Tôi đến tìm ông vào một buổi chiều khi nhiệt độ ngoài trời là gần 350Cdù
mặc trên người một chiếc áo chống nắng dày cộp nhưng cái nắng, cái nóng
vẫn xuyên vào rát thịt. Tuy nhiên, ngôi nhà cuối một con hẻm nhỏ của Hà
Nội ngay lập tức mang đến cho tôi cảm giác nhẹ nhàng, mát mẻ. Một giàn
mướp rộng, xen lẫn gấc đầy quả lủng lẳng. Hơn chục con gà thảnh thơi mổ
thóc.
Căn phòng khách rộng rãi, thông thoáng mặc dù chỉ được bật 1
chiếc quạt nhỏ. "Nếu biết sử dụng điện hợp lý ta vẫn có thể đảm bảo nhu
cầu mà chỉ dùng ít điện. Tháng nào không có học trò đến làm thí nghiệm,
nhà tôi chỉ phải trả hơn 40.000 đồng tiền điện” - ông đón tôi bằng nụ
cười hóm hỉnh quen thuộc.
Hơn
chục năm rồi, từ Hà Giang tới Cà Mau, nhiều người biết ông với nước
ôzôn đuổi bọ diệt khuẩn, chăm cây, dưỡng quả, chữa bệnh cho tôm cá, làm
bảng chống lóa, đèn học đường... Gần 70 tuổi, tóc đã bạc trắng nhưng
đôi mắt tinh anh, dáng vẻ nhanh nhẹn của ông cho thấy sức sáng tạo,
năng lực trong ông còn nhiều lắm. Vậy nên, trong bất cứ một hội thảo
nào về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, dù đã về hưu, ông vẫn
sẵn sàng tham gia, vẫn phát biểu hăng say để chia sẻ về những giải pháp
TKNL.
Rất nhiều lần, chỉ cần một cú điện thoại ông lại xách túi, máy
ôzôn dã chiến, máy đo ánh sáng, máy đo công suất, bóng đèn... lên đường
tới bất kỳ đâu trên lãnh thổ Việt Nam. "Cái biệt danh "Ông già ôzôn"
của tôi là do bọn trẻ miền núi đặt cho đấy. Đêm 23/1/2003, tôi tới cao
nguyên đá Đồng Văn hướng dẫn bà con đuổi mọt khỏi ngô và lắp đèn ôzôn
chiếu sáng. Bọn trẻ con nhìn thấy bọ đen bò ra khỏi hạt ngô nổi đầy
trên mặt nước ôzôn loãng, dưới ánh đèn sáng chúng thích quá nhưng không
biết gọi tên thật của loại nước này mà chỉ nhớ một thành phần của nước
đó là ôzôn nên gọi tôi như vậy” – ông cười khà khà ôn lại kỷ niệm xưa.
Nhiều giải pháp TKNL
Vốn
là một người hoạt động trong lĩnh vực chế tạo đầu thu laser cho tên lửa
nghiên cứu vũ trụ, nhưng "cái nghiệp" nghiên cứu, chế tạo các loại đèn
TKNL lại gắn với ông như một cơ duyên. Bắt đầu nghiên cứu các loại đèn
TKNL từ năm 1974, đến nay, "gia tài" của ông là hàng loạt các loại đèn
khử khuẩn, chiếu sáng ngõ xóm, chiếu sáng học đường, chiếu sáng cho
nông nghiệp, thủy sản, nhà máy cơ khí, xưởng dệt… Trong đó, có nhiều
loại sử dụng điện năng của pin mặt trời, điện gió. Những loại đèn được
ông sáng chế ra đều được đặt yếu tố TKNL, bảo vệ môi trường lên hàng
đầu.
Tuy
nhiên, ông cho biết: "Tạo ra các loại đèn TKNL đã rất khó, hướng dẫn
dân sử dụng các loại đèn đó phù hợp với đối tượng cần chiếu sáng còn
khó hơn rất nhiều. Bởi vì rất nhiều người vẫn chưa biết cách để TKNL.
Tôi đi tới bất kỳ đâu cũng thấy nhiều người mua đèn không đúng, mắc đèn
tuỳ tiện, chẳng bao giờ bảo trì bảo dưỡng đèn”. Trước đây, nhiều trại
gà tại Lạc Vệ - Tiên Du – Bắc Ninh dùng bóng đèn huỳnh quang để chiếu
sáng.
Từ tháng 6/2009, được ông hướng dẫn dùng đèn khử khuẩn khử mùi có
máng cho bóng T8 – 36W, cho ánh sáng như ánh nắng trời không mây, tuổi
thọ 20.000 giờ, kết quả là chuồng đỡ bị mùi hơn, gà linh hoạt hơn, ăn
nhiều hơn, thuốc thú y giảm còn 30%, điện tiết kiệm 50%, còn trứng gà
đẻ mỗi ngày cũng tăng 5%.
Với
ý niệm Việt Nam phải phát huy được thế mạnh nông nghiệp của mình nhờ
vào những ứng dụng công nghệ cao, hiện đại, từ năm 2003, TS. Khải đã
nghiên cứu dùng đèn điện kích nở hoa thanh long trái vụ. Từ cuối năm
2006, được sự ủng hộ nhiệt tình của ông Huỳnh Văn Tý – Bí thư Tỉnh uỷ
Bình Thuận, Trung tâm Sedec Bình Thuận và Công ty Bóng đèn phích nước
Rạng Đông, những hécta thanh long đầu tiên ở Bình Thuận dùng bóng
compact 20W thay cho bóng dây tóc sáng 60-75W đã được thử nghiệm.
Và
kết quả nghiên cứu của ông đã được khẳng định: Tiết kiệm điện ít nhất
30%, sản lượng không đổi, số vườn thanh long được chiếu sáng nhiều hơn,
tổng sản lượng tăng lên. Đã 4 năm rồi Phòng cấy mô của Sở Khoa học Công
nghệ Phú Yên dùng 200 đèn mới do ông thiết kế, chế tạo mẫu, Công ty
Rạng Đông làm đèn đã giúp mỗi tháng giảm được hơn 2 triệu đồng tiền
điện. Không những vậy, thời gian trồng cây còn giảm từ 8 tháng xuống
còn 4 tháng. Cây con to hơn, thẳng hơn, cao hơn, lá nhiều hơn xanh hơn,
đem trồng ít chết hơn so với trước.
Từ
tháng 7/2009, ông đã hướng dẫn nhiều doanh nghiệp ở Kiên Giang, Sóc
Trăng, Sài Gòn, Đồng Nai, Đồng Tháp, Nha Trang, Đà Nẵng dùng đèn LED
thay thế các loại đèn cũ trong kho lạnh của các xưởng chế biến thủy
sản. Với đặc tính nhiệt độ càng thấp, đèn LED càng sáng, hiệu suất
chiếu sáng càng cao, đèn càng bền, hiệu quả chiếu sáng trong các kho
lạnh được điều chỉnh rõ rệt. Bên cạnh đó, ông cũng hướng dẫn dùng đèn
huỳnh quang T5, T8 để chiếu sáng xưởng chế biến nhằm đảm bảo hiệu quả
chiếu sáng cao hơn so với đèn cũ. Sau 1 tháng, lượng điện sử dụng đã
giảm 30-50%.
Với
câu tuyên bố chắc nịch: “Người nước ngoài làm đèn có thể giỏi hơn tôi
hàng tỷ lần nhưng riêng về đèn học đường, đèn cho người nghèo, đèn bàn
thì hiện nay, họ chưa bằng tôi”, đầu năm 2004, ông đã cùng Công ty Rạng
Đông mở chiến dịch "chiếu sáng học đường". Đến nay, 18.000 lớp học trên
khắp toàn quốc được trang bị hệ thống này, tiết kiệm hơn 1/3 điện năng,
ánh sáng lớp học đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế.
Còn đó những trăn trở
"Có
bao giờ ông thấy mệt mỏi với những chuyến đi dài ngày như vậy không?" –
tôi hỏi. Khuôn mặt ông trầm xuống, "đi nhiều thì tôi không ngại, chỉ
buồn một điều là bây giờ, doanh nghiệp mình còn sợ nghiên cứu, không
dám tự tạo sản phẩm. Ngay kể cả khi mình có sản phẩm rồi thì việc triển
khai sản xuất đại trà, biến nó thành thương phẩm là việc rất khó.
Hơn
nữa, sản phẩm mới chất lượng cao hơn thường có giá cao hơn, cho nên
giải pháp duy nhất bây giờ là Chính phủ cần có những biện pháp hỗ trợ
cho các cơ sở sản xuất các thiết bị biến đổi năng lượng có hiệu suất
cao, trong đó có đèn hiệu suất phát sáng cao, tuổi thọ lớn. Tại các
nước khác như Mỹ, Trung Quốc, Đức, Chính phủ sẵn sàng trợ giá cho các
sản phẩm sử dụng năng lượng tiết kiệm, các sản phẩm TKNL. Việt Nam mình
có thể học hỏi được chứ.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần
mạnh dạn nghiên cứu, đầu tư, quảng bá cho các sản phẩm TKNL, có như vậy
sản phẩm mới nhanh đến tay người tiêu dùng. Tại sao các thương hiệu lớn
như Rạng Đông, Philip, Osram… vẫn là những đại gia lớn trong thị trường
sản phẩm chiếu sáng TKNL? Vì họ không ngại đầu tư, nghiên cứu, kiên trì
quảng bá các sản phẩm TKNL, và họ đã thành công".
Câu
chuyện giữa chúng tôi kết thúc khi sau một cuộc điện thoại, "ông già
ôzôn" lại tất tả đi chạy nước ôzôn. "Ông mở thêm dịch vụ ở nhà à?" –
tôi hỏi. "Không! Họ xin nước ôzôn khử khuẩn cho lợn nhưng họ gọi tới
Trung tâm Tư vấn đèn tiết kiệm điện năng và dung dịch Hoạt hóa Điện hóa
thì không có ai trên đấy, nên tôi tranh thủ giúp họ chứ dịch vụ gì.
Giúp được một người là có thêm một niềm vui, sống sẽ lâu hơn”. Ông già
ôzôn là thế! Nhiệt tình, thẳng thắn, không kiểu cách. Và nhìn cái dáng
tất bật của ông, tôi biết, đôi chân kia sẽ còn tiếp tục đi đến nhiều
vùng của đất nước, mang sự nhiệt tình, trí thức phục vụ cho "cuộc
chiến" năng lượng đang sôi sùng sục từng giờ, từng ngày.
Sản
phẩm đèn ôzôn khử khuẩn, bảo vệ môi trường của ông ban đầu được người
Trung Quốc lấy tên là đèn Khai Thông (Khai là tên ông, đã bỏ dấu, Thông
tức là thông minh). Sau đó, ông chuyển tên thành đèn ôzôn cho dễ nhớ.
Theo KTVN