Chủ nhật, 03/11/2024 | 04:25 GMT+7
Ngày 16/9/2014, tại Hà Nội, Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) tổ chức Tọa đàm báo chí “Lời giải nào cho phát triển năng lượng bền vững ở Việt Nam”. Tham dự có các chuyên gia năng lượng hàng đầu của Việt Nam, nước ngoài, cùng đông đảo phóng viên đến từ các cơ quan báo chí, truyền thông. Mục tiêu của hội thảo nhằm cung cấp thông tin và kiến thức từ góc nhìn khoa học của các chuyên gia nhiều năm kinh nghiệm về vấn đề an ninh năng lượng của Việt Nam, đồng thời chia sẻ thông tin về các giải pháp năng lượng bền vững được ứng dụng thành công ở cấp cộng đồng.
Theo Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, chuyên gia về năng lượng: Việt Nam là nước có khá nhiều dạng năng lượng sơ cấp về cơ bản đảm bảo nhu cầu nặng lượng cho phát triển kinh tế – xã hội và dân sinh, trong những thập niên của thế kỷ 20 và thập niên đầu tiên của thế kỷ 21. Quy mô của các ngành năng lượng như điện, than, dầu khí đều vượt hơn hẳn 10 năm trước. Tuy vậy, việc tiêu thụ năng lượng lại tăng nhanh gấp 2 lần, đặt ra cho ngành năng lượng Việt Nam nhiều thách thức.
Bên cạnh đó, hiệu suất sử dụng năng lượng của Việt Nam còn thấp, các dạng năng lượng mới và năng lượng tái tạo chậm phát triển, đầu tư phát triển năng lượng còn thấp so với nhu cầu. Ý thức của xã hội trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả chưa cao. Việt Nam phát triển năng lượng chưa bền vững, nguy cơ không đảm bảo an ninh năng lượng ngày càng cao. Vấn đề giải quyết phát triển năng lượng với môi trường còn nhiều thách thức…
Tiến sĩ Đào Trọng Tứ, Liên minh Năng lượng Việt Nam cho rằng, hiện nhu cầu năng lượng của Việt Nam đang gia tăng mạnh mẽ, nếu như năm 2010 nhu cầu năng lượng là 48 triệu TOE, thì đến năm 2030 nhu cầu tăng lên trên 164 triệu TOE. Năm 2012 nhu cầu tiêu thụ than 46 triệu tấn, sẽ tăng lên 260 tấn vào năm 2025.
Toàn cảnh buổi tọa đàm
Trong khi đó, các nguồn nhiên liệu hóa thạch ngày càng cạn kiệt, nước ta sẽ phải nhập khẩu than từ năm 2015. Việt Nam vẫn chưa có quy hoạch tổng thể năng lượng cấp quốc gia, thiếu sự đồng bộ trong quy hoạch các ngành năng lượng, trong khi đó thủy điện gây nhiều tác động đến môi trường sinh thái… Chính vì vậy, chính sách hướng tới phát triển năng lượng bền vững, minh bạch, hiệu quả là hướng đi đúng đắn cho Việt Nam.
Ông Jakob Jespersen, Điều phối viên chương trình quốc tế, Tổ chức Năng lượng bền vững Việt Nam cũng đã chia sẻ kinh nghiệm về chính sách và quy hoạch phát triển năng lượng bền vững của Đan Mạch. Theo đó, trong suốt những năm 1990, xuất khẩu công nghệ năng lượng của Đan Mạch tăng gấp 3, nhà máy điện của Đan Mạch được đánh giá là một trong những nhà máy hiệu quả, linh hoạt và sạch nhất. Hiện giờ Đan Mạch là nước tự chủ về năng lượng, phát triển năng lượng gió quy mô lớn và triển khai thành công các chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đan Mạch cũng là nước xuất khẩu điện nhờ lắp đặt tuốc-bin gió và sản xuất điện than giá rẻ, tập trung tiết kiệm năng lượng trong hộ dân cư và giao thông.
Ông Jakob Jespersen nhận định: Việt Nam có nguồn năng lượng sơ cấp dồi dào, có thể sử dụng mà không cần nhập khẩu. Nguồn chất thải rắn lớn gây ra vấn đề về môi trường, nhưng đồng thời nó cũng là nguyên liệu được tận dụng để sản xuất điện, tuy chi phí lớn. Việt Nam cũng có nhiều thuận lợi để phát triển năng lượng xanh, năng lượng gió, năng lượng mặt trời, nhưng việc khai thác những nguồn tài nguyên này vẫn còn nhiều hạn chế.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà chuyên môn, khách mời cũng đã thảo luận đưa ra nhiều ý kiến, kiến nghị để phát triển năng lượng bền vững ở Việt Nam. Theo đó, Việt Nam cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng cường hợp tác, tìm kiếm và thăm dò các nguồn năng lượng sơ cấp, bao gồm việc mở rộng đầu tư, khai thác các nguồn năng lượng bên ngoài bằng các hình thức liên doanh, liên kết. Thực hiện triệt để hóa hệ thống giá năng lượng, cải cách hệ thống giá năng lượng, tiếp cận giá thị trường. Cần nâng cao hiệu quả và hiệu suất sử dụng năng lượng, đẩy mạnh các chương trình khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm. Khuyến khích sử dụng năng lượng mới và năng lượng tái tạo, thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào phát triển năng lượng, đẩy mạnh thị trường hóa năng lượng…
Liên minh Năng lượng Việt
Nam dưới sự điều phối của GreenID cũng đã thúc đẩy ứng dụng phương pháp lập kế
hoạch năng lượng địa phương, lần đầu tiên được thí điểm tại hai xã Bắc Hải, Nam
Cường của huyện Tiền Hải (Thái Bình) và đã đạt được một số thành công nhất định.
Đây là giải pháp nhằm thúc đẩy sự tham gia của người dân vào quá trình xây dựng
kế hoạch và sử dụng các nguồn năng lượng tại chỗ, các giải pháp sử dụng năng lượng
tiết kiệm, hiệu quả dưới sự hỗ trợ kỹ thuật của chuyên gia.
Theo Tin môi trường