Nâng cao năng lực cạnh tranh từ việc tận dụng nguồn sản xuất năng lượng thông minh (năng lượng mặt trời, sức gió, mưa) là cách làm hiệu quả của nhiều nước phát triển trên thế giới.
Hệ thống điện gió mới được lắp ở Bình Thuận.
Vậy nhưng ở Việt Nam, việc sử dụng hiệu quả năng lượng thông minh, thực sự mới chỉ là những “nét chấm phá” và phải chăng với chúng ta, đây vẫn là “mỏ vàng” còn đang bỏ ngỏ?
Ước mưa như ở Việt Nam…
Cách đây vài năm, ngài Đại sứ Isreal có nói trên báo chí rằng: “Hàng năm đất nước tôi có vài trận mưa lất phất ướt đầu, nếu như có được các trận mưa lớn như ở Việt Nam thì chúng tôi đã giàu to rồi. Đây là câu chuyện thoạt nghe thấy vui nhưng lại khiến nhiều người không khỏi suy ngẫm. Phải chăng, vì chúng ta thiếu năng động, sáng tạo nên vẫn chưa thoát được nghèo? Trong khi đó, nước mưa có thế sử dụng trong mọi sinh hoạt hàng ngày nắng – gió chính là nguồn năng lượng xanh dồi dào.
Trên thế giới, đặc biệt là nước Đức người dân đã tự sản xuất ra điện, thậm chí họ còn cấp lại điện cho điện lực Chính phủ, trong khi Nhà nước chỉ hỗ trợ ban đầu cho mỗi module là 1.500 Euro. Có những giai đoạn, nước Đức còn thừa điện và việc này đã giúp ích rất nhiều trong việc cắt giảm các chi phí đầu tư công.
Còn ở xứ sở chuột túi (Úc), cứ mỗi sản phẩm máy nước nóng năng lượng mặt trời lại được Chính phủ hỗ trợ 1.000 đô la Úc và bình quân 1 năm những chiếc máy này đã tiết kiệm được khoảng 5.000 kWh điện. Hiện nay, mỗi gia đình 1 năm lại có từ 1.000 đến 2.000 kWh điện được sản xuất ra.
Đừng quên có một “mỏ vàng”!
Theo chân các chuyên gia trong và ngoài nước chuyên nghiên cứu về lĩnh vực năng lượng thông minh, tôi có dịp về thăm căn nhà mẫu của anh Đặng Quốc Toàn, Giám đốc Công ty cổ phần Năng lượng Dầu khí châu Á tại TP. Hồ Chí Minh. Thật bất ngờ, từ những sinh hoạt hàng ngày như tưới cây, rửa xe hay nhiều hoạt động khác đều được anh lấy từ nguồn nước mưa được thu hồi từ một hệ thống đơn giản với chi phí là 2 triệu đồng.
Cũng giống như cách hứng nước mưa ở nông thôn trước đây nhưng bồn chứa có túi lọc trên cao và chi cần mở van bên dưới, nước sẽ tự chảy mà không cần phải bơm. Anh Toàn cho biết: “Hệ thống này có rất nhiều tiện lợi, các hộ dân ở thành phố không phải khoan nước ngầm hay tốn nhiều điện bơm nước.
Cũng với cách làm đơn giản, phía trên mái nhà anh còn đặt 9 tấm bảng pin mặt trời với giá đầu tư 8 triệu đồng được hòa với điện lưới quốc gia. Và mỗi khi mất điện, gia đình anh Toàn sẽ không phải lo lắng vì tất cả các thiết bị điện trong nhà đều được lấy từ hệ thống điện năng lượng này. Ngoài ra, hệ thống còn cung cấp điện chiểu sáng cho toàn khu vườn trong nhà và hệ thống đèn đường công cộng với ưu điểm tuyệt đối an toàn bằng dòng điện 24V.
Với chi phí đầu tư thấp, hiệu quả cao, mỗi tháng, nhà anh Toàn đã tiết kiệm được 1/2 lượng điện và nước sinh hoạt. Vậy với 2 triệu hộ dân của TP. Hồ Chí Minh, nếu cũng áp dụng theo anh Toàn thì lượng điện và nước sinh hoạt tiết kiệm được tương đương với 2 nhà máy nước lớn. Và nếu như được áp dụng với quy mô lớn ở các nhà máy, khu công nghiệp thì lợi nhuận sẽ còn tăng lên gấp bội.
Theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới thì Việt Nam có tiềm năng về năng lượng gió đứng thứ nhất khu vực Đông Nam Á, tổng tiềm năng điện gió ước đạt 513,360 MW tức là hom 200 lần công suất của thủy điện Sơn La và hơn 10 lần tổng công suất dự báo của ngành Điện vào năm 2020.
Nước ta nằm trong khu vực cận nhiệt đới gió mùa với đường bờ biển dài. Để mở rộng và phát triển tối đa những nguồn năng lượng này có lẽ phụ thuộc nhiều vào Chính phủ và nếu như được khai thác đúng cách thì năng lượng thông minh sẽ là “kho vàng” vô tận để thay thế những nguồn tài nguyên hóa thạch ở Việt Nam trong tương lai.
Theo Thời báo Tài chính