Thứ ba, 05/11/2024 | 01:32 GMT+7

Phát triển năng lượng sinh khối vẫn còn nhiều thách thức

03/07/2014

Việt Nam là nước có tiềm năng lớn về năng lượng sinh khối. Song, việc phát triển nguồn năng lượng này, đặc biệt là điện sinh khối mới chỉ dừng ở quy mô nhỏ lẻ dù Chính phủ đã bắt đầu triển khai các biện pháp hỗ trợ.

Tiềm năng lớn về năng lượng sinh khối

Theo số liệu của Bộ Công Thương, tỷ lệ tăng trưởng nhu cầu năng lượng ở Việt Nam hiện tăng ở mức gấp đôi so với tỷ lệ tăng trưởng GDP. Trong khi đó, ở các nước phát triển, tỷ lệ này chỉ ở mức xấp xỉ 1. Trong vòng 10 năm từ 1998-2008, mức tiêu thụ điện của Việt Nam đã tăng gần 400%. Với đà này, nước ta sẽ trở thành nước nhập khẩu năng lượng vào năm 2015- 2016.

59bf2aefa_nl1.jpg

Việt Nam có nguồn năng lượng sinh khối dồi dào

Việt Nam là quốc gia có tiềm năng về năng lượng sinh khối rất lớn. Nếu biết tận dụng tốt nguồn năng lượng dồi dào này, Việt Nam sẽ giảm được phần nào giảm áp lực lên sự mất cân bằng cung-cầu năng lượng trong nước. Tuy nhiên, việc phát triển năng lượng sinh khối ở nước ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Theo Báo cáo Tổng kết khoa học kỹ thuật của Viện năng lượng năm 2005, tiềm năng sinh khối từ các nguồn như rừng tự nhiên, rừng thông, cây công nghiệp và cây ăn quả, phế liệu gỗ…ở nước ta vào khoảng 25 triệu tấn, tương đương với 8.780 triệu TOE. Tiềm năng phụ phẩm của nông nghiệp Việt Nam ở mức 53 triệu tấn, tương đương 12 triệu TOE.

Thực trạng sử dụng năng lượng sinh khối trong nước

Hiện, năng lượng sinh khối ở Việt Nam đang được sử dụng vào 2 mục đích chính là sản xuất nhiệt và sản xuất điện. Theo thống kê của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) năm 2006, năng lượng sinh khối cung cấp hơn 50% tổng năng lượng sơ cấp tiêu thụ cho sản xuất nhiệt tại Việt Nam. Đây là nguồn năng lượng chủ yếu phục vụ việc đun nấu tại các vùng nông thôn và sử dụng trong một số cơ sở sản xuất các sản phẩm truyền thống như gạch, ngói, gốm, sứ…

8562e45e6_nl2.jpg

Năng lượng sinh khối phục vụ chủ yếu cho việc đun nấu tại nông thôn

Trong lĩnh vực sản xuất điện, hiện nay, điện sinh khối của nước ta mới chỉ dừng ở quy mô sản xuất nhỏ và nội bộ trong một số nhà máy, đặc biệt là các nhà máy đường. Hiện có 41 nhà máy đường tại Việt Nam đã sử dụng bã mía để tự phục vụ sản xuất điện với công suất khoảng 150 MW. Ngoài ra, có 5 nhà máy mía đường lớn sản xuất điện thương phẩm với tổng sản lượng lũy kế xấp xỉ 100 triệu kWh.

Tuy nhiên, giá bán điện sinh khối thương phẩm thấp, ở mức khoảng 4 cents/ kWh (tương đương 800 đồng/ kWh) đang là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà với việc đầu tư sản xuất nguồn điện này.

Trước đó, Bộ Công Thương đã đề xuất giá bán điện từ bã mía là 6,1 cents/kWh, tăng 53% so với mức giá hiện tại, tương tự, giá bán điện từ trấu cũng được đề xuất khoảng 7,3 cents/kWH, tăng 83% so với hiện tại. Tuy nhiên, đề xuất này chưa được phê duyệt. 

Theo các nhà đầu tư điện sinh khối từ bã mía, mức giá bán điện cần đạt ít nhất 8 cents/kWh để có lãi do chi phí đầu tư một nhà máy điện bã mía cần khoảng 750.000 đến 1 triệu USD/MW. Như vậy, kỳ vọng về mức giá bán lẻ điện sinh khối trong nước ở mức 8-9 cents/kWh trong vòng từ 3-5 năm tới dường như là không thể. Vì vậy, cần nhiều hơn nữa sự hỗ trợ về giá của Chính phủ cho hoạt động sản xuất điện này.

Chính sách hỗ trợ phát triển điện sinh khối

Ngày 24-3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 24/2014/QĐ-TTg, có hiệu lực thi hành từ ngày 10-5-2014 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối tại Việt Nam. Theo đó, các nhà đầu tư được huy động vốn từ các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước để thực hiện các dự án sinh khối theo quy định của pháp luật.

Các dự án điện sinh khối được hưởng các ưu đãi về tín dụng đầu tư theo các quy định pháp luật hiện hành về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước.

f4f729938_nl3.jpg

Các nhà máy điện sinh khối được hưởng ưu đãi về tài chính của Chính phủ

Bên cạnh đó, dự án điện sinh khối được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định cho dự án; hàng hóa nhập khẩu là nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để phục vụ sản xuất của dự án theo quy định của pháp luật hiện hành về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Đối với các dự án đồng phát nhiệt điện (vừa sản xuất nhiệt - hơi vừa sản xuất điện), mức giá điện được EVN mua lại là 1.220 đồng/kWh (tương đương 5,8 cent/kWh). Với mức giá này đã cao hơn khoảng 2 cent đối với một số nhà máy đường sử dụng bã mía để phát điện hiện nay.

Trong khi đó, các dự án dùng nguyên liệu sinh khối chỉ sản xuất điện (không phải là đồng phát nhiệt - điện) sẽ được EVN mua điện theo “biểu giá chi phí tránh được áp dụng cho các dự án điện sinh khối”.

Đây được xem là nỗ lực của Chính phủ trong việc hỗ trợ phát triển điện sinh khối. nhằm đạt mục tiêu đạt 0,6% lượng điện phát trong năm 2020 và 1,1% vào năm 2030.


Hải Nhy