Thứ sáu, 22/11/2024 | 23:10 GMT+7

Đắk Lắk “đánh thức” tiềm năng năng lượng tái tạo

16/10/2012

Giống như nàng công chúa còn đang say ngủ, tiềm năng các nguồn năng lượng tái tạo tại Đắk Lắk đang chờ được “đánh thức”. Đắk Lắk đang đặt ra mục tiêu đến năm 2015 nâng tỷ lệ các nguồn năng lượng này lên khoảng 25% tổng công suất tiêu thụ toàn tỉnh (112MW).

Giống như nàng công chúa còn đang say ngủ, tiềm năng các nguồn năng lượng tái tạo tại Đắk Lắk đang chờ được “đánh thức”. Đắk Lắk đang đặt ra mục tiêu đến năm 2015 nâng tỷ lệ các nguồn năng lượng này lên khoảng 25% tổng công suất tiêu thụ toàn tỉnh (112MW).

fb5d1c107_wgawgvwgvaweg.jpg

Là một tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên, điều kiện khó khăn không thể mang đến cho Đắk Lắk những đô thị sôi động hay những cánh đồng lúa bạt ngàn thẳng cánh cò bay. Tuy nhiên, cái gió, cái nắng và điều kiện khắc nghiệt của Tây Nguyên lại mang đến cho Đắk Lắk một “kho” năng lượng tái tạo dồi dào, từ gió, mặt trời đến sinh khối… Trong điều kiện thiếu hụt điện năng như hiện nay, đây là cơ hội lớn cho Đắk Lắk phát triển điện năng từ các nguồn này.Cụ thể, Đắk Lắk là tỉnh có tiềm năng thủy điện rất phong phú của khu vực Tây Nguyên. Theo thống kê của Sở Công Thương Đắk Lắk, đến tháng 8/2012, Đắk Lắk đã đưa vào sử dụng 12 nhà máy thủy điện nhỏ dưới 30 MW với tổng công suất là 73,14 MW. Đồng thời, hiện có 3 dự án thủy điện vừa và nhỏ đang trong giai đoạn xây dựng và 8 dự án đang trong giai đoạn thực hiện các thủ tục pháp lý. Các nhà máy thủy điện này đã góp phần cung cấp điện cho hệ thống điện tỉnh Đắk Lắk và khi hệ thống điện quốc gia thiếu nguồn hoặc gặp sự cố nguồn điện thì các nhà máy thủy điện vẫn đảm bảo việc duy trì cấp điện cho các khu vực. Nguồn điện từ các nhà máy này cũng góp phần làm giảm quá tải cho một số trạm biến áp trung gian 110 KV, đảm bảo ổn định hệ thống điện trên địa bàn tỉnh.

Cùng với thủy điện, Đắk Lắk còn rất có tiềm năng về điện mặt trời, do đó, năm 2002, trong dự án hợp tác giữa Công ty NRW (CHLB Đức) và Phân viện Vật lý TP.HCM -Solarlab (Bộ Khoa họcCông nghệ Việt Nam), mô hình thí điểm về ứng dụng điện mặt trời (ĐMT) để cấp điện sinh hoạt đã được triển khai tại buôn Chăm - huyện Ea H’leo - tỉnh Đắk Lắk. Đây là buôn ĐMT đầu tiên ở Việt Nam với 100% các hộ dân được điện khí hóa bằng ĐMT gồm 180 hộ ĐMT gia đình, công suất mỗi hộ 50Wp. Trong thời gian tới, dự kiến sẽ có một dự án đầu tư lắp đặt pin mặt trời quy mô lớn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, dự án do Ủy ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk đề xuất và đang trong giai đoạn trình Ủy ban Dân tộc Trung ương xem xét và phê duyệt. Nếu được triển khai, 33 thôn, buôn thuộc 4 huyện: Lắk, Ea Kar, M’drắk, Krông Năng sẽ được sử dụng điện mặt trời, với công suất điện cung cấp vào khoảng 100 Kwh/hộ/tháng.

Để khai thác tiềm năng điện gió trên địa bàn Đắk Lắk, Công ty CPđầu tư hạ tầng kinh doanh đô thị (Hà Nội) đã lắp đặt 2 cột đo gió tại xã Ea Khal - huyện Ea H’leo. Kết quả đo từ tháng 6/2010 đến tháng 3/2011 là rất khả quan. Sức gió đo được trong các tháng bình quân khoảng 6,4m/s ở độ cao 60m. Bên cạnh đó, Công ty Cổ phần phong điện Thuận Bình (Bình Thuận) cũng đã lắp đặt cột đo gió trong khuôn viên Nhà máy tinh bột sắn Thành Vũ, xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo. Kết quả đo từ tháng 10/2010 đến tháng 5/2011 cho thấy sức gió đo được trong các tháng bình quân khoảng 6,5m/s ở độ cao 60m. Tiềm năng điện gió dồi dào này sẽ mở ra cơ hội cho các nhà máy điện gió được triển khai trên địa bàn Đắk Lắk thời gian tới.Riêng về nguồn khí sinh học, theo số liệu do Trung tâm Khuyến nông tỉnh, đến năm 2010, trong khuôn khổ Chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi, Đắk Lắk đã đào tạo được 21 kỹ thuật viên và 22 thợ xây. Ngoài 3.947 công trình được hỗ trợ của dự án khí sinh học quốc gia, người dân trong tỉnh đã tự bỏ vốn hoặc vay vốn xây thêm khoảng 6.000 công trình trong giai đoạn này, đưa số công trình biogas đã xây dựng của toàn tỉnh đạt trên 10.000 hầm. Bên cạnh đó, năm 2009, Nhà máy chế biến tinh bột sắn Đắk Lắk đã đưa vào sử dụng hệ thống biogas nhằm cung cấp năng lượng để sấy 100% tinh bột sắn của nhà máy.

Là tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp, với diện tích đất nông nghiệp chiếm khoảng 91,8% tổng diện tích đất của tỉnh (trong đó diện tích rừng khoảng 47%, đất trồng cây công nghiệp lâu năm khoảng 20%, đất trồng lúa khoảng 5,5%...) nguồn năng lượng sinh khối dồi dào từ củi, trấu, bã mía, gỗ vụn, mùn cưa và các phụ phẩm nông nghiệp đã góp phần tạo nguồn sinh khối đa dạng với trữ lượng dồi dào, tuy nhiên trong thời gian qua, công tác khai thác, ứng dụng nguồn năng lượng còn ở mức khiêm tốn. Trên địa bàn tỉnh đến nay chỉ có Công ty Cổ phần mía đường 333 đã đầu tư xong dây chuyền sản xuất mới, nâng công suất lên 2.500 tấn mía cây/ngày. Cùng với việc mở rộng sản xuất, nhà máy đã đầu tư thêm hệ thống năng lượng mới với lò hơi 60 tấn/giờ và cụm turbin - máy phát với công suất 3.000 KW, nâng tổng công suất phát điện của nhà máy là 4,5 MW.Theo đánh giá của Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM – đơn vị tư vấn lập đề án “Đánh giá hiện trạng và xây dựng chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2011-2015, có xét đến năm 2020: Tiềm năng các nguồn năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk vẫn còn khá lớn. Đắk Lắk đang phấn đấu đến năm 2015 nâng tỷ lệ công suất điện từ năng lượng mới, năng lượng tái tạo lên mức hơn 25% công suất tiêu thụ toàn tỉnh, tương đương 112 MW (theo quy hoạch điện lực tỉnh Đắk Lắk đến năm 2015 công suất tiêu thụ toàn tỉnh là 444 MW).

 Mai Anh Theo Shp