Thứ bảy, 23/11/2024 | 04:00 GMT+7

Việt Nam: Nhiều giải pháp thu hút đầu tư vào ngành năng lượng

17/10/2013

Để đáp ứng nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước, Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều giải pháp khác nhau nhằm thu hút đầu tư vào ngành năng lượng.

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt - Nga lần thứ nhất vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, để đáp ứng nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước, Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều giải pháp khác nhau nhằm thu hút đầu tư vào ngành năng lượng.

f65acc9c6_download_46.jpg

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, hiện mức tiêu thụ năng lượng thương mại của Việt Nam khoảng 36 triệu tấn dầu qui đổi, riêng nhu cầu xăng dầu vào khoảng 17 triệu tấn. Theo dự báo, tổng nhu cầu năng lượng thương mại sẽ tăng trung bình khoảng trên 7% mỗi năm trong giai đoạn 2010 - 2025, trong đó nhu cầu điện sẽ tăng khoảng 15% mỗi năm.

Trong điều kiện giá dầu mỏ biến động khó lường do tình hình chính trị trên thế giới nhiều bất ổn, Việt Nam đã chủ động triển khai một số giải pháp để tăng cường thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực năng lượng như: tăng cường và đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư; đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng cho sản xuất điện và giao thông; đẩy mạnh chương trình tiết kiệm năng lượng và sử dụng hiệu quả năng lượng; thực hiện lộ trình giá năng lượng theo cơ chế thị trường; tăng cường dự trữ dầu thô và các sản phẩm dầu.

Cụ thể, ngoài thực hiện việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài… Hiện nay, Việt Nam đang tích cực tham gia các dự án nghiên cứu, thăm dò, đầu tư phát triển mỏ ở nước ngoài; thành lập các quỹ thăm dò khai thác trong nước và nước ngoài. Đặc biệt, Việt Nam rất chú trọng ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối …) bằng việc ban hành quy hoạch phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, đang xây dựng và hoàn thiện các cơ chế khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo nhằm đạt mục tiêu sản xuất 5% điện năng từ năng lượng tái tạo vào năm 2020 và 11% vào năm 2050. Bên cạnh đó, tập trung phát triển các nhà máy điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG). Dự kiến đến năm 2020, công suất nguồn điện sử dụng LNG khoảng 2.000 MW; năm 2030 khoảng 6.000 MW.

Đối với vấn đề phát triển năng lượng nguyên tử, một lĩnh vực hoàn toàn mới với Việt Nam. Trên cơ sở xem xét cẩn trọng các yếu tố có liên quan như an toàn, công nghệ, có chương trình phù hợp về phát triển các nhà máy điện hạt nhân, nhằm góp phần đảm bảo cung cấp nguồn điện trong tương lai. Phấn đấu đưa tổ máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam (hợp tác với LB Nga) vào vận hành năm 2020; đến năm 2030 nguồn điện hạt nhân có công suất 10.700 MW, sản xuất khoảng 70,5 tỷ kWh.

Nhằm khắc phục tình trạng sử dụng năng lượng lãng phí trong sản xuất công nghiệp, xây dựng dân dụng và giao thông, Việt Nam đã ban hành Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; đang triển khai rất tích cực Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm…

Từ những giải pháp cụ thể kể trên Thứ trưởng Trần Tuấn Anh rất tin tưởng Liên bang Nga và Việt Nam sẽ tìm thấy nhiều cơ hội hợp tác đầu tư phát triển ngành năng lượng mới, năng lượng tái tạo. Vì đây là lĩnh vực phù hợp với tiềm năng và mối quan tâm của cả hai quốc gia hiện nay.

Theo NangluongVietnam.vn