“Mặc dù môi trường đầu tư của Việt Nam đã được cải thiện sau nhiều năm nhưng để hút đầu tư Nhật Bản vào lĩnh vực năng lượng, cần thêm những cải thiện về giá” – ông Daito Michio, Tham tán phụ trách lĩnh vực năng lượng – Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đã chia sẻ như vậy.
Những dấu ấn
40 năm thiết lập quan hệ đối tác (1973-2013), Nhật Bản đã trở thành một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực năng lượng. Hiện Nhật Bản và Việt Nam đang có những hợp tác trong các dự án điện hạt nhân, thủy điện, nhiệt điện than, lọc hóa dầu… Đặc biệt, dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận là một trong những dự án hợp tác quan trọng trong lĩnh vực năng lượng đã được hai nước thông qua và cùng với Nga, Nhật Bản đã được tín nhiệm chọn là nhà cung cấp công nghệ cho dự án điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam. Bên cạnh đó, trong nhiều năm qua, Nhật Bản cũng hỗ trợ Việt Nam đào tạo nhiều lượt cán bộ phục vụ cho dự án này thông qua những chương trình hợp tác như: Chương trình giữa Tổ chức An toàn Năng lượng hạt nhân Nhật Bản (JNES) với Cục An toàn bức xạ và hạt nhân Việt Nam; Chương trình của Cơ quan năng lượng Nguyên tử Nhật Bản (JAEA) và Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam… Chương trình với JNES đã kéo dài liên tục trong 2 năm qua với nhiều khóa học về năng lượng nguyên tử. Chương trình của JAEA chú trọng đến việc đào tạo liên quan đến an toàn hạt nhân…Tính đến nay, các chương trình hợp tác giữa hai nước đã giúp đào tạo hàng trăm lượt cán bộ, đều là những cán bộ chủ chốt của dự án điện hạt nhân này.
Cùng với dự án điện hạt nhân đầu tiên, dấu ấn hợp tác năng lượng Việt Nam – Nhật Bản còn được ghi nhận qua nhiều dự án thuộc lĩnh vực tiết kiệm năng lượng (TKNL) như xây dựng cơ chế bù đắp tín dụng song phương (BOCM) cho phép DN Việt Nam vay vốn để thay đổi công nghệ TKNL; Hợp tác trong ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động môi trường và tiết kiệm năng lượng… Đặc biệt, trong năm tài khóa 2013, dựa theo đề nghị của Chính phủ Việt Nam, Chính phủ Nhật Bản đã cam kết cung cấp mới 12 dự án hợp tác kỹ thuật về TKNL, trong đó dự án tăng cường hệ thống và hoạt động về tiêu chuẩn và hợp chuẩn giai đoạn 2 được phía Nhật Bản đặc biệt quan tâm. Dự án này tại Việt Nam chính là việc áp dụng cơ chế nhãn năng lượng, dự kiến sẽ dán nhãn năng lượng tùy theo mức độ tiết kiệm năng lượng trên đồ điện gia dụng, máy móc văn phòng, xe cộ…
Giải “bài toán” giá điện
Mặc dù đã có nhiều dự án hợp tác về lĩnh vực năng lượng giữa hai nước nhưng thực tế, tiềm năng hợp tác về lĩnh vực này còn rất lớn. Chia sẻ về khả năng hút đầu tư Nhật Bản trong lĩnh vực năng lượng, ông Daito Michio cho rằng, thời gian qua, Việt Nam đã có những động thái tích cực trong việc hút nhà đầu tư cho lĩnh vực năng lượng. Tuy nhiên, “điểm nghẽn” lớn nhất trong việc hút đầu tư vào lĩnh vực này chính là giá năng lượng. So với các nước trên thế giới, giá năng lượng của Việt Nam hiện nay vẫn ở mức thấp và nhà đầu tư chưa nhìn thấy lợi nhuận khi đầu tư vào lĩnh vực này. “Nếu dưới góc nhìn của người sử dụng, giá điện càng rẻ càng tốt nhưng nếu về lâu dài, đây chưa hẳn là dấu hiệu tốt cho nền kinh tế. Bởi lẽ thời gian tới, khi kinh tế tăng trưởng, nhu cầu về điện chắc chắn sẽ tăng lên. Nếu giá điện không đủ sức hấp dẫn, nhà đầu tư sẽ không đầu tư vào lĩnh vực này, từ đó dẫn đến nguy cơ thiếu điện. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế và đời sống của người dân. Do đó, giá điện nên được quy định sao cho phù hợp để nhà đầu tư có thể yên tâm đầu tư vào lĩnh vực này” – ông Daito Michio cho hay.
Cùng với vấn đề giá, các nhà đầu tư Nhật Bản cũng mong muốn có thêm những cải thiện về môi trường đầu tư. Ông Daito Michio cho rằng, nhà đầu tư Nhật Bản rất quan tâm đến vấn đề an toàn và ổn định lâu dài cho sự đầu tư của mình tại Việt Nam. Do đó, Chính phủ nên có những sự bảo lãnh liên quan đến sự rủi ro do thay đổi cơ chế, thay đổi giá trị ngoại tệ, đồng thời làm tốt hơn việc giải phóng mặt bằng cho các dự án năng lượng. Đây cũng là những điều kiện quan trọng trong việc hút đầu tư Nhật Bản vào lĩnh vực này.
Theo Báo Kinh tế VN