Thứ tư, 06/11/2024 | 02:30 GMT+7

Chương trình khí sinh học cần được nhân rộng

30/10/2011

Để góp phần giảm phát thải khí nhà kính; sản xuất năng lượng tái tạo, an toàn thực phẩm, kết hợp với nâng cao chất lượng đời sống trang trại, đã đến lúc chương trình khí sinh học cần được nhân rộng.

Hiện nay, vấn đề ô nhiễm môi trường được đánh giá là vấn đề nóng trên thế giới nói chung và nước ta nói riêng. Đây thực sự là một thách thức lớn, cảnh báo về tình trạng phát triển thiếu tính bền vững. Nguyên nhân chính là do con người khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên thiếu tính khoa học, và việc thiếu căn bản những phương án xử lý nguồn chất thải gây ô nhiễm môi trường từ quá trình sản xuất, kinh doanh của con người. Để hạn chế được tình trạng này thì chiến lược về Khí sinh học đang được coi là một giải pháp tương đối hữu hiệu. Một mặt, mang lại lợi ích cho người dân ở khu vực nông thôn, mặt khác có khả năng làm giảm thiểu những tác hại đến môi trường sống.

Những tác động ngoài mong muốn

Thực tế, thời gian vừa qua, ngành chăn nuôi đã đạt được những bước tiến đáng kể góp phần thúc đẩy nền kinh tế nước ta. Tỷ trọng của ngành chăn nuôi trong tổng giá trị ngành nông nghiệp đã tăng từ 19,3% năm 2000 lên 27,1% năm 2009.

443fca604_khi_sinh_hoc.jpg

Số liệu thống kê cho thấy, tổng số hộ chăn nuôi lợn đang có chiều hướng giảm, trong khi đó, số đầu gia súc của từng hộ đang tăng lên. Số hộ chăn nuôi gia súc đang tăng lên, điều đó đồng nghĩa với việc số lượng gia súc trung bình của từng hộ cũng gia tăng. Hơn nữa, số lượng các trang trại nuôi lợn và gia súc quy mô vừa và lớn đang tăng lên. Xu hướng này có thể được gọi là sự phát triển “công nghiệp hóa” trong ngành chăn nuôi. Việc thành lập các trang trại tập trung và công nghiệp hóa để tạo ra các sản phẩm thương mại là một chiến lược của Chính phủ.

Theo thống kê cho thấy, năm 2010, Việt Nam có khoảng 8,5 triệu hộ chăn nuôi và khoảng 21.000 trang trại quy mô vừa và lớn năm 2009. Số hộ chăn nuôi gia tăng cùng với xu hướng “Công nghiệp hóa” dẫn đến nhiều vấn đề về môi trường do trên thực tế các chất thải chăn nuôi trong phần lớn trường hợp chưa được xử lý hoặc được xử lý nhưng chưa triệt để. Trong khi đó, đang tồn tại một thực trạng là một số hộ gia đình có số lượng vật nuôi quy mô nhỏ có thể sử dụng chất thải của vật nuôi để làm nguồn phân bón rau xanh trong vườn quanh nhà. Việc lưu giữ và thải các chất thải vật nuôi bừa bãi và không có kiểm soát vào môi trường của các hộ gia đình và các trang trại chăn nuôi lớn làm cho đất, nước, không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng. Hậu quả của việc mất vệ sinh đã làm bùng nổ dịch bệnh cho vật nuôi và đồng thời đe dọa đến sức khỏe của những người dân sống khu vực xung quanh.


Có một thực tế là tình trạng gây ô nhiễm như trên vẫn chưa có phương án để giải quyết một cách triệt để. Không phải chúng ta chưa có luật. Hành lang pháp lý đã có nhưng đáng tiếc rằng những quy định này phần lớn không được thực hiện, các hộ gia đình và chủ trang trại vẫn chưa có được sự chủ động trong việc xử lý các chất thải chăn nuôi. Và có một nguyên nhân có thể đã tác động đến tâm lý thờ ơ của các chủ hộ, trang trại trước vấn đề này là thị trường tiêu thụ sản phẩm nước ta thời gian qua vẫn chưa có sự phân biệt được giá trị sản phẩm chăn nuôi ở khu vực có xử lý chất thải hay ở khu vực chưa xử lý chất thải. Luật đã có, nhưng với sự thiếu ý thức trong vấn đề bảo vệ môi trường và cả sự thiếu kiên quyết xử lý của các cơ quan chức năng là căn nguyên làm tình trạng vi phạm trong quy trình xử lý chất thải trong chăn nuôi gia tăng trong thời gian qua.

Chương trình khí sinh học – góp phần làm giảm tác động ô nhiễm môi trường

Từ năm 1991 - 2011, cùng với sự phát triển của ngành chăn nuôi và vệ sinh nông thôn thì công nghệ sinh học phát triển nhanh chóng. Chương trình mục tiêu quốc gia cấp nước và vệ sinh nông thôn là dự án phát triển khí sinh học lớn nhất bao trùm hầu hết các tỉnh thành. Cũng trong giai đoạn này, hầu hết các công trình khí sinh học quy mô nhỏ và khí sinh học chủ yếu được sử dụng để nấu ăn và thắp sáng. Dự án hỗ trợ chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi ở một số tỉnh ở nước ta đã được triển khai từ 2003 – 2011 với các mô hình theo tiêu chuẩn KT1 và KT2, nhằm mục đích thực hiện khoảng 167.000 dự án khí sinh học ở 63 tỉnh, thành trong cả nước.

Thực tế, thời gian qua có rất nhiều dự án liên quan đến chương trình khí sinh học. Tính đến tháng 7.2011, đã có 107.000 công trình khí sinh học được xây dựng ở 48 tỉnh; dự án an toàn thực phẩm và cạnh tranh trong chăn nuôi (LIFSAP) cũng triển khai một hợp phần khí sinh học quy mô hộ gia đình ở 12 tỉnh; dự án nâng cao chất lượng và an toàn cho các sản phẩm nông nghiệp và Phát triển khí sinh học (QSEAP) đã được triển khai ở 16 tỉnh, thành trong cả nước…

Bên cạnh đó, Chiến lược quốc gia về cung cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn – MARD đến năm 2020 đặt mục tiêu đến năm 2010 “ trang bị cho khoảng 45% các hộ gia đình trang trại ở nông thôn có chuồng trại chăn nuôi bảo đảm hợp vệ sinh và khoảng 18.000 trang trại chăn nuôi có hệ thống quản lý chất thải”. Theo đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2015 đối với  vấn đề vệ sinh môi trường là 75% các hộ gia đình ở nông thôn có chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh. Và đối với quy mô lớn, và trang trại chăn nuôi gia súc theo mô hình công nghiệp, các bể khí sinh học xử lý chất thải cần được xây dựng để xử lý chất thải và tận dụng nhiên liệu đã được sản xuất ra. Dự án hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp theo kế hoạch của ADB sắp tới dự kiến được triển khai tại nước ta là dự án phát triển theo cơ chế sạch cho các trang trại quy mô vừa và lớn. Theo đó, các công trình khí sinh học quy mô vừa và lớn sẽ giúp giảm phát thải khí nhà kính thông qua việc thu và phá huỷ chất mê tan giải phóng ra ngoài không khí và tạo được nguồn năng lượng để tái sử dụng.

Để góp phần giảm phát thải khí nhà kính; sản xuất năng lượng tái tạo, an toàn thực phẩm, kết hợp với nâng cao chất lượng đời sống trang trại, đã đến lúc chương trình khí sinh học cần được nhân rộng. Đây là mục tiêu của Chính phủ trong dài hạn, rất cần sự vào cuộc, ủng hộ từ phía các hộ gia đình cũng như các chủ trang trại để hướng tới nền kinh tế phát triển bền vững.

Theo Đại biểu nhân dân