Thứ bảy, 21/12/2024 | 18:54 GMT+7

Lan toả Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2023: "Chung tay Tiết kiệm điện - Thành thói quen"

02/03/2023

Bằng biểu tượng 60+, thông điệp của Giờ Trái đất gửi đến cộng đồng không chỉ là tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường trong một giờ đồng hồ, mà cần thực hành thường xuyên, trở thành thói quen trong đời sống, sinh hoạt của mỗi người.

Chỉ sau 2 năm Tổ chức Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) phát động Chiến dịch Giờ trái đất tại thành phố Sydney của Austraulia, năm 2009 Việt Nam bắt đầu tham gia hưởng ứng Chiến dịch này với khẩu hiệu “Tắt đèn, Bật tương lai”. 
Sinh viên trên địa bàn Hà Nội hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất 2018.
Trong bối cảnh chuyển đổi năng lượng từ “nâu” sang xanh, điện được rất nhiều ngành kinh tế sử dụng như một lựa chọn để thay thế các nguồn nhiên liệu truyền thống, thậm chí điện đã trở thành trung tâm chuyển đổi năng lượng ở nhiều quốc gia. Việc Bộ Công Thương - cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực năng lượng lựa chọn thông điệp “Chung tay Tiết kiệm điện - Thành thói quen" để lan tỏa tới cộng đồng, hưởng ứng sự kiện Giờ trái đất 2023 hẳn có nhiều ý nghĩa, thiết thực.
Theo ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương, ở nhiều quốc gia, tiết kiệm điện được coi là “nguồn năng lượng đầu tiên”. Ở nước ta, tiết kiệm điện nói riêng, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nói chung đã được luật hoá và có hiệu lực thi hành từ năm 2011. Thông qua Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Chính phủ cũng đã đặt ra các mục tiêu hết sức cụ thể về việc tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng.
Đối với Chiến dịch Giờ trái đất, Việt Nam hưởng ứng từ năm 2009 đến nay, hoạt động gây tiếng vang nhất của Chiến dịch này được tổ chức hằng năm - đó là việc kêu gọi các tổ chức, cá nhân đồng loạt “tắt đèn trong 1 giờ đồng hồ” nhằm thu hút sự lưu tâm của người dân toàn cầu đối với cuộc khủng hoảng môi trường hiện nay, đồng thời kêu gọi tìm ra những giải pháp để bảo vệ hành tinh và xây dựng một tương lai tươi sáng, bền vững.
Ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương chia sẻ, bằng biểu tượng 60+, thông điệp của Giờ Trái đất gửi đến cộng đồng không chỉ là tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường trong một giờ đồng hồ, mà cần thực hành thường xuyên, trở thành thói quen trong đời sống, sinh hoạt của mỗi người. Và ý nghĩa lớn nhất của sự kiện vẫn là truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sống của chúng ta.
"Thông điệp của Giờ Trái đất gửi đến cộng đồng là không chỉ tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường trong một giờ mà chúng ta phải thực hành đó thường xuyên trong suốt 365 ngày của cả một năm. Chúng tôi cho rằng tác động truyền thông trong tuyên truyền Giờ trái đất đã được lan tỏa đến cộng đồng xã hội và doanh nghiệp như vậy".
Theo Bộ Công Thương, với hiệu ứng và sức lan tỏa trên khắp cả nước, Chiến dịch Giờ trái đất cũng sẽ góp phần hiện thực hóa cam kết giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam để đạt mức phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050. Ông Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Năng lượng và tăng trưởng xanh thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cũng nhấn mạnh điều này, với lý giải: tiết kiệm điện nói riêng, tiết kiệm năng lượng nói chung góp phần quan trọng trong việc tiết giảm sử dụng các loại nhiên liệu hóa thạch, giảm phát thải ra môi trường.
"Bản thân trong các nghiên cứu của mình thì Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) họ cũng nhấn mạnh vai trò của tiết kiệm năng lượng trong việc thực thi Net Zero trong ngành năng lượng (tức là phát thải thuần = 0). Đối với Việt Nam, để có thể thực thi điều này thì chúng ta phải tiến hành kỹ các giải pháp về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả không chỉ trong ngành năng lượng mà cả các ngành giao thông vận tải, trong các tòa nhà cũng như trong các hoạt động liên quan tới nhu cầu tiêu dùng thông thường của người dân… Đó cũng là những nền tảng cực kỳ quan trọng để cho chúng ta có thể kiểm soát được các nhu cầu về năng lượng, nhu cầu về điện năng".
Mới đây, Bộ Công Thương cũng đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề nghị phối hợp tổ chức các hoạt động truyền thông hưởng ứng Giờ trái đất 2023, trong đó, đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo Tổng công ty, Công ty Điện lực các tỉnh, thành phố phối hợp tuyên truyền tại các điểm giao dịch, trụ sở của các đơn vị. Đồng thời vận động các cá nhân, cơ quan, khách hàng thực hiện hoạt động tắt các thiết bị điện không cần thiết vào thời gian diễn ra sự kiện. Các đơn vị trực thuộc EVN có trách nhiệm đảm bảo an toàn lưới điện trong thời gian diễn ra sự kiện. 
Ông Trần Viết Nguyên - Phó trưởng ban Kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, "Đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam là một đơn vị vừa sản xuất và cung ứng điện, đảm bảo điện cho phát triển nền kinh tế cũng như tiêu dùng của nhân dân thì chúng tôi phải thực thi nhiệm vụ cung cấp điện một cách an toàn, hiệu quả nhất cho tất cả các khách hàng. Chính vì vậy, việc sử dụng điện một cách hiệu quả và tiết kiệm để tham gia hưởng ứng sự kiện tắt đèn 1 giờ của Giờ trái đất hàng năm là hết sức ý nghĩa. Và chúng tôi cũng thường xuyên tuyên truyền sâu rộng tới các khách hàng sử dụng điện cũng như toàn thể cán bộ, công nhân viên và gia đình làm việc tại Tập đoàn tham gia hưởng ứng tích cực vào sự kiện này bằng rất nhiều hoạt động thiết thực. Đặc biệt nữa là thông qua đó chúng ta đóng góp một phần rất lớn vào việc đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và trái đất xanh của chúng ta"….
Sự kiện tắt đèn trong vòng một giờ hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất năm nay sẽ diễn ra từ 20h30 đến 21h30, thứ Bảy, ngày 25/3/2023.
Theo: Trang tin Điện tử ngành Điện