Thứ bảy, 23/11/2024 | 03:12 GMT+7
Cùng với các chính sách tiết kiệm năng lượng và cắt giảm phát thải khí, tháng này, Liên minh Châu Âu EU đã ra quyết định cấm sản xuất và nhập khẩu đèn sợi đốt 75W trong các tòa nhà.
Năm ngoái, EU đã cấm sử dụng đèn sợi đốt 100W, và tới tháng 11 năm 2011 dự định sẽ dần dần loại bỏ bóng đèn 60W. EU cũng đang từng bước thay thế đèn halogen, dự tính sẽ hoàn thành kế hoạch vào năm 2013. Cuối cùng, đèn LED sẽ thay thế tất cả bóng đèn sợi đốt, đèn halogen.
Bỏ bóng đèn sợi đốt là một phần trong chiến lược của EU, nhằm cắt giảm 20% khí nhà kính tới năm 2020. Với việc thay thế các loại đèn cũ bằng những mẫu mã mới, tiết kiệm hơn, EU hi vọng sẽ giảm mức tiêu thụ năng lượng cho chiếu sáng xuống 60%, tương đương với 30 triệu tấn CO2 mỗi năm.
Mặc dù bóng đèn tiết kiệm năng lượng đã ra đời từ năm 1998, song do giá cả đắt đỏ nên ít được sử dụng. Quyết định cấm được ban hành năm 2008 đã khiến khoảng 2 nghìn đến 3 nghìn công nhân đang làm việc trong lĩnh vực công nghiệp chiếu sáng trở nên dư thừa, đặc biệt tác động tới Hungary và Ba Lan. Tuy nhiên, Hội đồng Châu Âu cũng cho rằng việc sản xuất halogen và khả năng tiết kiệm từ 5 – 10 tỉ đô la tiền điện có thể tác động ngược trở lại nền kinh tế và tạo ra nhiều việc làm mới.
Trong một bài bình luận của mình, tờ The Washington Times đã kịch liệt phản đối lệnh cấm này, coi nó là quan liêu, là chống lại phát minh vĩ đại nhất của Edison. Ngoài ra còn có những ý kiến về vấn đề này như những ưu đãi một cách dồn dập để loại bỏ đèn sợi đốt, tác động của thủy ngân trong đèn huỳnh quang tới môi trường, tăng giá thực của sản phẩm khi tới tay người tiêu dùng.
Tuy nhiên, Hiệp hội người tiêu dùng Châu Âu BEUC lại tỏ ra rất đồng tình với bước phát triển tiếp theo của dự án này. Nhưng họ cũng đòi hỏi thông tin rõ ràng hơn cho người tiêu dùng, cung cấp quy trình tái chế bóng đèn tiết kiệm năng lượng đạt chất lượng tốt hơn và giảm lượng thủy ngân của đèn compact.
Tuy lượng thủy ngân trung bình trong đèn compact huỳnh quang không quá 5mg, chỉ vừa bằng đầu bút bi, nhưng nó vẫn là một hóa chất độc hại.
Brazil và Venezuela đã bắt đầu nói không với đèn sợi đốt từ năm 2005, Thụy Sĩ bắt đầu năm 2009, còn Nga và Canada đã lên kế hoạch cho hoạt động này từ cho năm 2012. Mỹ cũng dự định sẽ bắt đầu chiến dịch tương tự như Châu Âu từ năm 2012.
Lê My (theo uk.ibtimes.com)