Thứ sáu, 22/11/2024 | 23:06 GMT+7
Công ty CP giấy Sông Lam - Nghệ An là DN sản xuất, kinh doanh bột giấy, giấy và các loại vật tư, thiết bị, hóa chất ngành giấy phục vụ cho xuất khẩu. Hiện nay, thị trường xuất khẩu chính của công ty là Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản.
Giống như nhiều DN sản xuất giấy khác, vấn đề môi trường lớn nhất mà công ty gặp phải là nước thải phát sinh từ khâu ngâm ủ mành tre theo công nghệ kiềm lạnh, khâu xeo và vệ sinh thiết bị, nhà xưởng, sân phơi. Nước thải sinh ra sau quá trình sản xuất có màu đen vàng, lẫn nhiều tạp chất và có mùi rất khó chịu. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của công nhân và làm giảm năng suất lao động. Đặc biệt, trong nước thải còn lẫn nhiều nguyên liệu chưa được tách nên gây tổn thất khá nhiều nguyên liệu khi thải ra môi trường.
Ông Lê Bá Quỳnh chia sẻ: "Ngay từ những năm 2001, công ty đã bắt đầu đưa những giải pháp SXSH vào áp dụng". Tuy nhiên, do chưa có nhiều kinh nghiệm nên những giải pháp đầu tiên đó còn hết sức đơn giản, chỉ là tận dụng nguồn nước sạch từ núi Thành để sản xuất và sử dụng tiết kiệm nguồn nước bằng cách tận dụng tối đa nước ngưng lò sấy để cấp cho lò hơi. Tuy nhiên, những giải pháp đơn giản đó vẫn được duy trì áp dụng và mang lại rất nhiều lợi ích cho đến bây giờ.
Năm 2009, dưới sự trợ giúp của Hợp phần sản xuất sạch hơn trong công nghiệp (CPI), công ty đã đầu tư hơn 720 triệu đồng cho 21 giải pháp (phần lớn là các giải pháp quản lý nội vi cơ bản) nhằm giải quyết triệt để việc lãng phí nguyên vật liệu, tái sử dụng nước thải và tận thu nguyên liệu có trong nước thải.
Cụ thể, trước đây, nguyên liệu giấy tái chế và than không có nhà xưởng bảo quản nên được để ngay ngoài trời. Do vậy, khi đưa vào sản xuất đã gây ảnh hưởng đến sản lượng giấy cũng như chất lượng than đốt. Cụ thể, mỗi tấn sản phẩm giấy Crap phải sử dụng từ 1.500-1.550kg nguyên liệu để sản xuất. Do đó, công ty đã quyết định xây nhà che để bảo quản nguyên liệu và than. Sau khi có nhà che, lượng nguyên liệu để tái chế cho mỗi tấn sản phẩm chỉ còn từ 1.420-1.450kg. Khu nhà che này cũng giúp giảm đáng kể việc thất thoát than cũng như đảm bảo chất lượng than khi đưa vào lò hơi để đốt.
Bên cạnh đó, công ty cũng tích cực tuyên truyền cho công nhân để đẩy mạnh ý thức sử dụng tiết kiệm nguồn nhiên liệu trong quá trình sản xuất.
Sau khi hoàn thành những giải pháp đơn giản, công ty bắt đầu thực hiện những giải pháp lớn và đòi hỏi đầu tư lớn hơn. Cụ thể, để giải quyết vấn đề nghiêm trọng nhất là xử lý nước thải, trong năm 2009, công ty đã đưa hệ thống tuyển nổi tại công đoạn xeo - nghiền đi vào hoạt động. Hệ thống này đã giảm được một bơm cấp nước công suất 22KV và tái sử dụng toàn bộ nước thải.
Đặc biệt, hệ thống xử lý nước thải sau công đoạn nấu nguyên liệu (tre, nứa) đã tách được thành phần lignhin trong nước thải và thu hồi được một phần lượng bột có trong nước thải. Do đó, công ty đã giảm thất thoát được một phần nguyên liệu và không còn phải thải nước thải chưa xử lý ra môi trường.
Sau 1 năm áp dụng triệt để những giải pháp SXSH, với việc giảm 36.900m3 nước cấp cho sản xuất, 42.886 KWh điện, 287 tấn than và giảm phát thải 559 tấn CO2 hàng năm, trung bình mỗi năm, công ty tiết kiệm được trên 500 triệu đồng.
"Với những giải pháp SXSH triệt để, công ty đã không chỉ thu được lợi nhuận đáng kể mà còn đảm bảo môi trường sản xuất sạch sẽ, đảm bảo sức khỏe cho công nhân, đảm bảo sản xuất bền vững để giữ chữ tín và thu hút đơn hàng từ những thị trường xuất khẩu khó tính. Thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục duy trì thực hiện những giải pháp này để đảm bảo kéo dài những thành quả cả về kinh tế và môi trường đã đạt được" ông Lê Bá Quỳnh khẳng định
Theo KTVN