Thứ sáu, 08/11/2024 | 17:42 GMT+7

An ninh năng lượng nhìn từ công nghiệp than

19/04/2014

Cụm từ “An ninh năng lượng” giờ đã không còn xa lạ với loài người.

Cụm từ “An ninh năng lượng” giờ đã không còn xa lạ với loài người. Khái niệm này rộng, mở và không đơn thuần là các nguồn cung cấp năng lượng (chủ yếu là dầu lửa, khí và than) được đảm bảo như những thập niên trước đây; mà còn được hiểu một cách toàn diện, bao quát hơn là phải đảm bảo khả năng ứng phó với các tình huống khẩn cấp phát sinh từ các nhân tố tự nhiên, kinh tế, chính trị bên trong và bên ngoài quốc gia.

Than vẫn cần

Dự báo nhu cầu điện của Quy hoạch Điện VII, tăng trưởng nhu cầu năng lượng của Việt Nam là 8,1-8,7% giai đoạn (2001-2020), trong đó năm 2020 là 330-362 tỉ kWh, năm 2030 là 695-834 tỉ kWh. Nhu cầu than riêng cho ngành điện vào năm 2020 với công suất các nhà máy điện than là 36 nghìn MW để sản xuất 154,44 tỉ kWh, sẽ tiêu thụ 67,3 triệu tấn than, năm 2030, là 171 triệu tấn than.

Việc khai thác than đảm bảo cho nhu cầu sản xuất điện hiện nay chủ yếu tập trung ở vùng Bể than Đông Bắc (trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh), ngoài ra có một số mỏ than ở các tỉnh Thái Nguyên, Lạng Sơn, Nông Sơn với sản lượng 46,98 triệu tấn; 48,28 triệu tấn và 44,33 triệu tấn, 42,85 triệu tấn than nguyên khai tương ứng với các năm 2010, 2011 và 2012, 2013. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2025-2030 cho thấy khả năng khai thác và chế biến than của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cũng chỉ đáp ứng được 40-50% nhu cầu than cho sản xuất điện, thực chất sản lượng than sẽ chỉ đủ cung cấp cho khoảng 12.000MW, nghĩa là sản xuất được không quá 72 tỉ kWh mỗi năm, kể cả đến những năm 2025-2030, do đó cho thấy Việt Nam sẽ sớm trở thành quốc gia nhập khẩu than trong giai đoạn sau 2020.

87dc5f973_ndphumy1.jpg

Nhà máy Nhiệt điện Phú Mỹ I

Thực tế hiện nay, toàn bộ sản lượng than khai thác từ 24 mỏ lộ thiên và 49 mỏ hầm lò, được phân bố chủ yếu tại tỉnh Quảng Ninh. Các mỏ đang được đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị và các kỹ thuật khai thác mỏ, đặc biệt là cơ giới hóa khai thác hầm lò đã góp phần tăng sản lượng và tiết kiệm chi phí. Đồng thời TKV đang nghiên cứu công nghệ khí hóa than ngầm, là một quy trình công nghệ nhằm chuyển đổi than từ dạng rắn thành dạng khí và cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện. Với công nghệ tiên tiến này, TKV có cơ hội mở rộng công tác thăm dò và khai thác trữ lượng than nằm từ độ sâu 300m xuống tới 1.200m so với mặt nước biển tại bể than Quảng Ninh và tại bể than Đồng bằng Sông Hồng với sự hợp tác của các nhà đầu tư nước ngoài.

Thách thức của an ninh năng lượng

Những rủi ro không lường trước khi thăm dò, đánh giá trữ lượng than ở độ sâu hơn 300m so với mực nước biển ở vùng than Đông Bắc và hơn -1.000m ở Đồng bằng sông Hồng do hạn chế về trình độ công nghệ thăm dò, phương pháp đánh giá (từ những năm 70 của thế kỷ trước) và kết quả là chi phí đầu tư lớn, sai số cao và độ tin cậy thấp;

Hạn chế về áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa công nghệ khai thác than bằng phương pháp hầm lò ở các tầng sâu, điều kiện địa chất phức tạp, thông tin không tin cậy; rủi ro về mất an toàn cho con người và công trình, thiết bị máy móc cao, dẫn đến năng suất thấp, giá thành than cao và không đảm bảo lợi hiệu quả đầu tư và lợi nhuận kinh doanh của các doanh nghiệp mỏ;

Nhu cầu về vốn đầu tư để phát triển và xây dựng mới các mỏ than hầm lò, và khai thác than Đồng bằng sông Hồng để tăng sản lượng than đáp ứng nhu cầu sản xuất điện trong giai đoạn 2010-2030 được đánh giá khoảng 50-80 tỉ USD, đây là một thách thức rất lớn đối với thị trường tài chính Việt Nam với quy mô nguồn vốn còn rất nhỏ và nhiều rủi ro đối với nhà đầu tư.

Ở Việt Nam, hiệu suất sử dụng năng lượng trong các nhà máy nhiệt điện chỉ đạt 28-32% (thấp hơn mức thế giới 10%), hiệu suất các lò hơi công nghiệp chỉ đạt khoảng 60% (thấp hơn mức trung bình của thế giới khoảng 20%). Do đó lượng than tiêu hao cho một đơn vị năng lượng của Việt Nam cao hơn nhiều không chỉ so với các nước phát triển, mà so cả với những nước trong khu vực. Đồng thời gây ra ô nhiễm môi trường và tăng phát thải khí nhà kính (GHG) tạo ra rủi ro cao về tính tuân thủ pháp luật và quy định về bảo vệ môi trường trong nước và quốc tế.

Nguyên tắc đầu tiên, đó là đa dạng hóa nguồn cung năng lượng nói chung và than nói riêng nhằm tạo ra thị trường than ổn định, bền vững cả về lượng và chất trong phạm vi quốc gia và quốc tế. Bên cạnh đó là khả năng hồi phục nhanh, trong hệ thống cung cấp than có khả năng chống lại những cú sốc hoặc tác động của khủng hoảng, bao gồm: năng suất các mỏ than dự phòng đủ lớn, các kho dự trữ than chiến lược theo chuỗi cung ứng than, nguồn cung thiết bị công nghệ đảm bảo.

Hiện tại, dầu mỏ, than và khí đốt vẫn là nguồn năng lượng chủ yếu đảm bảo an ninh năng lượng cho mọi quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, các nguồn tài nguyên này có nguy cơ cạn kiệt trong 50 năm tới. còn đối với các nguồn năng lượng mới (như gió, mặt trời, địa nhiệt…) vẫn chỉ ở mức dự án tiền khả thi. Do vậy, sức ép về thiếu hụt than đang và sẽ tiếp tục gia tăng đối với an ninh năng lượng Việt Nam trong thời gian tới.
 
Theo PetroTimes