Thứ sáu, 01/11/2024 | 13:24 GMT+7

Đưa bể biogas composite về nông thôn

23/07/2010

Trong dịp về Bắc Giang vừa qua, tôi được biết có nhiều hộ chăn nuôi ở đây đã và đang lắp đặt bể biogas bằng vật liệu composite. Việc đầu tư lắp đặt bể biogas khai thác khí sinh học từ chất thải trong chăn nuôi tạo nguồn năng lượng mới thay chất đốt rơm rạ trong đun nấu đã được nông dân ở đây quan tâm từ lâu. Tuy nhiên, với các gia đình nông dân, bỏ ra một lúc hơn 10 triệu đồng để sử dụng một bể biogas bằng vật liệu composite, thì đây được coi là “tư duy tiến bộ”, nhất là việc bảo vệ môi trường...

Anh Đào Trọng Nghĩa, cán bộ Trung tâm ứng dụng Khoa học công nghệ (Sở Khoa học công nghệ Bắc Giang) cho biết, đây là loại bồn bể đúc sẵn được chế tạo bằng vật liệu composite, cốt thủy tinh, sợi các-bon nên có nhiều tiện ích vượt trội so với loại bể cũ xây bằng gạch, như: Độ bền cao, kín khí tuyệt đối, trong điều kiện nền móng yếu cũng không bị lún, nứt.


Trọng lượng bể nhẹ, dễ di chuyển phù hợp với nhiều địa hình. Hiệu suất sinh khí gấp 2-2,5 lần so với bể xây gạch cùng thể tích, có khả năng tự phá váng 100% và tự điều áp khí ga không cần van an toàn. Đặc biệt việc lắp đặt rất đơn giản, chỉ từ 2 đến 3 giờ là có thể đưa vào sử dụng.


21072010p2.jpg


Theo anh Lê Văn Tuấn, đại diện khu vực phía Bắc của Công ty TNHH sản xuất thương mại Quang Huy (khu Hà Trì 1, Hà Đông, Hà Nội), từ cuối năm 2009, bể biogas composite của công ty bắt đầu được sử dụng ở các huyện Lục Nam, Lục Ngạn, Yên Dũng. Đến nay, toàn tỉnh đã lắp đặt được hơn 40 chiếc (giá một bể 10m3 khoảng 12 triệu đồng). Thời gian tới mô hình này sẽ tiếp tục được triển khai tại hai huyện Tân Yên và Việt Yên với dự tính sẽ lắp đặt khoảng 80 chiếc.


Tôi đến thôn Ao Gạo, xã Cảnh Thụy (Yên Dũng) gặp bác Khắc Công, người đã sử dụng bể biogas composite. Bác Công hồ hởi: “Gia đình tôi mới sử dụng được hơn 2 tháng mà đã thấy được rất nhiều lợi ích. Cái bể dung tích 8m3, nguồn khí đốt từ việc sử dụng phân của 20 con lợn thải ra mà gia đình đủ dùng cho việc đun nấu và thắp sáng. Dạo này hay mất điện, trời nóng, đun nấu bằng khí lấy từ bể biogas không khói, không bụi bặm... hay lắm cháu ạ”.


Dẫn tôi đi xem chuồng lợn, nơi đặt bể, bác Công cho biết, vì diện tích hẹp nên bác đặt bể ngay dưới nền chuồng, phân sẽ tự động chảy xuống bể. Từ khi lắp đặt bể biogas này, bác không phải lo ngại nước phân chảy lênh láng gây ô nhiễm sinh hoạt mỗi khi làm vệ sinh chuồng trại nữa. Đặc biệt trong quá trình sử dụng, bác không phải kiểm tra, khuấy đảo hay lấy váng như ở bể xây. Vào bếp, bác Công mở khóa van, mồi lửa. Ngọn lửa cháy đều, có màu xanh và không có mùi hôi. Bác Công cho biết, sắp tới sẽ dùng bếp đôi để tiết kiệm thời gian đun nấu...


Theo bác Công, nhiều người dân trong và ngoài xã đã đến thăm quan bể và nói rất muốn có một cái bể biogas như thế, nhưng chưa có tiền. Được biết, cũng vì chi phí lắp đặt còn cao nên bể biogas composite vẫn chưa phát triển rộng rãi ở đây. Thiết nghĩ, nếu có dự án hỗ trợ nhân rộng mô hình mới này, chắc chắn đây sẽ là một giải pháp không chỉ bảo vệ môi trường, mà còn có ý nghĩa lớn về kinh tế và xã hội ở nông thôn.


Theo báo QĐND