Thứ ba, 26/11/2024 | 02:39 GMT+7

“Xanh” để thoát khủng hoảng!

24/07/2013

Trong vô số giải pháp thoát thai từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu nghiêm trọng hiện tại, người ta đang bàn đến “giải pháp xanh”.

Trong vô số giải pháp thoát thai từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu nghiêm trọng hiện tại, người ta đang bàn đến “giải pháp xanh”. Gần như mọi nguyên thủ nước lớn đều nhất loạt ủng hộ lời hiệu triệu từ Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon trong việc tìm đến “giải pháp xanh”, một giải pháp có thể giúp tái thiết và định hình lại kinh tế thế giới. Nghe có vẻ chẳng ăn nhập gì đến những con số nhảy múa trên các thị trường chứng khoán đang chao đảo lẫn sự rối ren bát nháo của thị trường vàng, tuy nhiên, những gì được biện dẫn lại hoàn toàn có sức thuyết phục!

Sự chọn lựa của thời đại

Từ những văn phòng thuê nằm trên một con đường yên tĩnh tại Paris, cách không xa tháp Eiffel, những nhà phân tích thuộc Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đang ngày đêm nghiên cứu những con số về sản lượng dầu cũng như mức độ khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Công việc chính của họ là khảo sát nguồn điện năng cung cấp cho 30 nước giàu thuộc Tổ chức Phát triển - Hợp tác kinh tế (OECD). Với sự “giễu cợt” thường xuyên của giá dầu và tình hình kinh tế thế giới long đong, từ lâu IEA đã kêu gọi sự thay đổi tận gốc rễ cách thế giới sử dụng xe hơi, cách nhà máy hoạt động và cách vận hành nền kinh tế thế giới nói chung - xét ở yếu tố năng lượng.

Cách đây không lâu, IEA đã tung ra báo cáo tổng hợp toàn diện với nội dung “một cuộc cách mạng toàn cầu cần được thực hiện theo cách năng lượng được cung cấp và sử dụng (như thế nào)”. Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện tại có thể khiến ảnh hưởng tốc độ triển khai chiến dịch “giải pháp xanh” khi nhiều nước bắt đầu thắt chặt hầu bao thời khốn khó. Tuy nhiên, càng chậm thực hiện “giải pháp xanh”, cuộc khủng hoảng càng kéo dài và càng sâu rộng. Nó không chỉ giúp phòng chống thảm họa thiên tai mà còn tạo động lực đưa cỗ xe kinh tế toàn cầu thoát khỏi vũng lầy hiện tại cũng như tạo ra nền tảng vững chắc và lâu bền cho ít nhất một thế hệ kế tiếp.

423f314b8_ee_renclean_wind_image1_turbine_1.jpg

Chính quyền bang Maryland (Mỹ) đã chuẩn y chương trình xây "cánh đồng gió” ngoài duyên hải

Thập niên 90 của thế kỷ trước đã chứng kiến sự trỗi dậy của Internet và nền kinh tế liên thông. Và rồi sự sụp đổ của các công ty dotcom đã giúp khu vực tài chính bùng nổ. Thế rồi tài chính cũng te tua nốt, như đang được chứng kiến. Vấn đề bây giờ là thế giới cần một động lực mới để kích thích tăng trưởng. Chẳng ai dại gì quẳng tiền đầu tư vào lĩnh vực tài chính nữa mà phải nên đầu tư vào kỹ thuật xanh - nhận xét của Oliver Schaefer, Giám đốc chính sách thuộc Hội đồng Năng lượng tái sinh châu Âu. Công nghiệp xanh được kỳ vọng nhiều đến mức Thủ tướng Nhật Taro Aso (hồi đương chức) gọi đó là “một cơ hội lớn cho tăng trưởng mới” và thề rằng: “Chúng tôi sẽ đạt đến một xã hội không bị ô nhiễm nặng bởi carbon, tương thích với sự phát triển chung của phần còn lại thế giới”. Bộ Công nghiệp - kinh tế - mậu dịch Nhật Bản thậm chí nói rằng, họ muốn xây một hạ tầng công nghiệp mới bằng cách hỗ trợ vốn cho việc sử dụng năng lượng hiệu quả hơn và cho các sáng kiến kỹ thuật sáng tạo liên quan “giải pháp xanh”.

Ngay tại Washington, nơi vốn bướng bỉnh và cố chấp với những gì liên quan bảo vệ môi trường, nay cũng phải “ăn theo thuở, ở theo thời”. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ứng cử viên John McCain bắt đầu nói đến việc “nước Mỹ phải trở thành nhà lãnh đạo trong nền kinh tế xanh quốc tế”, trong khi Barack Obama cụ thể hơn với việc “đầu tư một cách chiến lược 150 tỉ USD trong 10 năm” cho một nền “kinh tế năng lượng sạch”, “giúp khu vực kinh tế tư nhân tạo ra năm triệu việc làm mới liên quan công nghiệp xanh”.

Cần biết, ở giai đoạn kinh tế hưng khởi, kinh tế Mỹ cũng chỉ có thể tạo ra thêm hai triệu việc làm mỗi năm. Cho nên, con số 5 triệu của ông Obama cho thấy một tham vọng rất lớn, ông còn đề cập việc cổ súy sử dụng xe “lai” (vừa dùng xăng truyền thống vừa dùng nhiên liệu xanh), khuyến khích các dự án năng lượng tái sinh, đề cao tính hiệu quả của sử dụng năng lượng, đầu tư các nhà máy than ít gây ô nhiễm, tăng tốc việc nghiên cứu và sử dụng thế hệ năng lượng sinh học mới… thậm chí ông còn muốn tạo ra một chương trình huấn luyện cựu binh Mỹ làm việc trong ngành công nghiệp xanh và hiện đại hóa các nhà máy sản xuất sản phẩm xanh.

Heather Zichal - Giám đốc chính sách Năng lượng - Môi trường và Nông nghiệp của ông Obama cho biết, Chính phủ Mỹ tin rằng, những đầu tư này đáng để thực hiện và phải thực hiện trong bối cảnh “khí hậu kinh tế” hiện nay và chính phủ phải có một vai trò quan trọng. Theo Robert Pollin, nhà kinh tế thuộc Đại học Massachusetts, việc triển khai các dự án xanh có thể giúp 400.000 công nhân xây dựng bị mất việc năm 2007, nay tìm được việc làm mới tại Mỹ. Tổng quát, mỗi 1 triệu USD đầu tư cho công nghệ xanh sẽ tạo ra 16,7 việc làm tại Mỹ. Nhà hoạt động môi trường Van Jones - tác giả quyển mới xuất bản “The Green Collar Economy” (hiện nằm trong top best-seller của New York Times) - cho biết thêm, 100 tỉ USD đầu tư chính phủ vào công nghệ xanh có thể tạo ra hai triệu việc làm mới chỉ trong 2 năm.

Làm thế nào để “phủ xanh” nền kinh tế?

Trong thực tế, nhiều quốc gia đã bắt đầu “xanh hóa” nền kinh tế. Báo cáo gần đây của Liên Hiệp Quốc cho biết, nền công nghiệp năng lượng tái sinh trị giá 240 tỉ USD tại Đức hiện sử dụng đến 1/2 triệu người; và đến năm 2020, khu vực kinh tế mới mẻ này sẽ cung cấp việc làm nhiều hơn công nghiệp xe hơi (hiện là khu vực sử dụng nhân công nhiều nhất công nghiệp sản xuất Đức). Tại Anh, Chính phủ London dự kiến chi 100 tỉ USD cho 7.000 turbine gió vào trước năm 2020, mang lại 160.000 việc làm mới. “Tôi biết rằng vài người có thể nói tình cảnh tài chính khó khăn mà thế giới đang đối mặt khiến vấn đề thay đổi khí hậu nên được xếp xó trong các mối quan tâm quốc tế nhưng thật ra là ngược lại” - Thủ tướng Anh phát biểu.

Fatih Birol - chánh kinh tế gia thuộc IEA - cũng nhận định rằng, sự chuyển dịch hoàn toàn nền kinh tế năng lượng phải được xem như một phản ứng đối với suy thoái toàn cầu. Dù vậy, thách thức trước mắt cũng xuất phát từ chính vị trí suy thoái hiện tại của thế giới, khi chỉ số tiêu dùng của hầu hết hàng hóa đang giảm, giá dầu không ổn định, mà việc nghiên cứu cũng như xây dựng năng lượng xanh lại tốn kém, trong bối cảnh đồng vốn thế giới đang khô hạn. Thế cho nên, phải cần sự đồng thuận cao của cộng đồng thế giới trong việc cùng nhau tiến đến mục tiêu xanh. Vấn đề bây giờ là tiền. Theo IEA, “giải pháp xanh” cần khoảng 45 ngàn tỉ USD vào trước năm 2050.

Cần nhắc lại, tháng 10/2007, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã giữ lời hứa trong chiến dịch tranh cử khi tổ chức cuộc họp liên ngành, với sự tham dự của tất cả cơ quan chính phủ, liên đoàn lao động, khu vực kinh tế tư nhân cũng như các tổ chức khác để cùng thống nhất đưa ra kế hoạch Environmental Grenelle với 268 đề nghị mà nhiều vấn đề trong số đó đã được Quốc hội thông qua. Một trong những ngành đầu tiên được nhắm đến là xây dựng, bởi 25% khí thải gây hiệu ứng nhà kính tại Pháp đều bắt nguồn từ việc sử dụng năng lượng tại các tòa nhà. “Chúng tôi đang nỗ lực giảm 40% khí thải vào trước năm 2020” - theo Nathalie Kosciusko-Morizet, viên chức chính phủ đặc trách sinh thái học.

Hàng trăm triệu euro đã được lên kế hoạch cho loạt công trình nhà ở - văn phòng với kỹ thuật giảm thiểu ô nhiễm cũng như tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng. Kosciusko-Morizet cho biết dự án này sẽ tạo khoảng 200.000 trong 500.000 việc làm của kế hoạch Grenelle kéo dài nhiều thập niên. Giao thông cũng là lĩnh vực nằm trong khuôn khổ Grenelle.

Cụ thể, từ ngày 1/1/2008, ai mua xe có mức độ khí thải thấp đều được nhà nước thưởng, trong khi việc mua xe khí thải cao lại bị đóng thuế cao. Doanh số xe cũ xịt khói mù mịt, dù rẻ, bỗng tụt giảm trong khi doanh số xe mới của Renault chẳng hạn lại đang tăng. Cái giá của thành công cũng không nhỏ. Chính sách mua xe có thưởng sẽ ngốn ngân sách Chính phủ Paris 200 triệu euro/năm. Việc chi đậm cho việc tái định hướng nền kinh tế kiểu cũ sang nền kinh tế xanh cùng chiến dịch bơm tiền hỗ trợ khu vực tài chính lao đao khiến Paris không có cách nào hạn chế thâm thụt ngân sách (3% mỗi quốc gia, theo “chuẩn” EU trong khu vực sử dụng euro) nhưng Paris dường như lấy làm vui và hài lòng, khi cá cược tương lai cho năng lượng xanh. “Lần này sẽ không là chuyện hy sinh tương lai cho hiện tại” - Tổng thống Sarkozy từng nói - “Mà là ngược lại, khi chúng ta đặt đất nước ở hoàn cảnh tốt nhất có thể để có thể đối mặt tương lai”. Không còn là ý tưởng, Grenelle thậm chí đã được “luật hóa” tại Pháp. Nó cho thấy quyết tâm cao độ của Chính phủ Pháp trong việc hướng đến nền kinh tế xanh.

Chỉ có một con đường: Tiến đến “xanh”!

Liệu phần còn lại của thế giới có thể được thuyết phục để thực hiện những bước thay đổi cách mạng tương tự? Achim Steiner, Giám đốc điều hành Chương trình môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) tin rằng, không chỉ nước giàu mà nước nghèo cũng nên theo đuổi mục tiêu xanh và rằng những nước đang phát triển chẳng hạn Mexico hoàn toàn có thể “đi đầu trong nền kinh tế xanh”. Ít người biết rằng Mexico hiện là một trong những quốc gia xây dựng nền kinh tế xanh rất tốt từ vài năm gần đây. Năm 2007, Mexico xuất khẩu lượng sản phẩm pin mặt trời trị giá đến 2,3 tỉ USD. Chương trình Procalsol (lắp hệ thống sưởi bằng năng lượng mặt trời) được triển khai với diện tích tổng cộng 2,5 triệu m2 khắp Mexico từ nay đến cuối năm 2013 sẽ mang lại 100.000 việc làm mới (straightgoods.ca)...

Với những ai còn lưỡng lự trước ý tưởng một nền kinh tế xanh, hãy xem báo cáo Green Jobs: Towards Decent Work In A Sustainable, Low-Carbon World vừa tung ra (do UNEP phối hợp soạn cùng Văn phòng lao động quốc tế, Liên đoàn Lao động quốc tế và Tổ chức công nhân quốc tế - dẫn lại từ environmentalresearchweb.org). Báo cáo cho biết, thị trường toàn cầu các sản phẩm - dịch vụ liên quan môi trường sẽ tăng gấp đôi, từ 1.370 tỉ USD/năm lên 2.740 tỉ USD năm 2020. 1/2 trong thị trường này là kỹ thuật - thiết bị giúp sử dụng năng lượng hiệu quả và phần còn lại là giao thông, nguồn nước, vệ sinh và xử lý rác thải. Tại Đức, công nghệ môi trường có thể chiếm 16% tổng sản lượng công nghiệp vào trước năm 2030 (gấp 4 hiện tại). Khu vực năng lượng tái sinh thế giới hiện sử dụng 2,3 triệu người vài năm gần đây và những dự án tương lai (đến trước năm 2030) sẽ tạo thêm ít nhất 20 triệu việc làm. Còn nữa, đến trước năm 2030, năng lượng gió có thể sử dụng 2,1 triệu lao động trong khi công nghệ năng lượng mặt trời cần 6,3 triệu người…

Theo PetroTimes