Thứ bảy, 23/11/2024 | 04:03 GMT+7

Năng lượng xanh từ thân nhiệt

26/08/2010

Các kỹ sư Thụy Điển đặt ra mục tiêu là một ngày nào đó sẽ có thể chuyển thân nhiệt tạo ra tại các khu dân cư vào ban đêm sang cho các tòa nhà văn phòng vào buổi sáng và buổi chiều.

Tận dụng sức nóng tỏa ra từ dòng người trong các nhà ga, các kỹ sư tại Thụy Điển đã tạo ra một dạng năng lượng xanh với chi phí rẻ và có thể tái tạo.

 

Vào một buổi sáng giá lạnh ở khu trung tâm Stockholm (Thụy Điển), một biển người ùa vào sân ga trung tâm để lên tàu đi làm. Sân ga này như ấm hẳn lên nhờ những cửa hiệu, nhà hàng nhộn nhịp và sức nóng tỏa ra từ cơ thể của 250.000 người ra vào mỗi ngày.

 

Tuy nhiên, sau giờ cao điểm, sức nóng này nhanh chóng mất đi. Hiện nay, các kỹ sư tại Thụy Điển đã tìm ra một cách để giữ lại sức nóng này và chuyển sang tòa cao ốc Kungbrohuset vừa mới được sửa sang gần đó. Vậy là sức nóng tỏa ra từ dòng người ra vào các ga tàu đã trở thành một dạng năng lượng xanh. “Đây là nguồn năng lượng xanh giá rẻ và có thể tái tạo”, ông Karl Sundholm, Giám đốc Quản lý Dự án tại công ty bất động sản Jernhusen (có trụ sở ở Stockholm) và là một trong những người đã sáng tạo ra hệ thống này, nhận định.


 5699_nang-luong-xanh.jpg


Vậy hệ thống này vận hành như thế nào? Sức nóng tạo ra từ những người di chuyển qua lại sẽ được giữ lại trong hệ thống thông gió của sân ga và được sử dụng để làm ấm nước tại các bể chứa dưới mặt đất. Sau đó, nước sẽ được bơm thông qua các đường ống vào tòa cao ốc Kungbrohuset cách đó khoảng 90 m và được hòa vào hệ thống sưởi ấm trung tâm.


Công ty Jernhusen đang sở hữu cả khu sân ga và tòa cao ốc Kungbrohuset. Về lâu dài, Jernhusen dự kiến sẽ làm giảm chi phí năng lượng trong tòa cao ốc này ít nhất 20% mỗi năm.

 

Ông Sundholm cho biết, việc xây dựng hệ thống sưởi mới, trong đó bao gồm cả lắp đặt các máy bơm và các đường ống ngầm, chỉ tốn khoảng 30.000 USD. “Chúng tôi lấy lại phần chi phí bỏ ra rất nhanh. Và đối với một tòa nhà lớn ước tính tốn vài trăm triệu Krona Thụy Điển (1 Krona = 0,135498 USD) để xây dựng thì con số này không đáng kể, đặc biệt là khi sức nóng từ sân ga đóng góp tới 15-30% năng lượng cung cấp cho cả tòa nhà”, ông nói.

 

Sundholm và đồng nghiệp của mình là Klas Johansson, Trưởng Bộ phận môi trường của Jernhusen, đã nghĩ ra ý tưởng này cách đây hơn 2 năm. Cả hai đều rất lạc quan rằng sẽ có thể sử dụng công nghệ này theo những phương pháp khác trong tương lai. Sundholm cho biết, mục tiêu của họ là một ngày nào đó sẽ có thể chuyển thân nhiệt tạo ra tại các khu dân cư vào ban đêm sang cho các tòa nhà văn phòng vào buổi sáng và buổi chiều.

 

Nhưng điều này có thể không dễ thực hiện. Một trở ngại lớn là các tòa nhà cần phải nằm gần nhau. “Rất khó để di chuyển sức nóng có nhiệt độ thấp đi một khoảng cách xa. Các tòa nhà sẽ phải nằm rất gần nhau, chỉ cách khoảng 90-180 m và cần phải nỗ lực trong việc xây dựng và thiết kế làm sao để không phải tốn nhiều năng lượng hơn khi đưa không khí nóng tại sân ga vào tòa cao ốc”, Lester Lane, Giám đốc Sáng kiến Thiết kế xanh thuộc Đại học Carnegie Mellon (Mỹ), nhận định.

 

Theo Nhịp cầu đầu tư