Thứ sáu, 01/11/2024 | 18:21 GMT+7

Năng lượng truyền thống cạn kiệt, Năng lượng thay thế soán ngôi

21/10/2010

Những nguồn năng lượng truyền thống như thủy điện, dầu mỏ, than… đều đang đứng trước những cảnh báo cạn kiệt buộc nhân loại phải vào cuộc tìm kiếm nguồn năng lượng thay thế. Không chỉ trên thế giới, tại Việt Nam vấn đề này cũng đã được đặt ra từ lâu và một số nguồn năng lượng giải pháp đã được các nhà khoa học nước ta nghiên cứu, thử nghiệm và đưa vào ứng dụng thành công.

Ánh sáng mặt trời sẽ chiếu sáng cả ban đêm


Theo mục tiêu phát triển chiếu sáng đô thị của Việt Nam đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1874/QĐ-TTg, nước ta phấn đấu đến năm 2025, 100% các công trình giao thông, không gian công cộng và quảng cáo tại các đô thị sử dụng các sản phẩm chiếu sáng hiệu suất cao, tiết kiệm điện, trong đó từ 30-50% các công trình sử dụng đèn năng lượng mặt trời đạt tiêu chuẩn.


Không chỉ trên giấy tờ, góp phần hiện thực hóa mục tiêu này hiện nay ở nước ta đã “hình thành” máy phát điện bằng ánh sáng do TS. Nguyễn Thế Hùng – Viện Vật lý (Viện KH-CN Việt Nam) chủ trì nghiên cứu, phát triển. Cụ thể, thông qua dự án nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống phát điện sử dụng năng lượng mặt trời theo nguyên lý tích tản (động cơ chạy bằng ánh sáng), năm 2008, TS Nguyễn Thế Hùng và một nhóm cộng sự đã bắt đầu nghiên cứu chế tạo loại động cơ này.


Nguyên lý của việc chế tạo động cơ là hội tụ ánh sáng, dùng kính gương đón ánh sáng mặt trời, phản chiếu hội tụ vào động cơ khiến động cơ hoạt động, biến năng lượng ánh sáng thành điện năng, cơ năng. Theo tính toán của nhóm, 1m2 kính lõm có thể thu nhiệt để sản sinh ra khoảng 1.300W. Như vậy, với hiệu suất 30% (hiệu suất sử dụng nguồn ánh nắng mặt trời của động cơ ánh sáng thường đạt được ở các nước tiên tiến), lượng điện sản sinh từ 1m2 kính tương đương 400W.


images2052416_0may279.jpg


Bằng những con số thuyết phục này, Dự án nói trên của TS Nguyễn Thế Hùng đã được Bộ Khoa học - công nghệ quyết định cho thực hiện trong năm 2011. Với 4 tỷ đồng đầu tư, mục tiêu của dự án là thiết kế một máy phát điện chạy bằng động cơ ánh sáng với công suất 1kW trở lên trong thời gian hai năm. Sau khi hoàn thành các động máy phát điện này sẽ được thử nghiệm lắp đặt trên một số đảo không có khả năng kéo lưới điện.


Khí biogas dùng để chạy máy phát điện


Không chỉ được khai thác để làm chất đốt trong sinh hoạt hàng ngày, các hầm khí biogas của các hộ gia đình vùng nông thôn hiện nay đã được ứng dụng vào chạy máy phát điện phục vụ sản xuất. Ý tưởng ban đầu về hình thức này được Giáo sư TSKH Bùi Văn Ga - Giám đốc Đại học Đà Nẵng đưa ra, sau đó cùng với Tiến sĩ Nhan Hồng Quang (Phân viện Bảo hộ lao động và Bảo vệ môi trường miền Trung Tây Nguyên) triển khai thành công tại xã Hoà Ninh, huyện Hoà Vang.


Bằng việc chuyển đổi động cơ chạy bằng diesel sang dùng khí biogas (đã qua xử lý), máy phát điện dùng khí biogas đã giúp người dân có thêm một lượng điện dồi dào, sẵn có, giá lại rẻ. Khi được áp dụng ở khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, không chỉ góp phần giải quyết việc khan hiếm điện do chưa có điện lưới, công trình này còn giúp loại bỏ chất thải nông nghiệp, cải thiện vệ sinh môi trường

Theo các chuyên gia, việc tận dụng nguồn khí biogas vào hình thức này khá đơn giản, các hộ gia đình chỉ cần trang bị một máy phát điện cỡ nhỏ khoảng 1-5kW và thực hiện thao tác chuyển đội bộ phận sử dụng nhiên liệu là có thể vận hành. Sau một năm sử dụng khí biogas cho máy phát điện, người dân có thể khấu hao được tiền máy móc.


Đánh giá cao đề án của giáo sư Ga về tính ứng dụng, từ năm 2008, Công ty Toyota đã quyết định tài trợ kinh phí sản xuất 1.000 chiếc máy phát điện mini chạy bằng khí biogas để bán ra thị trường. Hiện nay, máy phát điện chạy bằng biogas đã được ứng dụng ở nhiều địa phương như: Thái Bình, Bắc Giang, Phú Thọ... và nhận được phản hồi khá tốt của người dân.


Ngoài hai loại hình trên, ở Việt Nam hiện cũng đã có các nghiên cứu và bước đầu đi vào khai thác những nguồn năng lượng từ tự nhiên như: năng lượng gió, năng lượng từ nguyên liệu sinh học… Việc phát triển và ứng dụng thành công các nguồn năng lượng này không chỉ là giải pháp thay thế khi những nguồn năng lượng truyền thống trở nên khan hiếm, mà còn giúp môi trường của chúng ta trở nên sạch sẽ hơn.

Theo VNN