Thứ sáu, 08/11/2024 | 13:00 GMT+7
Doanh nghiệp lợi đơn lợi kép
Hệ thống quản lý năng lượng (HTQLNL) là công cụ tối ưu giúp các doanh nghiệp kiểm soát việc sử dụng năng lượng. Áp dụng hệ thống này, doanh nghiệp thu được nhiều lợi ích như giảm nguồn năng lượng sử dụng, giảm chi phí sản xuất, hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường góp phần nâng cao uy tín, tính cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.
ISO 50001: 2011 là công cụ đắc lực hỗ trợ doanh nghiệp thiết lập, áp dụng và duy trì HTQLNL
Tại Việt Nam, Luật sử dụng và tiết kiệm năng lượng hiệu quả đã được Quốc hội ban hành, có hiệu lực từ ngày 1-1-2011. Luật quy định các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm phải xây dựng, thực hiện kế hoạch sử dụng và tiết kiệm năng lượng hiệu quả hàng năm. Cũng trong năm 2011, Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) đã công bố tiêu chuẩn ISO 50001: 2011. Đây được đánh giá là công cụ đắc lực giúp các tổ chức, doanh nghiệp thiết lập, áp dụng và duy trì HTQLNL.
Tại buổi Hội thảo “Mô hình quản lý năng lượng tiêu biểu trong công nghiệp và tòa nhà theo tiêu chuẩn TCVN 50001: 2011” được tổ chức trong khuôn khổ Triển lãm Entech Hanoi 2014, các chuyên gia năng lượng nhận định, xây dựng HTQLNL là hoạt động cấp bách và cần thiết với các doanh nghiệp.
Theo đó, muốn xây dựng HTQLN, trước tiên các doanh nghiệp cần đánh giá thực trạng sử dụng năng lượng thông qua kiểm toán năng lượng. Sau đó, doanh nghiệp sẽ lựa chọn các biện pháp tiết kiệm năng lượng để áp dụng, cũng như xây dựng các ban, nhóm và bổ nhiệm cán bộ chuyên trách về quản lý năng lượng. Cuối cùng, doanh nghiệp cần đưa các hoạt động tiết kiệm năng lượng vào trong quy trình sản xuất và đánh giá kết quả thu được.
Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
Nhằm giúp DN xây dựng và áp dụng HTQLNL, Bộ Công Thương thông qua các chương trình, dự án đã xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ DN. Trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia về Sử dụng năng lượng và tiết kiệm hiệu quả giai đoạn 2012-2015, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ 30% chi phí đầu tư tiết kiệm năng lượng cho các doanh nghiệp (không quá 5 tỷ đồng/dự án). Nguồn vốn này trong thời gian qua cũng đã được bổ sung từ Chính phủ Đan Mạch với tổng giá trị gần 30 triệu USD. Song song với đó, Chương trình cũng dành ngân sách hỗ trợ các DN thực hiện kiểm toán năng lượng. Cụ thể, DN sẽ được hỗ trợ 50% chi phí kiểm toán năng lượng nhưng tối đa không quá 50 triệu đồng/ doanh nghiệp.
Bộ Công Thương đã chỉ đạo các Trung tâm tiết kiệm năng lượng của các tỉnh, thành phố hỗ trợ tư vấn, nhằm tháo gỡ vướng mắc trong quá trình xây dựng HTQLNL cho các doanh nghiệp. Trong đó, hai đơn vị hàng đầu là Trung tâm tiết kiệm năng lượng Hà Nội và TP. HCM có thể giúp doanh nghiệp xây dựng HTQLNL.
Một khóa đào tạo cán bộ quản lý năng lượng do Bộ Công Thương tổ chức
Bộ Công Thương cũng tiếp tục hỗ trợ đào tạo cán bộ quản lý năng
lượng cho các doanh nghiệp bằng việc tổ chức các khóa đào tạo cán bộ quản lý
năng lượng tại nhiều địa phương trên cả nước. Kết thúc khóa học, học viên được
kiểm tra kiến thức và cấp giấy chứng nhận Người quản lý năng lượng. Các doanh
nghiệp có thể đăng ký với các Sở Công Thương, các trung tâm TKNL, Trung tâm
Khuyến công để được tham gia đào tạo.
Danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm do Thủ tướng
ban hành ngày 1-8-2011, cả nước hiện có 1.190 cơ sở sử dụng năng lượng trọng
điểm. Ông Trịnh Quốc Vũ, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Tiết
kiệm năng lượng, Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương cho biết một danh sách
mới, cập nhật hơn về các doanh nghiệp tiêu thụ năng lượng trọng điểm đang
được hoàn thành. Danh sách này được xây dựng dựa trên thông tin từ mạng lưới
Sở Công Thương của các tỉnh. Dự kiến danh sách này sẽ được hoàn thành vào
cuối tháng 5- 2014 để báo cáo Chính Phủ. |
Đồng hành với Chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ Công Thương đã
phát động Chiến dịch Hiệu quả năng lượng với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Đan Mạch
và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC). Chiến dịch nhằm giúp các doanh nghiệp nâng
cao nhận thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với hoạt động
kinh doanh Các doanh nghiệp tham gia Chiến dịch sẽ nhận được sự hỗ trợ về kỹ
thuật và tài chính từ Bộ Công Thương, Đại sứ quán Đan Mạch và IFC.
Ngoài ra, các doanh nghiệp còn có cơ hội nhận được sự hỗ trợ về kỹ
thuật và tài chính từ các gói cho vay của các ngân hàng và tổ chức nước ngoài
như: Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) với khoản vay 100 triệu USD cho các nhà
máy xi măng, thép; Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) với khoản vay 50
triệu USD; Ngân hàng Thế giới (WB) cho vay từ 70-100 triệu USD cho các dự án
tiết kiệm năng lượng.
Riêng với dự án hỗ trợ của WB, tổ chức này dự kiến xây dựng một
chương trình cam kết tự nguyện. Theo đó, khi các doanh nghiệp cam kết thực hiện
các giải pháp tiết kiệm năng lượng một cách tự nguyện, không bắt buộc theo luật
thì Chương trình sẽ hỗ trợ tư vấn, kiểm toán năng lượng, xây dựng báo cáo đầu
tư xin hỗ trợ, vay vốn từ các tổ chức quốc tế để doanh nghiệp thực hiện các
cam kết đó.
Mức sử dụng năng lượng trong công nghiệp có thể lên tới 50% tổng
năng lượng sử dụng và có thể tạo ra những vấn đề về nguồn cung trong thời gian
tới. Sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, trong đó bao gồm xây dựng HTQLNL
hoàn thiện không chỉ giúp DN tiết kiệm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh mà còn
thể thiện trách nhiệm của DN đối với an ninh năng lượng, phát triển bền vững.
Hải Yến