Thứ sáu, 22/11/2024 | 07:16 GMT+7
Có lẽ nó không thể nằm ngoài xu
thế tất yếu của đa số nước trong tình hình kinh tế khó khăn và cao hơn
nữa nhằm cứu Trái đất trước hiểm họa nóng lên toàn cầu. Hơn nữa, các
cuộc chiến của Mỹ nhằm giành quyền kiểm soát những vùng tài nguyên tiềm
tàng trên thế giới đang gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, giờ đây việc sử
dụng hiệu quả năng lượng đang trở thành tiêu điểm của nhiều cuộc thảo
luận ở Mỹ.
Trong cuốn sách tựa đề “Năng lượng vô hình: những
chiến lược giải cứu nền kinh tế và cứu hành tinh” (Invisible Energy:
Strategies to Rescue the Economy and Save the Planet), nhà vật lý David
Goldstein, người từng đoạt giải McAthur danh giá năm 2002 cho rằng Mỹ
có thể giảm tiêu dùng năng lượng 30% vào năm 2020 và 88% vào năm 2050.
Một số chuyên gia khác ước tính tỷ lệ sử dụng năng lượng của Mỹ vào năm
2020 giảm từ 17% đến 23% so với hiện nay.
Theo giáo sư kinh tế Lester B.
Lave thuộc Trường Đại học Carnegie Mellon, các tòa nhà có thể sử dụng
ít hơn 60% điện vào năm 2030 bằng cách áp dụng các công nghệ hiện nay
như sử dụng đèn compact, tăng hiệu quả cách nhiệt (đối với xứ lạnh)
hoặc thêm nhiều cửa sổ (xứ nhiệt đới), lắp thiết bị đun nước bằng pin
năng lượng Mặt trời.
Hiệp hội các nhà sản xuất thiết
bị gia dụng Mỹ cho biết các loại tủ lạnh và máy điều hòa nhiệt độ tại
Mỹ mỗi năm ra đời tiết kiệm thêm 4% điện tiêu thụ trong 35 năm qua.
Hiệp hội này đang kiến nghị Chính phủ Mỹ áp dụng tiêu chuẩn tiết kiệm
điện đối với tủ lạnh, tủ đông và máy giặt từ 26% đến 42% từ nay đến năm
2015. Các thiết bị khác có tỷ lệ giảm thấp hơn.
Tại bang
California, chương trình nâng cao hiệu quả sử dụng điện áp dụng trong
35 năm qua được đánh giá cao và đã được 29 bang khác làm theo. Những
chiếc tủ lạnh ở bang này hiện nay có thể tiết kiệm điện 75% so với tủ
trong thập niên 70 cho dù có nhiều tính năng hơn, lớn hơn và rẻ tiền
hơn.
Từ những năm 1970, bang này đã áp
dụng các tiêu chuẩn tiết kiệm điện với các mặt hàng điện tử gia dụng.
Kết quả là bất chấp việc gia tăng dân số 43%, lượng điện tiêu thụ tăng
không đáng kể, đưa bang California trở thành bang sử dụng điện hiệu quả
nhất. Tính trên bình quân đầu người, người dân bang California hiện nay
chỉ sử dụng lượng điện chỉ 1/2 so với cách đây 30 năm.
Theo các nhà kinh tế Mỹ, mỗi năm
người Mỹ bỏ ra 1,1 ngàn tỷ USD trả tiền điện tiêu dùng, giả sử lượng
điện này giảm đi 20%, người Mỹ sẽ tiết kiệm được 200 tỷ USD để chi cho
các vấn đề khác như y tế, giáo dục…
Thực tế, con đường để đạt
mục tiêu tiết kiệm năng lượng của Mỹ còn lắm thử thách. Theo ông
Goldstein, mặc dù xây thêm một nhà máy điện sẽ được cái lợi trước mắt,
trong đó có tạo thêm việc làm, tăng lợi nhuận do bán điện... nên nhiều
người xem tiết kiệm năng lượng là lựa chọn thứ hai. Tuy nhiên, nhiều
nhà sản xuất chưa thực sự xem trọng yếu tố cải thiện công nghệ để tiết
kiệm điện thay vì đổ thêm tiền vào đầu tư công nghệ mới.
Theo Báo SGGP