Thứ sáu, 08/11/2024 | 05:44 GMT+7

Điện hạt nhân: Giải bài toán nguồn năng lượng

03/09/2014

Việc phát triển ĐHN không chỉ giải quyết được nguồn cung và giá điện năng ổn định, tránh phụ thuộc từ bên ngoài... Với công nghệ hiện tại, chúng ta có thể hoàn toàn yên tâm, vấn đề cần giải quyết hiện nay chính là khâu đào tạo vận hành.

Theo dự báo đến năm 2020, nhu cầu về điện năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của nước ta khoảng trên 360 tỷ kWh. Tuy nhiên theo tính toán, các nguồn cung vẫn còn thiếu hàng chục nghìn tỷ kWh, trong khi đó, việc phát triến các nguồn thủy điện, nhiệt điện, năng lượng tái tạo (trừ điện hạt nhân) đang gặp nhiều áp lực về nguồn cung và giá.

Áp lực chi phí

Với những nỗ lực của ngành điện, sản lượng điện sản xuất năm 2014 sẽ cơ bản đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, nó đang chịu sức ép từ chi phí giá thành sản xuất. Từ ngày 1/4/2014, giá bán khí cho sản xuất điện với lượng khí trên mức bao tiêu bằng 70% giá thị trường cộng với chi phí vận chuyển, phân phối. Đến ngày 1/10/2014, tăng đạt 90% và từ 1/1/2015, sẽ bằng 100% mức giá thị trường cộng với chi phí vận chuyển, phân phối. Gần đây nhất, giá than bán cho các nhà máy điện tăng thêm 74.000 đồng/tấn, xấp xỉ 5%... 

Với giá đầu vào gia tăng khiến chi phí tại các nhà máy nhiệt điện tăng cao. Nhiều chuyên gia nhận định, giá điện trước sau gì cũng phải tăng vì nếu không tăng thì nhà sản xuất điện sẽ bị lỗ. Đây là một thực tế mà chúng ta phải chấp nhận khi vận hành kinh tế theo cơ chế thị trường cạnh tranh.

d4676c903_inh_nha_may_dien_hat_nhan_tai_ninh_thuan_48016.jpg

Mô hình nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận

Bên cạnh áp lực về giá điện, nguồn cung trong tương lai cũng gặp khó khăn. Các dự án thủy điện, nhiệt điện đang đầu tư gặp nhiều khó khăn về vốn. Những nguồn năng lượng điện gió và năng lượng mặt trời, sinh khối... được coi là có tiềm năng, nhưng chi phí đầu tư quá đắt, cùng với những chính sách chưa đủ hấp dẫn khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại. Trên thực tế đã có nhiều nhà đầu tư đăng ký các dự án năng lượng tái tạo nhưng bỏ dở vì không khả thi, rồi lý do về giá, vốn…

Điện hạt nhân sẽ là lối ra

Tiến sĩ Lê Văn Hồng – Nguyên phó Viện trưởng Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam  - cho biết,  dù công nghệ điện hạt nhân  (ĐHN) đang phải đối mặt với nhiều thách thức,  nhưng vẫn là lựa chọn quan trọng của thế kỷ 21. Bởi lẽ, sau thủy điện, nhiệt điện chỉ có ĐHN mới đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng cho quốc gia, còn các nguồn năng lượng tái tạo khác vẫn là thứ yếu. Phát triển ĐHN sẽ mang lại nguồn năng lượng điện ổn định lâu dài, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội và góp phần giảm thiểu phát thải khí nhà kính, làm chậm quá trình nóng lên của khí hậu toàn cầu. Ngoài ra, còn thúc đẩy phát triển tiềm lực khoa học, công nghệ; các ngành công nghiệp liên quan như vật liệu, cơ khí, điều khiển học, xây dựng... phát triển.

Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nguồn tài nguyên dầu, khí, than không chỉ phục vụ cho phát điện mà còn cho nhiều ngành khác như: hóa dầu, giao thông vận tải, sản xuất công nghiệp... nhưng với tốc độ khai thác như vừa qua thì thời gian chỉ còn rất ngắn (dầu 40 năm, khí 65 năm, than 155 năm). Trong khi đó, nguồn nguyên liệu Uranium dùng cho ĐHN có thể sử dụng tối thiểu trong vòng 220 năm nữa.

Liên quan đến giá, ông Phan Minh Tuấn - Phó giám đốc Ban quản lý dự án ĐHN Ninh Thuận - cho rằng, giá của ĐHN hoàn toàn có thể cạnh tranh vì tính ổn định,  các nguồn năng lượng tái tạo khác đều bị phụ thuộc bởi yếu tố thời tiết và các yếu tố liên quan đến chi phí vận hành.

Theo Công Thương