Thứ bảy, 23/11/2024 | 07:56 GMT+7
Những lợi ích có từ phát minh của ông Belonio đó là nguồn nhiên liệu trấu lúa khá dồi dào và hầu như “cho không, biếu không”, hiện diện tại các hộ gia đình nông dân hoặc tại các nhà máy xay xát lúa, việc sử dụng bếp gas đun bằng trấu có thể giảm thiểu khói thải khí đốt độc hại và cắt giảm nhu cầu sử dụng củi đun. Tờ The Jakarta Post nói: “Hàng năm, Indonesia tạo ra hơn 10 triệu tấn trấu và phần lớn chúng trở thành rác. Nhưng hiện tại đây là một nguồn nhiên liệu khổng lồ”.
Được biết ông Alexis Belonio là 1 trong 10 gương mặt của giải thưởng Rolex SS dành cho doanh nghiệp vào năm 2008, nhằm vinh danh những nhà phát minh ưu tú trong nhiều lĩnh vực khác nhau, giải được hình thành kể từ năm 1976. 5 người được nhận giải thưởng Rolex hạng nhất, mỗi người sẽ được trao tặng số tiền lên tới 100.000 USD; 5 người nhận được giải thưởng Rolex hữu nghị, mỗi người sẽ được trao tặng số tiền 50.000 USD, trong đó có cả ông Alexis Belonio. Những người thắng cuộc đã được ban tổ chức sàng lọc rất kỹ lưỡng từ 1.500 ứng viên nhà phát minh từ hơn 125 quốc gia trên thế giới. Ban hội thẩm chấm giải là những nhà khoa học, kinh tế gia và các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực từ khắp nơi trên thế giới.
Giải thưởng Rolex SS mang tính toàn cầu và là một trong những giải thưởng khá danh giá dành cho các nhà phát minh xuất sắc nhất thế giới trong những lĩnh vực mang lại sự tiến bộ cho con người.
Ông Alexis Belonio, 48 tuổi, là một phó trợ tá kỹ sư nông nghiệp, hiện đang giảng dạy tại trường Cao đẳng Nông nghiệp thuộc Đại học Trung Ương Philippines toạ lạc tại thành phố Iloilo. Bản thân ông Belonio từng nhận thức rằng cánh nông dân đã sử dụng trấu trong đun nấu thức ăn từ trước đó, nhưng phương pháp đun nấu này không tốt lắm vì đọng rất nhiều muội đen bồ hóng, không đảm bảo an toàn về sức khoẻ, hơi nóng không được tập trung tối đa do đó thời gian nấu rất chậm. “Nhưng bằng quy trình khí hoá do tôi phát minh ra, tôi đã tập trung để chế tạo nên một loại bếp gas có thể nấu chín thức ăn hoặc đun sôi nước rất nhanh chóng. Một tấn vỏ trấu có thể quy đổi thành 415 lít khí đốt hay bằng 378 lít dầu hoả”, ông Belonio thêm vào.
Quy trình chế tạo của ông Belonio được tiến hành thực nghiệm tại nhà xưởng Minang Jordanindo, đã chỉ ra rằng chỉ bằng một nhúm vỏ trấu cũng có khả năng để đun sôi nước trong thời gian 7 phút. Mặt khác đun nấu bằng bếp gas đun vỏ trấu sẽ làm hạn chế tối đa khói bụi độc hại trong hộ gia đình. Mặt khác, sau khi đã đốt vỏ trấu thành than bột thì thứ than bột này có thể được tái xử lý để tăng thêm chất dinh dưỡng cho đất trồng hoặc ép nó tạo thành các tấm bìa các-tông. Trước đó, mẫu bếp gas đun bằng trấu đã được ông Belonio chế tạo ra ở Philippines kể từ năm 2003 nhưng cái giá của nó khi đó khá đắt, lên tới 100 USD/bộ, cái giá đó chẳng thể nào đụng tới tầm với của đại bộ phận dân làm nông nghiệp.
Ông Belonio chia sẻ: “Bằng các đợt khảo nghiệm xa hơn cộng với sự tài trợ của hãng Minang Jordanindo đã giúp cho tôi có điều kiện để chế tạo ra một mẫu bếp gas mới, cắt giảm giá thành của mẫu bếp gas ban đầu xuống chỉ còn 25 USD/bộ. Nhưng tham vọng của tôi là sẽ làm cho giá thành của bếp gas giảm xuống cực thấp chỉ còn 10 USD/bộ”.
Tiến Đạt