảng 70 sinh viên Việt Nam được đào tạo mỗi năm. Đến nay, Việt Nam có khoảng 340 sinh viên đang theo học ngành điện hạt nhân tại Nga. Riêng tại công trình nhà máy điện hạt nhân Rostov ở Nga đang có 150 công nhân Việt Nam tham gia xây dựng. Theo nhận định của các đối tác Nga, công nhân Việt Nam tại Nga có năng lực và kỷ luật lao động tốt.
Để cụ thể hóa nỗ lực hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực và ứng dụng công nghệ mới về năng lượng hạt nhân, trong tháng 10-2014 vừa qua, Công ty ASE và Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Vinatom) đã ký biên bản khung về dự án Trung tâm công nghệ và nghiên cứu hạt nhân.
Theo đó, phía Nga sẽ xây dựng một lò phản ứng hạt nhân công suất 15 MW và xung quanh đó là các tổ hợp phòng thí nghiệm cũng như có kế hoạch đào tạo nhân lực cho Việt Nam. Tổng vốn đầu tư cho dự án này khoảng 500 triệu đô la Mỹ do phía Nga tài trợ dưới hình thức cấp tín dụng. Dự kiến việc nghiên cứu khả thi dự án sẽ được ASE hoàn thành trong hai năm 2015-2016.
Theo ông Trần Chí Thành, Viện trưởng Vinatom, để phục vụ hai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2, Việt Nam cần tăng cường đào tạo về năng lượng hạt nhân, đẩy mạnh nghiên cứu có sự hợp tác với các trường đại học, viện năng lượng, viện khoa học công nghệ Việt Nam, chương trình nghiên cứu các lò phản ứng an toàn. Ông Thành cho rằng nguồn nhân lực chất lượng cao là chìa khóa để phát triển điện hạt nhân thành công.
“Với sự hỗ trợ của Rosatom, hy vọng Việt Nam sẽ có một trung tâm công nghệ và nghiên cứu hạt nhân tốt, có thể hỗ trợ cho cả các nước trong khu vực phát triển nguồn năng lượng hạt nhân. Ngay từ bây giờ, Việt Nam cần xây dựng một chương trình điện hạt nhân bền vững nếu không thì sẽ rất nguy hiểm”, ông Thành nói.
Ngoài ra, để thành công, các dự án điện hạt nhân cần nhận được sự chấp thuận cao từ phía cộng đồng, đặt biệt là những người dân sinh sống tại khu vực đặt nhà máy, theo ông Thành.
Theo Thời báo KT Sài Gòn