Thứ bảy, 23/11/2024 | 07:28 GMT+7

Indonesia đẩy nhanh dự án năng lượng lớn nhất ĐNA

13/05/2013

Indonesia đang thúc đẩy thực thi dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện lớn nhất Đông Nam Á, có công suất 2.000MW, tại Bantang thuộc tỉnh Trung Java.

Indonesia đang thúc đẩy thực thi dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện lớn nhất Đông Nam Á, có công suất 2.000MW, tại Bantang thuộc tỉnh Trung Java.

7a58399b4_nmnd_indo.jpeg

Một nhà máy nhiệt điện của Indonesia. 

Phát biểu trước báo giới, Thứ trưởng phụ trách cơ sở hạ tầng và kế hoạch khu vực thuộc Bộ Điều phối Kinh tế Indonesia Luky Eko Wuryanto cho biết đây là một trong những dự án trọng điểm được thực hiện theo hình thức hợp tác công-tư, trong khuôn khổ “Kế hoạch tổng thể tăng tốc và mở rộng phát triển kinh tế dài hạn” của Chính phủ Indonesia, nhằm thu hút đầu tư nước ngoài vào các dự án cơ sở hạ tầng tối cần thiết cho sự phát triển của đất nước.

Nhà máy nhiệt điện có tên gọi PLTU, có tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD, do Tập đoàn điện lực PT Bhimasena của Indonesia làm chủ đầu tư, với sự tham gia góp vốn của Công ty Phát triển điện lực J-Power Electric Power Development Co. Ltd thuộc Tập đoàn năng lượng Itochi Corporation của Nhật Bản và Công ty khai mỏ Indonesia Adarro Energy.

Dự kiến sau khi hoàn tất vào năm 2016, PLTU sẽ hoạt động như một nhà sản xuất điện độc lập, bán điện cho Công ty điện lực quốc gia Indonesia. PLTU sẽ sử dụng một hệ thống xử lý than siêu tới hạn (USC) thân thiện môi trường, hiệu quả cao và đặc biệt là chỉ cần 50% lượng than so với các nhà máy điện thông thường hiện nay để tạo ra cùng một sản lượng điện.

Thông qua hỗ trợ của chính phủ, Tập đoàn PT Bhimasena đến nay đã giải phóng được 186ha trong tổng số 226ha mặt bằng cần thiết để xây nhà máy điện.

Trong nỗ lực đẩy nhanh quá trình thu hồi đất, Chính phủ Indonesia có kế hoạch cung cấp mức đền bù 100.000 rupiah/m2 cho người dân, cao gấp ba lần giá đất trung bình hiện nay, để có thể hoàn tất giải phóng mặt theo đúng kế hoạch là vào tháng 10/2013.

Thứ trưởng Wuryanto nhấn mạnh việc xây dựng các nhà máy điện theo hình thức hợp tác công-tư là rất cần thiết để mở rộng cơ sở hạ tầng, đảm bảo cung cấp điện cho các ngành công nghiệp trong nước, bởi theo tính toán Indonesia cần ít nhất 4.000MW điện bổ sung mỗi năm để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 6% trong những năm qua.

Trong khi đó, Tổ chức Hòa bình Xanh của nước này chỉ trích rằng kế hoạch xâycác nhà máy nhiệt điện chạy bằng than của chính phủ mâu thuẫn với cam kết trước cộng đồng quốc tế của Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono về cắt giảm 20% lượng khí thải cácbon gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2020.
 
Theo TTXVN