Thứ sáu, 01/11/2024 | 13:41 GMT+7

An ninh năng lượng châu Á đang bị đe dọa

25/04/2013

Châu Á đang đi theo một hướng phát triển năng lượng nguy hiểm, khiến an ninh năng lượng bị đe dọa, tổn thất môi trường thêm trầm trọng

Châu Á đang đi theo một hướng phát triển năng lượng nguy hiểm, khiến an ninh năng lượng bị đe dọa, tổn thất môi trường thêm trầm trọng và khoảng cách giữa người giàu và người nghèo bị nới rộng nếu không có những cải cách vượt bậc về hiệu quả sử dụng. Đó là cảnh báo từ một báo cáo mới công bố của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Báo cáo “Triển vọng Phát triển châu Á 2013” của ADB đã dành một chương đặc biệt để đề cập đến những thách thức về năng lượng của châu Á, nhấn mạnh tình trạng tiến thoái lưỡng nan mà khu vực này đang vấp phải khi phải đáp ứng nhu cầu năng lượng của hàng tỉ người dân trong khi vẫn phải đảm bảo kìm hãm cơn khát năng lượng.

bd1ea811c_pc_nh_2.jpg

Nhu cầu năng lượng gia tăng gây nguy cơ về môi trường, kinh tế, sức khỏe

Năm 2010, châu Á đã tiêu thụ 34% năng lượng của thế giới và cứ theo đà hiện tại con số này sẽ tăng lên thành 56% vào năm 2035, theo dự báo của ADB.

Điều này sẽ biến châu Á trở thành nhà tiêu dùng năng lượng lớn nhất thế giới trong ba thập niên tới, và nếu chỉ đơn thuần mở rộng khả năng tiếp cận năng lượng nhưng lại không có sự thay đổi cơ bản về cách thức tiêu dùng, khu vực này sẽ tiêu dùng gấp đôi dầu, gấp ba khí tự nhiên và cần thêm 81% than đá vào năm 2035, theo Báo cáo.

Tuy nhiên, vì nhiên liệu hóa thạch khan hiếm, hầu hết các quốc gia châu Á sẽ không thể cung cấp một nửa nhu cầu năng lượng vào năm 2035, họ sẽ phải phụ thuộc nặng nề vào nhiên liệu nhập khẩu đặc biệt là vào các nước xuất khẩu dầu mỏ.

Sở hữu 9% trữ lượng dầu mỏ toàn cầu, châu Á (không bao gồm các quốc gia Trung Đông) hiện nay đang phát triển theo hướng sẽ buộc phải tăng 3 lần lượng dầu nhập khẩu vào năm 2035, đẩy người dân và các doanh nghiệp của khu vực này vào tình thế tổn thương do các biến động nguồn cung từ bên ngoài.

Hơn nữa, việc châu Á vẫn tiếp tục đường hướng năng lượng hiện tại sẽ đem lại những tổn thất lớn cho tự nhiên. Ô nhiễm không khí sẽ tồi tệ hơn do việc tăng cường sử dụng nhiên liệu hóa thạch, khiến 3,6 triệu người chết mỗi năm tới 2030, chủ yếu là ở Trung Quốc và Ấn Độ.

Ngoài ra, việc có thêm các nhà máy nhiệt điện đòi hỏi sử dụng nước để làm mát khiến khu vực này đặc biệt tổn thương do khan hiếm nước, chỉ đứng thứ hai thế giới sau châu Phi.

Với con đường năng lượng hiện tại, dự kiến châu Á sẽ chiếm gần một nửa CO2 phát thải của thế giới vào năm 2035. Điều này có thể cản trở những nỗ lực toàn cầu chống lại biến đổi khí hậu đồng thời tạo ra những nguy cơ nghiêm trọng hơn cho các nước châu Á vốn đã là khu vực có nhiều quốc đảo và các thành phố ven biển đang đối mặt với những tổn thất lớn do nước biển dâng.

95278ea2d_anninhnangluong.jpg

Châu Á nên theo đuổi kết hợp năng lượng tái tạo, năng lượng phát thải thấp như khí đá khiến và các giải pháp cắt giảm khí nhà kính từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch. 

Kìm hãm cầu và xanh hóa cung

Trong khi đó, hoạt động năng lượng hiện tại của châu Á có lẽ sẽ không thể kéo hàng triệu người dân thoát khỏi tình trạng thiếu năng lượng. Năm 2012, 700 triệu người châu Á không có điện dùng và khoảng 2,8 triệu người phải dùng củi và các nhiên liệu chất lượng thấp khác.

Phần lớn các nước châu Á đều trợ giá hào phóng cho năng lượng, tuy nhiên những người hưởng lợi chính từ các khoản trợ cấp nhiên liệu lại không phải người nghèo, theo Báo cáo.

Chẳng hạn, Indonesia tiêu tốn 26% sản lượng kinh tế năm 2012 vào hỗ trợ nhiên liệu, tuy nhiên 40% lượng dầu hỏa được trợ giá lại chảy vào 10% các hộ gia đình giàu có nhất. Điều này xảy ra bởi vì phần lớn người nghèo Indonesia đều chi tiêu cho việc đi lại một cách dè sẻn.

Chính vì vậy, ADB kêu gọi thay vì trợ giá chung chung, các chính phủ nên hỗ trợ hướng đến người nghèo để đáp ứng nhu cầu của họ thay vì khuyến khích tiêu dùng quá mức.

Theo khuyến cáo, nhu cầu năng lượng có thể giảm thiểu bằng cách thiết kế các thành phố hợp lý hơn vì Châu Á có lợi thế hơn để thực hiện điều này so với Châu Âu hay Nam Mỹ.

Thứ nhất là bởi lẽ các quốc gia châu Á vẫn đang trong quá trình đô thị hóa và có cơ hội đế áp dụng những công nghệ mới, bền vững. Thứ hai, mật độ dân số cao cũng cho phép các nhà quy hoạch tận dụng lợi thế sản xuất đồng phát nhiệt điện (cogenegation).

Mặc dù có thể giúp châu Á tiến gần hơn đến một tương lai phát triển sạch và an toàn, song chỉ cắt giảm nhu cầu đơn thuần không thể giúp châu Á đạt mục tiêu này. Chính vì vậy, ADB khuyến cáo châu Á nên theo đuổi kết hợp năng lượng tái tạo, năng lượng phát thải thấp như khí đá khiến và các giải pháp cắt giảm khí nhà kính từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Thúc đẩy hợp tác năng lượng trong khu vực

Ở quy mô lớn, Báo cáo dự báo rằng việc hợp nhất hóa chuyển dịch năng lượng ở vùng Mê Kông mở rộng có thể giúp tiết kiệm 14 tỷ USD sau 20 năm nhờ thay thế nhiệt điện chạy than bằng thủy điện. Điều này cũng giúp giảm 14 tỷ tấn CO2 phát thải mỗi năm vào 2020.

Hiện tại, hợp tác năng lượng châu Á mới chỉ dừng lại ở các quốc gia láng giềng. Các rào cản kỹ thuật như sự liên kết, các quy phạm pháp luật được quy chuẩn hóa, giá cả, đấu thầu đóng một vai trò quan trọng; tuy nhiên, rào cản chính cho sự hợp nhất năng lượng châu Á là sự thiếu ý chí chính trị.

Hơn nữa, các nhà lãnh đạo châu Á, cũng như các khu vực khác trên thế giới, vốn có xu hướng coi an ninh năng lượng là an ninh sống còn của quốc gia khiến họ miễn cưỡng san sẻ quyền kiểm soát.

Các chính phủ châu Á đồng thời cũng can thiệp mạnh vào thị trường năng lượng của mình.

Chưa hết, phần lớn các “ông lớn” trong ngành năng lượng ở châu Á là các doanh nghiệp nhà nước hoặc các công ty tư nhân lớn vốn dựa dẫm nhiều vào chính phủ và có vẻ coi hợp tác khu vực như một mối đe dọa.

Tuy nhiên, từ nhận định rằng các nước không thể tự đáp ứng nhu cầu năng lượng, ADB khuyến cáo châu Á tăng cường kết nối mạng lưới điện năng và khí tự nhiên xuyên biên giới. Để làm điều này, bước đầu tiên châu Á cần thực hiện là thiết lập một cơ quan cấp bộ để nghiên cứu kinh nghiệm của châu Âu.

Nếu hợp tác năng lượng được tăng cường thì một thị trường năng lượng khu vực ở châu Á có thể hy vọng đạt được vào năm 2030.

Theo Năng lượng Việt Nam